Đằng sau luận điệu “Việt Nam nghèo đói”
Cho đến thời điểm hiện tại, rất khó hiểu khi một số trang thông tin vẫn kiên quyết cho rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia ngập chìm trong nghèo đói. Vậy thực sự đằng sau những nhận định ấy là gì?
Ngày 30/10, để lên án hành động của Nga đình chỉ vô thời hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lên truyền hình đọc một bài diễn văn. Đáng chú ý trong đó có chi tiết nói rằng, việc không xuất khẩu được ngũ cốc sẽ gây nạn đói tại một số quốc gia, và bất ngờ là trong đó có Việt Nam. Trong khi thực tế người ta cũng phải bật cười nếu biết Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, với nền nông nghiệp hùng mạnh xuất khẩu mỗi năm tới 45 tỷ đô la. Có lẽ một số bộ phận truyền thông đã đưa ra các thông tin hết sức sai lạc về Việt Nam, dẫn đến sự nhầm lẫn của ông Zelenky.
Vừa rồi, nhân sự kiện có một số người Việt thiếu ý thức đã bỏ trốn sau khi đáp chuyến bay xuống Hàn Quốc, RFA dẫn lại bài viết của ông nhạc sỹ Tuấn Khanh. Với đại ý cho rằng, người Việt bỏ ra nước ngoài vì đời sống quá khó khăn. Để cường điệu hóa nhận định, RFA đã trích dẫn kèm theo phát biểu của Chuyên gia kinh tế trưởng Rajiv Biswas thuộc công ty IHS Markit châu Á – Thái Bình Dương cho rằng có khoảng 10% người Việt sống trong nghèo đói. Chưa rõ câu nói này trong bối cảnh nào, và dựa trên chuẩn nghèo như thế nào, nhưng ta cũng có thể đặt câu hỏi con số 10% đó có giá trị thực tế đến đâu.
Được biết, IHS Markit, vốn chỉ là 1 công ty nghiên cứu thị trường, khó có khả năng tiếp cận đầy đủ các số liệu. Trong khi đó, tại báo cáo đầu năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam trong 10 năm qua là cực kỳ ấn tượng. Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của WB, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020, tức là có tới 10 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo.
Rất có thể báo cáo của HIS Markit về Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng đã được hầu như mọi tổ chức kinh tế thế giới đồng thuận, có điều nó đã bị cắt cóp để phục vụ cho nhu cầu riêng trong bài viết của RFA. Tương tự như việc ông Zelensky nhầm lẫn khi lo lắng cho Việt Nam, cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới bị đói ăn, rất có thể RFA, BBC cùng nhiều kênh truyền thông cũng đang đưa những tin tức giả.
An Diễm