Đằng sau hiệu triệu xóa nghèo khí thế của ông Tập Cận Bình: Nông thôn tái nghèo, nông dân thèm được như Triều Tiên
Kể từ năm 2000, tài liệu chính sách thường niên quan trọng hàng đầu của Trung Quốc luôn tập trung vào vấn đề cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.
Phúc lợi của nền kinh tế nông nghiệp đã trở nên trọng yếu hơn giữa bối cảnh thị trường tiêu dùng nông thôn còn đang nghèo nàn của Trung Quốc nay trở thành nguồn lực đáng kể giúp bù đắp khoảng trống tăng trưởng ở mức thấp nhất trong hơn 28 năm, trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục phủ bóng nền kinh tế Trung Quốc.
Các khu vực nông thôn Trung Quốc đang có tới hơn 40% tổng dân số nước này sinh sống.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ý định tốt của chính phủ có thể một lần nữa không thành công bởi những trở ngại mang tính cấu trúc trong lộ trình cải cách kinh tế. Mỗi năm, chênh lệch giữa nông thôn và thành thị lại lớn hơn.
Nông thôn Trung Quốc đang tái nghèo
Ma Wenfeng, nhà phân tích từ Hãng tư vấn nông nghiệp phương Đông Bắc Kinh – mà Bộ nông nghiệp Trung Quốc là khách hàng, đánh giá: “Tình hình hiện nay không lạc quan, vùng nông thôn [Trung Quốc] đang tái nghèo.”
Không tính đến nguồn thu nhỏ mà lực lượng lao động nhập cư mang về, thu nhập ở nông thôn Trung Quốc đã giảm liên tiếp kể từ năm 2014. Mức giảm trong nửa đầu năm nay là 20% – Ma nói.
Theo phân tích từ công ty của Ma căn cứ trên các số liệu chính phủ, thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn (không bao gồm tỷ lệ lao động nhập cư) đã rơi xuống mức 809 nhân dân tệ (khoảng 114 USD) tính đến cuối tháng 6/2019, so với mức 1.023 tệ (145 USD) vào cuối năm 2018.
Trở ngại lớn trong cải thiện thu nhập nông nghiệp là nông dân không được sở hữu đất đai mà họ canh tác. Toàn bộ đất ở Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước và người nông dân được ký các hợp đồng thuê 30 năm (cho phép tái tục). Nhưng việc người dân không thể bán đất có ảnh hưởng đáng kể tới an ninh tài chính của họ.
Các chính sách hiện hành tập trung vào giải pháp nuôi trồng và bán nông sản, nhưng không giải quyết trực tiếp được vấn đề phúc lợi dài hạn của nông dân – ông Ma cho hay.
“Chúng ta xem nhẹ lĩnh vực nông nghiệp, còn người nông dân bị coi là tầng lớp thấp nhất trong xã hội,” Ma nói. “Chỉ khi nào chúng ta cung cấp cho người lao động những quyền tương đương – cụ thể là về lương hưu, giáo dục và hơn thế nữa – thì các vấn đề của [lĩnh vực] nông nghiệp mới được giải quyết.”
Trọng tâm của vấn đề quyền lợi, theo Ma, là sự thiếu sót hệ thống lương hưu đầy đủ dành cho người dân các vùng nông thôn. Nhiều người sống ở các vùng quê đang phải vật lộn với kế sinh nhai và có rất ít tiền tiết kiệm lúc về già. Trong phần lớn hoàn cảnh, những khoản chi ngoài nhu cầu cơ bản – như mua sắm thiết bị gia dụng hoặc hàng tiêu dùng, được Bắc Kinh thúc đẩy nhằm kích thích nhu cầu trong nước – đều nằm ngoài tầm của người dân nông thôn.
Hệ thống hưu trí nông thôn hiện nay – thực thi từ hơn 10 năm trước – được tài trợ bởi ngân sách nhà nước cùng đóng góp của xã hội. Mức đóng thường niên thấp nhất được thiết lập là 100 tệ (14 USD), và những người đóng tiền nhiều hơn sẽ được hưởng phúc lợi lớn hơn khi nghỉ hưu.
Theo chính sách trên, có 12 mức đóng phí thường niên, từ 100 tệ đến 2.000 tệ. Chính phủ hỗ trợ từ 45-65 tệ đối với các khoản tiền đóng của tư nhân trên 500 tệ (70 USD). Ông Ma cho biết, người dân nông thôn đóng 100 tệ/năm trong vòng hơn 15 năm thì khi đến tuổi 60 sẽ nhận được mức phúc lợi hàng tháng không quá 90 tệ (12 USD).
Nông dân khó chi trả nổi các chi phí
Một nông dân (ẩn danh) ở vùng trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nói ông có thể kiếm được khoảng 5.000 tệ (707 USD) mỗi năm từ việc trồng lạc trên mảnh ruộng rộng 0.67 hecta. Mức thu nhập này khiến gia đình ông gần như không còn lại gì sau khi chi phí vào các nhu cầu cơ bản, và luôn lo sợ bị đau ốm hay bất ngờ phải chi trả một khoản phí nào đó.
