Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân

24/01/2020 12:16

Mượn lời thơ của Nguyễn Trãi: “Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách/Đam dân mựa nỡ mất lòng dân” (Đọc sách phải hiểu nghĩa sách. Chăn dân đừng để mất lòng dân), “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, TS Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản trò chuyện với PV về vai trò của nhân dân trong công tác cán bộ và “nỗi đau” trong xử lý cán bộ của chúng ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc

Đức trị phải gắn chặt với pháp trị

Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 70 cán bộ cao cấp bị kỷ luật với nhiều mức độ khác nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đây là một điều “đau xót nhưng không thể không làm”. Theo ông, điều gì cần rút ra từ con số này?  

Chúng ta biết, cán bộ là rường cột của quốc gia, là tinh hoa thể chế; công tác cán bộ là then chốt của then chốt trong việc dựng Đảng, đại nghiệp kiến tạo và phát triển nước nhà. Kinh nghiệm lịch sử qua 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng cho thấy, sau khi xây dựng đường lối chính trị đúng thì nhân tố quyết định sự thành bại của công việc là cán bộ, nói rộng ra trực tiếp là công tác cán bộ. Cán bộ là cái “gốc” của mọi công việc là như thế!

Chỉ ba năm qua, hơn 70 cán bộ cao cấp, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cùng nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật, thậm chí bị lĩnh án cầm tù. Trước tiên, điều đó cho thấy việc thực thi kỷ luật trong Đảng rất nghiêm minh, bình đẳng và công bằng; việc thực thi pháp luật thì “quốc pháp bất vị thân”, không vùng cấm hay đặc quyền, đặc lợi nào cả. Điều này càng cho thấy, Đảng cương thống nhất với quốc pháp và hợp với lòng dân. Đó là cái căn bản, rất đáng ghi nhận.

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 1
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Nhiều ý kiến cho rằng, việc này “rất đau xót”. Về đạo lý, tôi cho đấy là việc bất đắc dĩ phải làm, chắc không một ai mong muốn cả. Nhưng nếu đạo lý không đặt và phát triển trên nền móng pháp lý thì ở đây, nguyên vẹn cũng chỉ là những xúc cảm, dù rất đáng nâng niu và trân trọng mà thôi! Vì, chỉ đạo lý thôi, dù rất kỳ công răn dạy, học tập và tu dưỡng, thì chưa đủ thấu, chưa đủ mạnh và chưa lay chuyển. Trong một bối cảnh xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền, kinh nghiệm càng cho thấy, pháp luật trực tiếp tạo nên đạo đức và đạo lý phải được đặt trên nền tảng pháp quyền, đức trị phải song hành và quyện chặt với pháp trị. Ở đâu và nơi nào đức trị gắn chặt với pháp trị thì lúc đó yên hàn, nơi đó thịnh vượng. Đó cũng chính là bản chất nhân văn của kỷ luật của Đảng thống nhất với pháp luật của Nhà nước pháp quyền chúng ta! Pháp luật thượng tôn quyện trong đạo lý nhân văn bền chặt!

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng.

Hơn 70 cán bộ cao cấp của chúng ta bị kỷ luật nghiêm khắc, bị pháp luật kiềm tỏa, với mức án rất cao, thì đáng tiếc và đau xót lắm chứ! Nhưng xét về mặt nào đó cũng là lẽ bình thường trên con đường phát triển và thậm chí không đáng tiếc gì cả, ngoài điều đáng tiếc nhất rằng, chúng ta, vì nhiều lý do, vừa để chờ đợi các đồng chí tự hối lỗi, sửa sai, vừa thận trọng, nhân văn nên để muộn, thậm chí để quá muộn, gây xôn xao dư luận không đáng có! Nếu cứ để lâu mà không xử lý thì có nguy cơ có thể biến thành những cục bướu, những khối u ác tính làm suy yếu cơ thể Đảng, thậm chí đến một mức nào đó, tích tụ lại làm băng hoại thể chế. Vì thế, xét về mặt đạo lý thì rất đau xót nhưng xét dưới góc độ quản trị xã hội, tôi cho là công việc rất bình thường và tất yếu phải làm, dù rất đau.

