Đằng sau việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt

04/07/2019 06:55

Các doanh nghiệp Việt Nam bức xúc khi Tập đoàn Central Group của Thái Lan đột ngột gửi thông báo tạm ngưng nhập hàng may mặc. 

Tối 2-7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam (VN), Central Group VN (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C) nêu rõ: Kể từ tháng 7-2019, Central Group VN tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên.

Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.

Doanh nghiệp Việt bức xúc

Chiều 3-7, nhiều đại diện của các doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện Central Group ở TP.HCM để phản đối quyết định trên. Trao đổi với báo chí, đại diện một số công ty dệt may VN cho rằng hành động của Central Group đã đẩy hàng loạt nhà cung cấp sản phẩm may mặc VN vào khó khăn.

Bởi theo họ, việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính, đồng thời là nỗi lo việc hàng ngoại nhập sẽ thoải mái vào hệ thống siêu thị này sau khi đã đẩy toàn bộ hàng may mặc VN ra khỏi hệ thống siêu thị. “Không chỉ hàng may mặc mà các mặt hàng khác của VN trong siêu thị do nước ngoài sở hữu có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập” – đại diện một công ty cảnh báo.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, cho biết công ty không cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C nhưng cung cấp mặt hàng chăn, ra, gối, nệm… “Dù chưa nhận được thông báo chính thức do Tập đoàn Central Group gửi đến nhưng chúng tôi nắm được thông tin tập đoàn này muốn dành mặt bằng để phát triển ngành điện máy (nên phải giảm mặt bằng dành cho ngành may mặc và các ngành khác – PV). Do đó, khả năng thu hẹp ngành hàng của chúng tôi sẽ diễn ra trong tương lai” – ông Hòa lo ngại.

Ngoài ra, ông Ngô Đức Hòa cho hay thời gian qua công ty gặp một vấn đề là chiết khấu tại siêu thị Big C tăng cao so với các siêu thị khác và tăng bất thường. “Trong khi sức mua thấp mà chiết khấu bỗng nhiên tăng cao khiến doanh thu thời gian qua của chúng tôi giảm 20%” – ông Hòa nói.

Đằng sau việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt - ảnh 1
Các doanh nghiệp ngành hàng may mặc của Big C VN phản đối quyết định của Tập đoàn Thái Lan (ảnh lớn). Thông báo của Central Group gửi đến các đối tác trong ngành may mặc của VN.  

Central Group nói lại cho rõ nhưng…

Trước sự phản ứng mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đến cuối giờ chiều 3-7, Big C VN giải thích rõ cho thông báo trước đó. Cụ thể, đơn vị này cho rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại VN.

Phía Big C VN còn cho biết đang phát triển các thương hiệu mới, đồng thời đã và đang thực hiện quá trình phát triển này trong chuỗi bán lẻ của mình. “Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C VN đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này. Tìm kiếm các nguồn cung ứng từ nhà cung cấp VN luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển đó” – đơn vị này cam kết.

Tỉ phú Thái thâu tóm thị trường bán lẻ VN

Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỉ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ hai tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỉ USD.

Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vào năm 2016 đã mua lại hệ thống siêu thị Big C VN gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD. Hiện tại, tập đoàn này nắm giữ cổ phần chi phối trong Công ty Điện máy Nguyễn Kim và thành lập nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác. Ngoài ra, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro VN gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD…

Như vậy, đến thời điểm trên, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại VN, bao vây thị trường bán lẻ Việt.

Theo đó, Big C VN đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm VN chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.

“Big C VN đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường  xuất khẩu tiềm năng. Big C VN cam kết tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng” – đơn vị này khẳng định.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho hay các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt nhưng thực tế không đúng như vậy. Bằng chứng là sau khi các siêu thị vào tay đại gia Thái thì hàng của nước này đã dần phủ các kệ hàng, giảm mua hàng Việt. Hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Giám đốc một công ty từng nói: “Bây giờ chúng tôi không thể đưa hàng vào được vì họ không nhập hàng VN vào nữa!”.

Bộ Công Thương sẽ làm việc với Big C

Trả lời PV, một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết trong quan hệ thương mại giữa VN và các siêu thị này, không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các doanh nghiệp này ưu tiên dùng nguồn hàng của các doanh nghiệp VN.

“Trong các cuộc làm việc giữa Bộ Công Thương và các chuỗi siêu thị, Bộ luôn phối hợp, tư vấn cho các doanh nghiệp để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối với tỉ lệ phù hợp” – vị lãnh đạo trên cho hay.

Theo vị này, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm làm việc lại với Big C về vấn đề này, xem xét nguyên nhân đằng sau là gì. Cùng với đó, Bộ tiếp tục đề nghị phía tập đoàn Thái Lan có trách nhiệm hợp tác với các doanh nghiệp Việt để đưa hàng VN tham gia chuỗi hệ thống siêu thị.

Ảnh hưởng doanh thu

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da dày, túi xách TP.HCM, nói những doanh nghiệp đang hợp tác và là đối tác với Big C mà đột nhiên cắt ngang hợp đồng chắc chắn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Cắt hợp đồng đồng nghĩa không sản xuất được nên trước hết ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí gây tâm lý hoang mang cho người lao động.

“Về phía doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng về doanh thu, mà nguồn nguyên liệu mua để làm hàng cho Big C trước đó có thể bị tồn kho” – ông Khánh nói.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết chưa nghe hội viên phản ảnh về chính sách ngừng nhập hàng may mặc của Big C.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Đọc nhiều