“Chúng tôi không có tiền và khi lớp nông dân trẻ tuổi của thế hệ này có con, họ sẽ không đủ khả năng trả tiền để nuôi dạy trẻ,” SCMP trích lời người đàn ông 70 tuổi nói trong một video đăng trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Ngay cả khi Triều Tiên tụt hậu [so với Trung Quốc], người dân ở đó vẫn không cần trả tiền để đi học hay khám bác sĩ. Còn ở đây, liệu chúng tôi có đủ khả năng để khám bệnh không khi phải trả tới 300.000 tệ (42.000 USD)?”
Tăng trưởng trong tổng thu nhập bình quân đầu người khả dụng – tính cả lao động nhập cư – của Trung Quốc đã sụt giảm từ mức 13% năm 2012 xuống 9% năm 2018, theo số liệu của Cục thống kê nhà nước.
Thu nhập bình quân ở nông thôn năm ngoái đạt 14.617 tệ (2.067 USD), thấp hơn 2 lần so với thu nhập 39.250 tệ ở các thành thị, nhưng 90% trong nguồn thu ở nông thôn lại đến từ lượng tiền chuyển về bởi những người đi lao động tại thành phố.
Khó khăn thách thức mục tiêu xóa nghèo của ông Tập Cận Bình
Trong khi nông nghiệp từ lâu là then chốt trong chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc, 4 thập kỷ vừa qua đã chứng kiến khu vực nông nghiệp tụt hậu xa hơn so với các phương diện khác của nền kinh tế số 2 thế giới. GDP từ vùng nông thôn đã tăng gấp ba trong 2 thập niên qua, song còn kém xa quy mô tăng trưởng gấp 8 lần trong GDP các ngành sản xuất, và 9 lần trong tổng quy mô nền kinh tế giai đoạn này.
Văn kiện chính sách đầu tiên của Quốc vụ viện Trung Quốc trong năm nay một lần nữa tập trung vào thúc đẩy phát triển nông thôn. Bản tuyên bố có 8 phần, bao gồm các chính sách xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ công, tăng cường hạ tầng nông nghiệp và mở rộng nguồn thu cho nông dân.
Trong nhiệm kỳ của mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ cải tổ công tác nông thôn, đặt vấn đề cơ bản xóa đói giảm nghèo thành một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm 2019 và 2020, trước khi Trung Quốc kỷ niệm 100 thành lập đảng Cộng sản nước này (1921-2021).
Hồi tháng 3, ông Tập phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc rằng “đất nước sẽ thịnh vượng chỉ khi vùng nông thôn được phồn vinh, và [đất nước] sẽ thụt lùi nếu nông thôn tụt hậu”.
Nhân kỷ niệm Ngày thoát nghèo quốc gia lần thứ 6 hôm 17/10 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã đưa ra chỉ thị quan trọng, nhấn mạnh ĐCSTQ đã đặt công tác xóa nghèo vào vị trí nổi bật hơn từ sau Đại hội 18 của đảng (năm 2012) và “gặt hái được tiến triển to lớn”.
Theo ông Tập, “vấn đề nghèo đói tuyệt đối bủa vây dân tộc Trung Hoa suốt mấy nghìn năm sắp có được bước giải quyết mang tính lịch sử. Điều này sẽ là cống hiến trọng đại cho sự nghiệp xóa nghèo toàn cầu”. Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố cuộc chiến xóa nghèo của nước này “đã đến giai đoạn then chốt quyết chiến quyết thắng, hoàn thành toàn diện”, đồng thời yêu cầu các ban ngành địa phương “nắm chắc mục tiêu, nêu cao tinh thần, kiên quyết công phá thành trì đói nghèo”.
Các hạng mục xóa nghèo đặt ra bao gồm bổ túc đầy đủ giáo dục nghĩa vụ cho người nghèo, cung cấp y tế cơ bản, giải quyết thiếu thốn trong nhà ở và nước sạch, bảo đảm toàn bộ người nghèo ở vùng nông thôn được thoát nghèo, hướng đến “xã hội tiểu khang” (xã hội sung túc khá giả).
Tuy nhiên, theo SCMP, các mục tiêu đặt ra vẫn chưa thực sự tạo khác biệt đáng kể đối với đời sống người nông dân.
Hầu hết đồng ruộng ở Trung Quốc do các hộ gia đình canh tác, do đó manh mún và thiếu quy mô kinh tế, làm hạn chế thu nhập. Nông dân không được sở hữu đất trồng và đối mặt với các chi phí ngày càng leo thang – từ phân bón cho đến giá điện, hay nguồn lao động, đồng thời chịu tổn hại bởi giá ngũ cốc giảm trên thị trường.
