Dân uống no rồi mới biết nước sông Đà ô nhiễm
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có Luật về dịch vụ công để bảo vệ quyền lợi người dân.
Phát biểu tại toạ đàm “Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà” được tổ chức chiều nay (21/10) tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần phải có Luật Dịch vụ công, từ đó có những khung pháp lý để bảo vệ người dân.
Theo ông Dũng, sự kiện nước sạch sông Đà vừa qua ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng nhưng chủ thể là Công ty Nước sạch Sông Đà đã phản ứng quá chậm.
“Sau một thời gian dài mới lên tiếng, người nào uống thì uống no rồi, ảnh hưởng thì ảnh hưởng rồi mới ra thông báo ngừng sử dụng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm”, ông Dũng nói.
Tiếm sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, phản ứng của chính quyền trong sự việc này cũng rất chậm.
“Dịch vụ công cho tư nhân cung cấp thì chính quyền có trách nhiệm, phải kiểm tra. Với các dịch vụ công, vai trò của chính quyền rất lớn dù trực tiếp cung cấp hay không. Dù gì cũng liên đới về quản lý chất lượng và phản ứng trước cách thức cung cấp dịch vụ công”, ông nói và cho rằng có vẻ ở đây “chính quyền chậm hơn cả doanh nghiệp”.
Ông Dũng cho rằng, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở, bởi nếu như cafe có thể nay uống mai không, đi du lịch có thể năm nay đi năm sau không, nhưng nước hay điện thì nhu cầu gần như không thay đổi.
“Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định, nguồn cầu lớn thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh là vô cùng. Có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần hay không? Quả thực đó là vấn đề đặt ra nhiều dị nghị. Không có chứng cứ, chả ai có thể khẳng định nhưng dị nghị thì quả thực có đấy”, ông nói.
Theo ông Dũng: “Mỗi dịch vụ công như nước sạch vừa rồi đặt ra nhiều vấn đề liên quan cả về khái niệm dịch vụ công, trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, cả trách nhiệm của người quản lý và cả những động lực đằng sau để thúc đẩy”.
Ông Dũng cho rằng, hiện nay khái niệm dịch vụ công vẫn chưa được làm sáng tỏ. Khái niệm dịch vụ công càng sáng tỏ thì quản trị càng tốt.
Muốn làm được điều đó cần phải có Luật Dịch vụ công, từ đó sẽ quản lý không chỉ là nước sạch mà còn các loại hình dịch vụ công khác.
Theo ông Dũng, hiện nay chưa có Luật Dịch vụ công nhưng chính quyền cần phải vào cuộc quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
“Hàng hoá công thì Nhà nước không bao giờ được mặc kệ, phải vào quản lý chất lượng, quản lý để đạt sự công bằng. Thị trường, doanh nghiệp người ta chỉ hướng tới lợi nhuận thôi. Chức năng quan trọng của Nhà nước là cung cấp sự công bằng, chỉ Nhà nước mới có năng lực làm việc đó. Không thể cung cấp nược sạch mà dân Hà Nội người có nước sạch người không”, ông nhấn mạnh.
Có mặt tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng đồng tình: “Làm đường, hay công trình nào đó thì có khung khổ pháp lý rất rõ ràng. Nhưng cung cấp nước sạch, hay điện là dịch vụ công, đây là mặt hàng dường như nhân dân không có quyền lựa chọn, vì vậy chính quyền muốn tư nhân hóa thì cần phải có Luật để quản lý. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”.
(Theo Giao Thông)