“Sức ép từ công luận rất lớn, nhiều vụ việc tưởng chìm xuồng, nhiều trường hợp tưởng đấy là vùng bất khả xâm phạm, nhưng đã bị công phá một cách mãnh liệt, tới tung thâm”.

Ts Nhị Lê

Nói thế mới công bằng và càng khẳng định rằng, nếu chấp pháp không nghiêm minh thì Đảng và Nhà nước không thể vững mạnh, quốc gia không thể phát triển như mong muốn, dân tộc không thể nói tới trường tồn, lòng dân không thể giữ yên, bạn bè quốc tế có nguy cơ nghi ngại và xa lánh. Bao nhiêu ấm ức, bao nhiêu ta thán của nhân dân dồn nén, bao nhiêu bệnh hoạn, nguy cơ tích tụ lại đến mức nào đó bùng ra, thì còn nguy hiểm hơn.

Điều đáng mừng rằng, dân ta còn nói tức là dân ta còn thương Đảng. Nói như Cụ Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Tôi sợ nhất là nhân dân thờ ơ, cán bộ, đảng viên im lặng, không ai buồn nói nữa. Đó là sự thờ ơ chính trị. Mà thờ ơ chính trị còn nguy hiểm hơn cả sự suy thoái, băng hoại chính trị và sự nghiêng ngả thể chế có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu không được lòng tin của dân thì không còn gì cả. Vì sao? Vì Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân lao động. Và, Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó là gốc rễ căn bản nhất để bàn về công tác cán bộ.

Khi công luận… công phá

Con số 70 cán bộ bị kỷ luật gợi cho ông suy nghĩ điều gì về công tác cán bộ, đặc biệt là việc  kiểm soát quyền lực?

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 3
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác, nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969 – 2019).

Cán bộ thì cũng đều xuất thân từ nhân dân mà ra cả. Con dại cái mang. Nhân dân đau xót lắm chứ! Nhưng cũng phải xử lý, cũng phải tẩy trừ. Cụ Hồ nói rồi, cái cành cây sâu thì phải cưa đi, chặt đi, bởi không thể để một con sâu làm hỏng cả cái cây. Cho nên, việc xử lý các cán bộ, tôi cho là việc bình thường trong toàn bộ tiến trình phát triển, và điều đó cũng hợp với tự nhiên. Nhưng chỉ có một điều, mới chỉ trong 3 năm của nhiệm kỳ 5 năm mà có đến 70 cán bộ bị xử lý kỷ luật. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ trước tiên đến vấn đề lựa chọn cán bộ.

“Có thể nói chưa bao giờ như bây giờ, những công việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương lo rất sớm, thậm chí trước cả hai năm, một mặt để khắc phục những điều còn tồn tích qua mấy nhiệm kỳ nay, mặt khác chuẩn bị những công việc hệ trọng này thật chủ động, chắc chắn, bài bản hơn”.

TS Nhị Lê

Chúng ta đã nhìn thấy việc này từ lâu rồi. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, về mặt thể chế cũng đã có đến 70 – 80 quy định trong Đảng. Nhiệm kỳ nào cũng có vài ba quy định xung quanh đến công tác cán bộ, lựa chọn cán bộ. Cũng phải thừa nhận rằng, hệ thống thể chế của ta chưa hoàn bị, chưa theo kịp tình hình. Điều này sẽ từng bước được khắc phục. Nhưng điều đáng bàn là, chúng ta chỉ ban hành thể chế thực thi chứ chưa có đủ mạnh về thể chế kiểm soát.

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 4
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hầu tòa

Chính vì điều đó, từ rất lâu rồi, đã để lọt lưới nhiều cán bộ thoái hóa, suy đốn. Khi cán bộ hỏng, chỉ thấy lỗi tập thể, chứ không thấy được lỗi cá nhân, không thấy lỗi người đứng đầu. Gần đây, chúng ta đã từng bước, từng bước định lượng được trách nhiệm của từng cá nhân đến trách nhiệm tập thể. Nói rộng ra, là cơ chế kiểm soát quyền lực, trực tiếp là kiểm soát cán bộ. Từ đó mới phát hiện được hơn 70 cán bộ thuộc cấp chiến lược vi phạm và xử lý họ. Điều đó cho thấy, công tác cán bộ trong hai nhiệm kỳ này đã tiến một bước quan trọng trên phương diện kiến tạo thể chế và thực thi thể chế.

