Lý do sự kiện Jack Ma ‘mất tích’

05/01/2021 10:34

Ông William Plummer, cựu phó chủ tịch đặc trách ngoại vụ của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), cho rằng sắp tới có thể sẽ khó chứng kiến sự xuất hiện của một Jack Ma (Mã Vân) thứ hai.

“Có chuyện lớn rồi! Jack Ma đã mất tích 50 ngày” – một tài khoản viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 27-12-2020 nhưng không rõ lấy thông tin từ đâu.

Trước đó ba ngày, trang Sohu (Trung Quốc) chạy dòng tít: “Alibaba bị điều tra, Jack Ma đã không xuất hiện 2 tháng”.

Và tung tích của Jack Ma đang gây nhiều sự chú ý cho truyền thông quốc tế đầu tuần này.

Giọt nước tràn ly

Theo báo Financial Times, Jack Ma đã không xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế “Tìm kiếm anh hùng khởi nghiệp châu Phi”, một chương trình nhằm hỗ trợ và truyền cảm hứng cho các doanh nhân châu Phi, từ tháng 11-2020.

Tháng 11-2020 cũng là thời điểm Bắc Kinh chặn đứng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba do tỉ phú Trung Quốc Jack Ma sáng lập.

Chỉ vài ngày trước đợt IPO dự kiến của Ant Group tại hai sàn giao dịch Thượng Hải và Hong Kong vào đầu tháng 11, các quan chức bộ tứ cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc (trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) đã triệu tập ông Jack Ma cùng những thành viên cấp cao của Ant Group.

Việc các nhà quản lý tài chính từ lâu lo ngại về ảnh hưởng của Ant Group không phải là câu chuyện bí mật. Tuy nhiên, một bài phát biểu của Jack Ma vào tháng 10-2020 dường như là “giọt nước làm tràn ly”, kéo theo chuỗi sự kiện như trên, với hệ quả rõ nhất là kế hoạch niêm yết của Ant Group thất bại.

Cụ thể, tại một diễn đàn ở Thượng Hải ngày 24-10-2020 có sự tham dự của một số nhân vật quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Jack Ma đã chỉ trích “tâm lý tiệm cầm đồ” của các ngân hàng Trung Quốc và cho rằng những quy định tài chính ngày càng chặt của Trung Quốc kìm hãm phát triển công nghệ.

Ông nói rằng Hiệp định giám sát ngân hàng Basel toàn cầu là “câu lạc bộ của người già” và “chúng ta không thể dùng các phương pháp của hôm qua để quản lý tương lai”. Cuối sự kiện, Jack Ma còn dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Thành công không cần phải do tôi”.

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng về những phát biểu của ông Jack Ma và đã ra lệnh chặn đợt IPO của Ant Group. Vài ngày sau, Trung Quốc đã công bố các quy định chống độc quyền mới và sau đó vào tháng 12 mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba. Đến ngày 27-12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo đã yêu cầu Ant Group “chấn chỉnh” hoạt động của công ty.

“Không có thời đại Jack Ma”

Việc Bắc Kinh chặn đứng đợt IPO của Ant Group hồi đầu tháng 11-2020 được xem là quyết định gây sốc vào phút chót. Đây dự kiến là đợt IPO lớn nhất thế giới, với giá trị huy động đạt 37 tỉ USD, nhưng việc cản trở đã giáng một đòn mạnh vào công ty công nghệ tài chính do tỉ phú Jack Ma sáng lập.

Khoảng một năm trước khi Bắc Kinh có động thái trên, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng gửi thông điệp mạnh tới Jack Ma: “Không có cái gọi là thời đại Jack Ma, chỉ có Jack Ma ở trong thời đại này”.

Bài xã luận viết vào giữa tháng 9-2019: “Bất luận là Jack Ma, Pony Ma (tỉ phú Trung Quốc Mã Hóa Đằng), Elon Musk (tỉ phú Mỹ) hay những người bình thường như chúng ta, chỉ có những cá nhân nắm bắt được cơ hội thời đại thì mới có thể phát huy được tiềm lực lớn nhất”. Thông điệp trên được đưa ra sau khi Jack Ma từ chức chủ tịch Alibaba tại một buổi lễ có hàng chục ngàn nhân viên dự.

Theo trang Quartz, nhiều người xem thông điệp trên là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày một tăng của Bắc Kinh về “vị trí siêu sao thế giới” của Jack Ma và ảnh hưởng to lớn của các “gã khổng lồ” thương mại điện tử cùng công nghệ tài chính của ông, khi các công ty này kiểm soát mọi thứ từ cách mua hàng, chi tiền và tiết kiệm của người dân tại quốc gia tỉ dân.

Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, cho biết cùng với sự phát triển của Trung Quốc, các gã khổng lồ Internet như Alibaba – công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, được ví như “Amazon của Trung Quốc” – đã trỗi dậy nhanh chóng gần đây. Một mặt, điều đó đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế Internet và tăng tính cạnh tranh của Trung Quốc, mặt khác ngày càng có nhiều phàn nàn về sự độc quyền của Alibaba ở một số lĩnh vực.

“Thật phi lý khi cho rằng Trung Quốc có ý định “đè nát” một doanh nghiệp dẫn đầu thành công… Dù một doanh nghiệp lớn ra sao, họ cũng phải vận hành và mở rộng phù hợp với luật và các quy định của quốc gia. Họ không nên kiêu căng vì sức mạnh của mình và không nên nghĩ rằng họ được hưởng đặc quyền bất chấp luật” – ông Hồ Tích Tiến chỉ ra.

Tất cả doanh nghiệp, doanh nhân phải tuân thủ luật và có những điều chỉnh khi họ chạm đến giới hạn của luật.

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến

Bảo Anh

Tags :
Đọc nhiều