Dân Trung Quốc ‘đắng miệng’ vì giá thực phẩm tăng cao
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc đã nhảy lên mức 3,8% trong tháng 10/2019, mức cao nhất từ năm 2012 do giá thịt lợn đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua.
Như đã thành bối cảnh thường ngày ở các chợ, nhà hàng và công sở trên khắp Trung Quốc, người dân nước này chia sẻ sự lo lắng về việc giá cả tăng cao trong sinh hoạt phí, và bàn về việc làm thế nào để tiết kiệm tiền. Xu hướng này là cách phản ứng khi giá cả đang tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế chậm, và khiến sự bất mãn trong xã hội nước này tăng lên.
Thịt lợn là thực phẩm phổ biến ở Trung Quốc, nhất là với tầng lớp thu nhập trung bình và thấp, nhưng giá thịt lợn tăng đã làm phật lòng người tiêu dùng, và làm suy yếu nhưng nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm thuyết phục người dân nước này về một nền kinh tế tươi sáng trong tương lai.
Với việc giá thịt lợn tăng gấp đôi so với 1 năm về trước, và điều này đã kéo dài việc các loại thịt khác đồng loạt tăng giá khi người dân tìm nguồn thay thế. Chính điều này đã khiến CPI tháng 10/2019 tăng ở mức 3,8%, cao nhất kể từ tháng 1/2012, và đây cũng chính là chỉ số đo lường mức lạm phát tại Trung Quốc.
Nhiều lời ca thán trên mạng xã hội về việc giá thịt lợn tăng “như tên lửa”, cũng như chia sẻ những cách tiết kiệm thiết thực ngày càng trở nên phổ biến. Cũng như nhiều cửa hàng và quán ăn nhỏ đang phải đấu tranh để tồn tại, trong bối cảnh giá cả tăng cao sau khi dịch tả lợn châu Phi đã tiêu diệt phần lớn lợn tại ‘quốc gia tỷ dân’ này.
“Tôi đang định đóng cửa nhà hàng”, anh Li Jie điều hành 3 nhà hàng điểm tâm tại Quảng Châu cho biết. Những nhà cung cấp thịt lợn cho anh Lý đã tăng giá thịt lợn 5 lần từ tháng 8 tới tháng 10/2019, từ 58 Nhân dân Tệ/kg lên 90 Nhân dân tệ/kg.
“Những gì chúng tôi có thể làm là tăng giá món ăn, hoặc giảm lượng thịt dùng cho mỗi món. Nếu có ít khách hàng gọi món ăn do giá cả tăng, thì chúng tôi buộc lòng phải loại món đó ra khỏi thực đơn”, anh Li nói.
Giá cả tăng và sự sụt giảm về kinh tế đang gây tác động tiêu cực tới toàn cảnh nền kinh tế của Trung Quốc. “Nguồn lực chính của việc chi tiêu tại Trung Quốc tới từ tầng lớp trung lưu của nước này, nhưng với sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, mức tăng trưởng thu nhập của họ cùng giá trị của bất động sản trên thực tế đã trì trệ, và thậm chí là trượt dốc”, SCMP trích lời giáo sư Simon Zhao thuộc học viện Liên hiệp Quốc tế tại thành phố Chu Hải, Quảng Đông cho biết.
“Và kết quả có vẻ như đây là xu hướng của người tiêu dùng Trung Quốc, nhằm tiếp tục giảm nhu cầu tiêu dùng của họ trong ít nhất vài năm tới. Nếu nền kinh tế tiếp tục chậm lại trong năm 2020, thì điều này sẽ càng làm suy yếu hơn nữa thu nhập và khả năng chi trả của tầng lớp dân lao động và trung lưu”, ông Zhao nói.
“Nếu giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, thì sẽ là sức ép đáng kể đối với người dân Trung Quốc, khi nhiều gia đình và chính quyền địa phương bị dính nợ ở mức cao”, ông Zhao nói thêm.
