419
category
403566

Dân kêu giá điện tăng vọt: Không có lửa làm sao có khói?

Hải Anh 24/06/2020 08:00

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đầy rẫy những bức xúc vì tiền điện tăng vọt, những ca thán hóa đơn điện vụt tăng gấp 4-5 lần và cả do những giải thích chưa thỏa đáng của các thành viên EVN là do trời nóng nên tiền điện tăng vọt bất thường.

Thế nhưng, không có lửa làm sao có khói, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người dân bức xúc. Cụ thể, một người dân chứng minh rằng trong khi tháng 4 nghỉ dịch cả tháng, hộ gia đình họ sử dụng tính ra phải là nhiều nhất trong năm, đằng này có trường hợp tiền điện tháng 6 cao gấp 3-4 lần tháng 4 trong khi sử dụng ít do đi làm!

Dân kêu giá điện tăng vọt: Không có lửa làm sao có khói?

Anh Tuấn Anh (Hà Nội) cho biết ngày 16.6, anh giật mình khi nhận tin nhắn báo tiền điện vào máy điện thoại từ Điện lực. “Từ 15.5 – 14.6, số kWh nhà tôi dùng lên tới 490, trong khi tháng trước chỉ hơn 230 kWh và tháng này năm ngoái cũng chỉ trên 250 kWh”, anh Công so sánh và nói thêm: “Nếu tính ra tiền thì tháng này tôi phải trả 1,22 triệu đồng (đã được giảm hơn 68.000 đồng tiền hỗ trợ Covid-19), gấp ba lần hóa đơn tháng trước cũng như các tháng mùa nóng năm 2019”.

Tuy nhiên, lý giải của EVN có vẻ nghe hợp lý so với miền Bắc và miền Trung, song lý giải này lại thực sự bất hợp lý ở miền Nam, bởi thời điểm tháng 5,6 miền Nam đã vào mùa mưa, thời tiết dễ chịu hơn nhiều, song tiền điện các hộ gia đình ở miền Nam vẫn tăng mạnh.

Anh Nghĩa (TP.Sóc Trăng) phản ánh, chỉ số tiêu thụ điện của gia đình anh tăng theo kiểu “lũy tiến” và “không biết đường nào mà lần”. Cụ thể, trong tháng 4, gia đình theo lệnh cách ly của Chính phủ ở nhà nguyên tháng, đèn, quạt sử dụng liên tục, chỉ số điện kỳ 1 tháng 4.2020 là 914 kWh, đóng 2.654.826 đồng (tháng 3 là 712 kWh). Sang tháng 5, cả nhà toàn người lớn, đi làm trở lại, nhưng điện vọt lên 1.042 kWh, số tiền phải đóng là 2.998.142 đồng (đã giảm 68.805 đồng theo chính sách hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19 của ngành điện). Tháng 6, gia đình anh Nghĩa quay lại sinh hoạt bình thường, đi làm và đi học nguyên tuần, nhưng tiền điện của gia đình vọt lên đến 2.972.385 đồng (đã giảm 68.805 đồng hỗ trợ Covid-19) cho 1.034 kWh.

Đặc biệt, một cửa hàng đóng cửa 20 ngày nhưng tiền điện vẫn tăng? “Tính giá điện theo kiểu bậc thang là vô cùng phi lý, chỉ nên tính theo một giá là công bằng nhất vì hiện nay chắc không còn gia đình nào chỉ sử dụng 50 – 100 kW nữa, mà cũng không cần bao cấp cho những loại hộ này, nếu hộ nghèo thì nên có chính sách riêng cho hộ nghèo chứ không nên lợi dụng giá điện để làm méo mó giá trị thật của nó. Chính sách giá điện bậc thang chứa đựng rất nhiều tiêu cực, cần phải hủy bỏ ngay!” một người dân ở Thanh Xuân bức xúc về cách tính giá điện của EVN.

Vấn đề là mối nghi ngờ vẫn không hề dừng lại. Nhiều người dân thậm chí còn lo có sự khuất tất trong khâu tính toán, đo lường, mà cụ thể là độ chính xác của công tơ.

Vấn đề hoá đơn tiền điện tăng “sốc” vẫn bị nhiều khách hàng cho rằng còn nhiều mập mờ, chưa minh bạch.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ghi ngờ, sự nghi ngờ này một phần xuất phát sâu xa từ tâm lý người tiêu dùng vốn dĩ đã không an tâm về quyền lợi của bản thân họ có được đảm bảo hay không giữa bối cảnh vẫn còn cơ chế độc quyền bán lẻ trong mặt hàng điện.

Thực tế, mới đây EVN bị phản ánh đã tính sai công tơ điện cho một số hộ gia đình. Cụ thể, tiền điện của nhà bà Đào Thị Gái (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) trong tháng 6/2020 lên tới gần 89,4 triệu đồng, trong khi sản lượng thực tế sử dụng của gia đình bà chỉ là 368.335 đồng. Một trường hợp khác ở Quảng Bình, bị ghi nhầm chỉ số điện gấp hàng chục lần, dẫn tới số tiền phải trả vọt lên 58 triệu đồng. Phía điện lực thừa nhận có sai sót trong việc ghi chỉ số điện của khách hàng này.

Vì vậy, vấn đề hoá đơn tiền điện tăng “sốc” vẫn bị nhiều khách hàng cho rằng còn nhiều mập mờ, chưa minh bạch. Và liệu còn bao nhiêu ca sai số khi mà nhiều hộ gia đình phản ánh tiền điện tăng đột biến?

Nếu EVN không minh bạch, thì tại sao hôm qua 22/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải đứng giữa cuộc họp yêu cầu EVN làm rõ việc tiền điện tăng cao bất thường và nếu có sai sót thì phải xử nghiêm? Chúng ta hãy chờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ. Qua đây, cũng cảm ơn Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến nhân dân, dân rất cần một “trọng tài về giá điện”.

Hải Anh

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tags :
Đọc nhiều