Dân chủ trên nòng súng
Tôi đến thủ đô Naypydaw, Myanmar lần đầu tiên năm 2014, để đưa tin đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, dự hội nghị cấp cao Asean lần thứ 24. Tại đây, Thủ tướng Dũng có bài phát biểu rất quan trọng về vai trò Asean, giữa thời điểm Trung Quốc đẩy giàn khoan HD-981 xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, đe doạ hoà bình thế giới và khu vực.
Myanmar thời điểm đó đang được thế giới ngợi ca, bởi họ vừa khởi động thành công chuyển giao dân chủ, với chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi năm 2012, chính quyền quân sự đồng ý chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Thời điểm đó, tôi rất phấn khích với “mô hình Myanmar”, bởi chính quyền mới họ cho phép báo chí tư nhân hoạt động.
Aung San Suu Kyi là nhà đấu tranh cho dân chủ Myanmar, một người phụ nữ có nghị lực phi thường, với 21 năm bị chính quyền quân đội giam lỏng. Từ năm 1990, đảng liên minh của bà đã chiến thắng 59% số phiếu bầu, nhưng người phụ nữ kiên cường ấy lập tức bị quân đội quản thúc.
Chính quyền dân sự dưới sự lãnh đạo của Aung San Suu Kyi nắm quyền bính từ năm 2012, bà là cố vấn nhà nước (đứng trên đầu Tổng thống), vẫn phải dựa trên nền tảng Hiến pháp 2008 do quân đội soạn thảo, trong đó quân đội mặc nhiên có 25% số ghế trong nghị viện.
Thế nhưng, giữa một nhà đấu tranh cho dân chủ rất miệt mài đến một người nắm quyền binh lại là hai con người khác nhau trong một Aung San Suu Kyi. Từ một người được phương Tây ngợi ca và trao giải Nobel hoà bình, bà lại bị lên án do sử dụng bạo lực để đàn áp sắc tộc. Và khi không làm hài lòng quân đội, chính quyền của bà đã bị loại bỏ ngay lập tức.
Naypydaw là thủ đô mới của Myanmar, là một khu vực đồi thấp khá bằng phẳng, gần như không có dân ở, rất dễ cho hoạt động đảo chính. Ngày 1-2, không cần nổ một phát súng nào, quân đội Myanmar cũng bắt giữ và đoạt quyền của Tổng thống và cố vấn nhà nước.
Tôi đã viết nhiều lần, dân chủ là đường đi chứ không phải đích đến. Trên thế giới không có mô hình dân chủ hoàn hảo, con đường dân chủ là con đường đấu tranh không ngơi nghỉ của loài người.
Năm 2020 qua đi, cả thế giới chứng kiến cuộc đảo chính bất thành của Donald Trump trước cuộc bầu cử dân chủ của người Mỹ. Hoa Kỳ là quốc gia có nền tảng pháp quyền rất vững vàng và người dân đã được luyện tập dân chủ qua nhiều thế hệ, nên các nguy cơ đều đã được hoá giải. Có mấy người Việt Nam cứ tin rằng ông Trump sẽ lập đảng mới sau khi thất bại, tôi đã nói với họ rằng Trump chỉ dọa như vậy để Đảng Cộng hòa thu nạp lại, chứ không dại gì mà lập đảng, bởi nếu Trump lập đảng mới thì các nhà lập pháp lưỡng đảng ở lưỡng viện sẽ lập tức chôn vùi ông ta xuống vũng bùn, vĩnh viễn.
Ở Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản là quốc gia có nền tảng pháp quyền mạnh nhất. Những biến thiên ở chính trường dường như không hề hấn đến sức mạnh quốc gia và nền kinh tế của họ.
Trong khi đó, Đông Nam Á là vùng trũng. Câu chuyện Myanmar cho thấy rằng chiếc áo khoác dân chủ rất mong manh, khi nòng súng giương lên là bộ đồ dân chủ lập tức bị lột. Thái Lan một thập niên không bứt phá lên được do mâu thuẫn liên miên giữa các phe phái, nòng súng quân đội giương lên và vương quyền chi phối. Và Philippines, đồng minh của Mỹ, nhưng thể chế vận hành quá khác biệt.
Chính trị là quyền biến, người làm chính trị là người sử dụng thuật quyền biến. Các chính trị gia trên khắp thế giới luôn nói những lời hoa mỹ, nhưng mấy ai hiểu được họ đang nghĩ gì và sẽ hành động như thế nào.
Lê Kiên