Đảng Nhật mời phụ nữ họp, nhưng không cho phát biểu
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật đề xuất cho phụ nữ tham dự cuộc họp của hội đồng 12 thành viên, nhưng không cho họ phát biểu.
Đã đến lúc để các thành viên nữ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) nổi bật hơn tại các cuộc họp quan trọng, Tổng thư ký của đảng Toshihiro Nikai cho biết trong tuần này. Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi cựu thủ tướngYoshiro Mori từ chức trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo vì phát biểu các cuộc họp có sự tham dự của “những phụ nữ nói nhiều” có xu hướng “kéo dài”.
Động thái của LDP được xem là nỗ lực nhằm thể hiện cam kết bình đẳng giới của đảng sau lùm xùm của ông Mori. Tuy nhiên, đề xuất nhanh chóng bị người dùng mạng xã hội và các nghị sĩ đối lập chế giễu vì các nhóm gồm khoảng 5 phụ nữ tham dự các cuộc họp của hội đồng 12 thành viên, trong đó 10 người là nam giới, với điều kiện họ phải im lặng quan sát.
“Chủ nghĩa Sô-vanh (chủ nghĩa sùng bái tinh thần bè phái cực đoan) nam và phân biệt đối xử với phụ nữ luôn là một phần của LDP”, một người dùng Twitter viết.
Nikai, người ủng hộ ông Yoshihide Suga trở thành thủ tướng năm ngoái, bảo vệ đề xuất này. Theo đó, các quan sát viên nữ sẽ được phép gửi quan điểm của họ đến ban thư ký của hội đồng, thay vì phát biểu.
“Điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ những cuộc thảo luận nào đang diễn ra”, Nikai, 82 tuổi, nói với các phóng viên.
Nikai đưa ra đề xuất một ngày sau khi cựu bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada, người vận động nâng cao vị thế của các nữ nghị sĩ, đề nghị phụ nữ được phép tham dự các cuộc họp quan trọng của đảng. Năm ngoái, Inada gọi Nhật Bản là “nền dân chủ không có phụ nữ” sau khi Thủ tướng Suga chỉ bổ nhiệm hai phụ nữ vào nội các.
“Phụ nữ chiếm một nửa dân số Nhật Bản và 40% thành viên LDP. Nếu phụ nữ không có nơi để thảo luận chính sách họ muốn ban hành, thì nền dân chủ của Nhật Bản không thể giúp ích gì ngoài sự thiên vị”, bà nói.
Vấn đề giới của Nhật Bản được phản ánh qua thành phần hạ viện, nơi chỉ có 9,9% nghị sĩ là phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình quốc tế 25,1%, theo Liên minh Nghị viện, tổ chức toàn cầu của các nghị viện quốc gia. Ngoài ra, xếp hạng toàn cầu về bình đẳng giới của Nhật Bản ở vị trí 121 trong số 153 quốc gia trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020 , giảm 11 bậc so với năm trước và là xếp hạng thấp nhất trong các nền kinh tế tiên tiến.
Huyền Lê (Theo Guardian)