So với mô hình kinh tế nông nghiệp tiên tiến ở Hà Lan hay Mỹ, nguồn thu trung bình từ đồng ruộng ở các nước này có thể nuôi sống lần lượt 256 người và 146 người, trong khi một mảnh ruộng Trung Quốc chỉ đủ nuôi 7 người – theo ước tính của Rabobank.
Những nông trại thương mại hóa quy mô hơn – được điều hành bởi các tổ chức do chính phủ hỗ trợ – mua lại và hợp nhất các suất đất của hộ gia đình bằng tài trợ từ nhà băng và các tập đoàn, như một phần trong cuộc cải tổ nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp để cho năng suất cao hơn và giảm sức lao động. Nhưng chỉ có chính quyền địa phương, chứ không phải người nông dân, thu được tiền từ quá trình bán đất canh tác.
Như thế, giải pháp thương mại hóa đất nông nghiệp có thể mang lại hiệu quả kinh tế nhưng không giải quyết được các vấn đề cấu trúc đang tạo ra trở ngại trong cải thiện đời sống của hầu hết nông dân Trung Quốc – Ma Wenfeng lý giải.
Trung Quốc cần giải pháp chính sách
Nhiều học giải và các nhà kinh tế đổ lỗi chính sách đất đai của Trung Quốc là tác nhân của các vấn đề nông thôn. Sau khi tái phân bổ đất đai từ người giàu cho người nghèo trong thập niên 1950, nhà chức trách nhanh chóng quốc hữu hóa đồng ruộng và duy trì quyền sở hữu kể từ đó.
Trong bài viết mới đây trên tạp chí kinh tế Comparative Studies, cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ, nay là ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp) toàn quốc, nói rằng theo quy định hiện nay, dù nông dân được phép thuê đất trồng dài hạn nhưng sẽ phải bàn giao cho chính quyền mà không nhận được bồi thường nếu chuyển tới thành thị.
Chính bởi khó khăn trong việc di chuyển đến các thành phố, nhiều người nhập cư từ nông thôn vẫn bám trụ với ruộng vườn, như một kế hoạch dự phòng.
“Thông tin liên quan cho thấy ít nhất 1/4 ruộng vườn ở những khu vực nông thôn kém phát triển đã bị bỏ hoang phế, một sự lãng phí to lớn với nguồn đất đai giá trị,” ông Lâu viết. Theo ông, Bắc Kinh nên chuyển quyền sở hữu đất nông nghiệp từ tập thể địa phương cho nhà nước, đồng thời cho phép nông dân tự do chuyển giao quyền xây dựng trên mảnh đất của họ.
Cựu bộ trưởng cho rằng mô hình hạn chế quyền sở hữu đất nông nghiệp là di sản từ thời kỳ kinh tế kế hoạch và đang chia tách nông thôn với thành thị, làm cản trở Bắc Kinh phát triển một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thống nhất với dòng vốn và nguồn lao động tự do.
“Khiếm khuyết của hai hệ thống cơ bản (chỉ chính sách đất đai và cơ chế hộ khẩu) đã gây ra hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị… Thực sự đã đến lúc chúng ta phải giải quyết,” ông Lâu nêu.
Bài phân tích của ông Lâu Kế Vĩ được xuất bản trong thời gian đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Hội nghị toàn thể trung ương 4 tại Bắc Kinh, ngày 28-31/10 vừa qua, giữa lúc có nhiều kêu gọi Bắc Kinh cải tổ sâu rộng kinh tế-xã hội và mở cửa hơn nữa thị trường nhằm khắc phục tình trạng kinh tế giảm tốc.
Theo SCMP, trong những năm qua, chính phủ đã nới lỏng quyền thuê và sử dụng đất canh tác, hệ quả là cơn sốt đất diễn ra ở khắp các làng quê khi Trung Quốc mở cửa và tăng trưởng kinh tế mạnh. Chính sách nới lỏng cho người dân nhiều lựa chọn hơn như cho thuê lại đất hoặc dùng quyền thuê đất của mình để thế chấp cho ngân hàng.
Nhưng cải tổ cũng đi kèm với mặt trái, khi giới chức các địa phương quy hoạch đất để phát triển ồ ạt, khiến lượng lớn nông dân mất đất sản xuất và làm giảm diện tích trồng trọt. Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc chỉ chiếm 6% nguồn nước thế giới và 9% diện tích đất trồng, nhưng phải cung ứng cho 21% dân số toàn cầu.
Bất ổn đã gia tăng nhanh chóng trong 15 tháng qua, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu thương mại. Trung Quốc cắt giảm lớn nhập khẩu nông sản Mỹ đã gây sức ép lớn lên các ngành sản xuất nông nghiệp trong nước để đáp ứng đủ nhu cầu bị thiếu hụt, trong khi các nhà băng tìm cách kích cầu từ người tiêu dùng ở các vùng nông thôn.
theo Trí Thức Trẻ