Khu vườn có khóm trẻ nơi sẽ an táng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, cũng là nơi an nghỉ của ông bà nội, cha mẹ và những người thân của cụ Bảy. “Anh Bảy vừa đó mà mất rồi. Mới đây, anh đi làm vườn, thăm dớn trên con kênh trước nhà, giờ đã không còn trên cõi đời này”, em gái người Anh hùng rơm rớm nước mắt nói.
Dân rơi nước mắt khi biết về nơi an nghỉ cuối cùng của anh hùng Nguyễn Văn Bảy Bà Nguyễn Thị Trâm, em gái ruột của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy bàng hoàng kể về sự ra đi của anh mình. Bà vừa nói, vừa không kìm nén được xúc động. Tin dữ đến với bà Trâm và người thân tối 22/9, khi Bệnh viện Quân y 175 cho biết ông đã qua đời. Ông Nguyễn Thanh Vũ (bìa phải), cháu ruột, và cũng là người gần gũi với Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cho biết ngày 16/9, khi đang làm vườn thì ông Bảy đột quỵ, sau đó hôn mê sâu. Ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cấp cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 TP. HCM điều trị. Đến tối 22/9 thì ông Bảy qua đời, hưởng thọ 84 tuổi. Sự ra đi của ông khiến gia đình bàng hoàng. Tại Bệnh viện Quân y 175, ông Bảy được chẩn đoán hôn mê sâu, xuất huyết não lượng lớn. Bệnh viện đã mời hội chẩn các chuyên gia nội và ngoại thần kinh về trường hợp này. Các bác sĩ ở đây đã cố gắng hết sức, tuy nhiên ông vẫn không thể qua khỏi. Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES – danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên. Trong hai năm 1966-1967, ông đã lái chiếc MiG17 xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ (gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4), sau đó được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Năm 1990, ông Nguyễn Văn Bảy nghỉ hưu, về quê nhà sống cuộc đời bình dị của một người nông dân tại khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Đây là căn nhà ông đang sinh sống. Hiện ngôi nhà đóng cửa vì vợ con ông đã lên TP. HCM chăm lo hậu sự. Ngôi nhà của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy giữa bốn bề đồng nước. Ông Nguyễn Văn Thái (79 tuổi), người em trai thứ 9 của ông Nguyễn Văn Bảy thất thần trước sự ra đi của anh mình. Ông dẫn phóng viên vào khu vực đất vườn sẽ là nơi yên nghỉ của người anh hùng. Khu vực đất vườn, nơi yên nghỉ của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy rộng khoảng 2.000 mét vuông, tại ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Phần đất này hiện cũng là nơi an nghỉ của ông nội, bà nội, cha mẹ và những người thân thuộc của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Người phi công an hùng sẽ an nghỉ dưới bóng khóm tre mát rượi nơi vườn nhà. Ông Nguyễn Văn Thái tranh thủ quét lá rụng tại nơi yên nghỉ của anh mình. Đến giờ phút này, ông vẫn chưa thể tin sự ra đi của phi công Nguyễn Văn Bảy là sự thật. Đây là mộ phần của cha, mẹ Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, nằm khá gần nơi yên nghỉ của ông. Một góc trong căn nhà nới Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy sinh sống trước khi qua đời. Đây là nơi ông thường nằm nghỉ ngơi, xem tivi. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy được Đảng và Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý gồm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Mô hình chiến đấu không quân thu nhỏ được trưng bày trang trọng tại nhà nhằm ghi nhớ chiến công của một trong những phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam. Chiếc xe máy này là phương tiện để ông Nguyễn Văn Bảy đi lại hàng ngày. Phía sau căn nhà của ông Nguyễn Văn Bảy là một ao nhỏ dùng để nuôi cá, có bắc một chiếc cầu khỉ để ông dễ dàng đi thăm ruộng vườn phía sau. Chiếc xuồng nhỏ của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vẫn nằm yên đợi ông về. Hàng ngày, ông dùng chiếc xuồng này để đi đổ dớn, giăng lưới trên kênh. Dù đã 84 tuổi, nhưng trước khi bị đột quỵ, ông vẫn thường đi làm đồng hoặc giăng bắt cá tôm gần nhà. Chiếc nón của ông Nguyễn Văn Bảy vẫn còn dắt trên mái lán, sau lần đi thăm đồng, giăng cá cuối cùng của ông. Chiếc xẻng làm vườn của ông Nguyễn Văn Bảy. Cánh Cò