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 5
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với cử tri phường Hưng Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Nhưng điều đáng nói nhất là từ không khí dân chủ trong Đảng cho tới xã hội, mà trực tiếp là công luận. Có lẽ nhìn qua nhiều chục năm nay, vai trò của công luận chưa bao giờ như 10 năm qua, được hết sức coi trọng. Theo thống kê của tôi, có tới hơn 70% số vụ việc tiêu cực được phát hiện và bị xử lý thuộc về công luận, thuộc vai trò giám sát, phát hiện của nhân dân, để thấy được vai trò kiểm soát của nhân dân rất lớn. Sức ép từ công luận rất lớn, nhiều vụ việc tưởng chìm xuồng, nhiều trường hợp tưởng đấy là vùng bất khả xâm phạm, nhưng đã bị công phá một cách mãnh liệt, tới tung thâm.

“Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi nói rằng, công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương. Bộ Chính trị họp, rồi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp, báo chí được tham dự, được thông tin, cũng đồng nghĩa với việc nhân dân được biết mọi chuyện trong khả năng có thể về cán bộ và công tác cán bộ”.

TS Nhị Lê

Trong lịch sử của Đảng ta, chưa bao giờ như nhiệm kỳ này, một Ủy viên Bộ Chính trị lần đầu tiên bị pháp luật xử lý, vướng vòng lao lý, tức bị cầm tù. Cũng có người hỏi tôi, liệu trong tương lai sẽ như thế nào? Tôi bảo với hai bộ công cụ Đảng cương và Quốc pháp trên nền tảng lòng dân thì công việc đó đối với chúng ta trở thành công việc vô cùng bình thường. Nhiều người còn băn khoăn, liệu điều này có làm mất uy tín trong Đảng không? Tôi thì nghĩ như thế lại là tốt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, đau lắm, nhưng xử lý một vài người vì muôn người thì cũng phải làm. Đấy là cảnh báo, là nhân văn, là nghiêm khắc chứ sao. Một Đảng mạnh, một Đảng dũng cảm mới làm được như thế! Và, như ta thấy, nhân dân ủng hộ và còn đòi hỏi nghiêm khắc hơn nữa.

Đảng cương, Quốc pháp và lòng Dân - ảnh 6
Ông Nguyễn Hữu Tín – Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM hầu tòa

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi nói rằng, công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương. Bộ Chính trị họp, rồi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp, báo chí được tham dự, được thông tin, cũng đồng nghĩa với việc nhân dân được biết mọi chuyện trong khả năng có thể về cán bộ và công tác cán bộ. Cho nên, tôi thấy xử lý bằng các hình thức kỷ luật và pháp luật hơn 70 đồng chí cán bộ cao cấp và 45.000 đảng viên các cấp vừa qua, đã tạo và nhân lên được lòng tin nhất định.

Đúc rút bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ này, ông thấy sao về việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ XIII tới đây?

Có thể nói chưa bao giờ như bây giờ, những công việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương lo rất sớm, thậm chí trước cả hai năm, một mặt để khắc phục những điều còn tồn tích qua mấy nhiệm kỳ nay, mặt khác chuẩn bị những công việc hệ trọng này thật chủ động, chắc chắn, bài bản hơn. Quy hoạch các đồng chí vào Trung ương, vào cấp ủy các cấp thì Trung ương, cấp ủy khóa đương nhiệm đã biết, những người có chức trách về và xung quanh công tác cán bộ đã biết và giám sát. Trong khi đó, nhìn mấy nhiệm kỳ trước, nhiều vị Ủy viên Trung ương còn nói, tôi không biết ai sẽ vào Bộ Chính trị.

Luân Dũng/VNN

Đọc nhiều