Thu nhập bình quân theo đầu người tại Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong vòng 20 năm qua, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới. Khảo sát hàng quý của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố cuối tháng 9/2019 cho biết, có 27,7% người tham gia khảo sát cho biết, họ có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn trong quý 3, giảm 1,3% so với quý trước.
Tại Quảng Châu, giá thực phẩm tăng cao khiến người dân ở nhà hơn là ăn ở ngoài, mặc cho các nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy ‘nền kinh tế ban đêm’.
“Số tiền người tiêu dùng bỏ ra đã và đang ngày càng giảm trong năm nay. Những tuần gần đây, việc làm ăn rất tĩnh lặng cả vào ngày thường lẫn cuối tuần, và chúng tôi chỉ có 1-2 bàn khách vào lúc nửa đêm”, anh Li nói.
Và giống anh Li, nhiều chủ nhà hàng khác cũng đang tính tới việc ngừng hoạt động. “Bởi giá thịt lợn tăng cao, tôi đã phải nâng giá từ 10 Nhân dân tệ lên 12, và sau đó lên 15 Nhân dân tệ chỉ trong 1 tháng. Nhưng sau khi tăng giá, thì chỉ có rất ít khách hàng ghé vào quán”, một chủ cửa hàng bán món roujiamo, một loại bánh nhân thịt lợn giống ham-bơ-gơ Trung Quốc cho biết.
Việc lạm phát giá thực phẩm cũng buộc các gia đình phải cắt giảm, hay thậm chí từ bỏ những món ăn chủ đạo của người dân Trung Quốc. “Thịt gà và lợn đang tăng giá. Điều này khiến tôi phải thay đổi thói quen nấu canh 2 lần/tuần xuống còn 1 lần/tuần, và tôi có thể sẽ cần giảm xuống 2 lần/tháng nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng cao”, anh Zhang Jiehong sống tại Quảng Châu cho biết.
Chỉ số CPI tháng 10/2019 tại Trung Quốc đã cao hơn mức dự đoán 3,4% do các nhà phân tích khảo sát Bloomberg đưa ra, và cao hơn nhiều so với mức 3% hồi tháng 9.
“Chúng ta hiện nay đang bắt đầu lo lắng về việc lạm phát tăng cao hơn nữa, và kéo theo nhiều thay đổi trong chính trị, xã hội, kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên những người thuộc tầng lớp trung lưu không có một nền tảng thích hợp nhằm thảo luận và tìm ra câu trả lời về việc tại sao những thay đổi trên lại đang xảy ra”, giám đốc bộ phận truyền thông Lin Xiao của một công ty quảng cáo tại thành phố Thượng Hải nói.
Còn với các gia đình giàu có, những kế hoạch nhằm mua bất động sản ở nước ngoài đang tiếp tục nóng lên.
“Ngày càng có nhiều gia đình tầng lớp trung-thượng lưu, hoặc các doanh nghiệp tư nhân đang bắt đầu cảm thấy những thay đổi về chính sách và xã hội. Nhiều người trong số đó năm ngoái vẫn còn chờ đợi, thì năm nay đã bắt đầu hành động bằng việc đưa con họ sang nước ngoài học tập”, cô Tan Xiaotong, người đứng đầu một công ty tư vấn chuyên giúp các gia đình giàu có mua bất động sản ở nước ngoài trước khi sang định cư, nói.
“Thực tiễn chung ở đây là, họ sẽ bán 1 hoặc 2 bất động sản tại Trung Quốc, sau đó mua 1 hoặc 2 căn nhà tại thành phố ở quốc gia họ có ý định cho con cái sang du học. Vậy nên, việc cho con sang học nước ngoài sẽ chiếm phần quan trọng trong việc họ phân bổ tài sản ở nước ngoài”, cô Tan kết luận.
Tuấn Trần
(Theo Vietnamnet)