130115
topics
416076

Dân buôn khẩu trang bán chạy bán tháo xả hàng

Hồng Anh 03/08/2020 20:06

Cơ quan chức năng liên tiếp vào cuộc xử lý nhiều kho hàng khẩu trang lậu, không rõ nguồn gốc khiến giới buôn tích trữ hàng lo lắng phải bán hạ giá nhằm tránh rủi ro.

Ngay sau thông tin Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới, mặt hàng khẩu trang trên thị trường đã nhanh chóng tăng giá. Tuần trước, có lúc giá bán lẻ lên đến 150.000-200.000 đồng/hộp loại 50 chiếc. Song, hiện giá khẩu trang đã có xu hướng giảm, thậm chí trên các chợ mạng giá khẩu trang giảm hơn một nửa.

Bán “cắt lỗ” vì ôm hàng không rõ xuất xứ

Theo khảo sát, giá khẩu trang y tế được rao bán trên các diễn đàn chợ mạng đang giảm mạnh, từ 7 triệu đồng xuống còn 2,5-4,5 triệu đồng/thùng loại 50 hộp. Giá bán lẻ dao động khoảng 90.000-120.000 đồng/hộp loại 50 chiếc. Còn trên thị trường, nhiều hiệu thuốc đã thông báo hết hàng dừng bán, một số điểm chỉ bán lẻ khẩu trang, giá 2.000-3.000 đồng/chiếc.

“Đứng ngồi không yên” mấy ngày nay khi thấy nhiều dân buôn đồng loạt hạ giá bán khẩu trang, một tài khoản tên Dung Thanh tỏ ra hoang mang: “Lúc nhập hơn 5 triệu/thùng loại 50 hộp, tôi đang chờ lên 9 triệu/thùng để bán ai ngờ bây giờ hạ giá xuống còn 3, 4 triệu/thùng”.

“Hiện, vẫn còn một số nơi bán 5-6 triệu đồng/thùng loại 50 hộp, nhưng phần lớn đều là hàng công ty sản xuất có giấy tờ, hoá đơn rõ ràng”, chị cho biết.

Theo chị Thanh, gần đây trên khắp cả nước liên tiếp diễn ra các vụ bắt giữ nhiều kho hàng, cơ sở sản xuất khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khẩu trang y tế không có hóa đơn,…khiến giới dân buôn như chị và xưởng sản xuất có tâm lý sợ bị cơ quan chức năng “chú ý” nên đồng loạt hạ giá bán.

Khau trang giam gia o at tren cho mang anh 1
Cơ quan chức năng liên tiếp vào cuộc xử lý nhiều kho hàng khẩu trang lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến giới dân buôn, sản xuất đều dè chừng và hạ giá khẩu trang. Ảnh: D.T.

“Tôi đang chờ xem tình hình giá bán có biến động gì không rồi mới bán nốt số hàng còn lại”, chị chia sẻ thêm.

Khác với chị Thanh, một người khác tên Tuấn đang tích cực đăng bài rao bán “xả lỗ” khẩu trang với mức giá 3,9 triệu đồng/thùng loại 50 hộp. Anh cho biết phải bán tháo như vậy vì giá khẩu trang đang giảm dần, nếu không bán được lúc này sẽ bị lỗ nặng.

Sau khi Việt Nam ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 trở lại, giá khẩu trang đã tăng gấp 2, 3 lần so với trước. Tuy nhiên, đợt tăng này không quá mạnh và đang dần được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát.

Mặt khác, theo một số dân buôn khẩu trang online, hiện nay xuất hiện tình trạng thu mua khẩu trang Trung Quốc với giá siêu rẻ đóng vào vỏ hộp khẩu trang trong nước rồi bán ra thị trường với giá rất thấp, khiến giá bán có sự chênh lệch. Điều này cũng sẽ khiến người tiêu dùng khó phân biệt được chất lượng sản phẩm.

Chị Hồng Minh, một tài khoản buôn khẩu trang cho hay: “Tôi thường chọn nơi bán rẻ nhất nhập về. Họ đưa cho tôi một số giấy tờ kiểm định sản phẩm chứ tôi cũng không biết cách phân biệt khẩu trang đó có đạt chuẩn hay không”.

Thực tế, nhiều người tiêu dùng khi được hỏi về chất lượng khẩu trang đang sử dụng đều tỏ ra bối rối. “Mua về cứ thế mà dùng thôi, cũng ít khi để ý chất lượng khẩu trang đó như thế nào”, Nguyễn Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.

Cảnh giác mua phải hàng giả, kém chất lượng

Trước diễn biến mới của dịch bệnh và sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, găng tay y tế…, một số đối tượng đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường, đặc biệt là trên chợ mạng.

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc phát hiện và xử lý nhiều kho hàng, cơ sở sản xuất khẩu trang lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình, sáng 1/8, cơ quan chức năng phát hiện một nhà xưởng 2.000 m2 tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình đang sản xuất khẩu trang giả và tái chế găng tay đã qua sử dụng.

Khau trang giam gia o at tren cho mang anh 2
Lượng khẩu trang giả và găng tay đã qua sử dụng được cơ quan chức năng phát hiện tại chỗ. Ảnh: MOIT.

Chiều 31/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 thuộc Cục QLTT Quảng Bình cũng đã phát hiện một đối tượng vận chuyển gần 1,8 triệu khẩu trang lậu không có hóa đơn chứng từ, trị giá gần 1 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 25/7 đến 29/7, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, rà soát tại gần 900 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, phát hiện 3 lô hàng khẩu trang tại Đà Nẵng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Số lượng khẩu trang bị tạm giữ lên đến 58.000 chiếc.

Trong khi các nhà thuốc hầu hết đều báo hết khẩu trang y tế, nhiều người dân đã tìm mua nguồn khẩu trang y tế trên các diễn đàn chợ mạng, song chất lượng, nguồn gốc những khẩu trang được rao bán trôi nổi này khó đảm bảo. Thậm chí, nhiều cơ sở, dân buôn online còn giả mạo giấy kiểm nghiệm của Bộ Y tế để quảng cáo chất lượng khẩu trang đạt chuẩn.

“Trong thời điểm dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam, việc người dân sử dụng những loại khẩu trang giả, không đảm bảo về chất lượng như thế này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong công tác phòng, tránh dịch bệnh”, đại diện Tổng cục QLTT cảnh báo.

Tổng cục QLTT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.

Đồng thời, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân nên chọn mua, bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Đọc nhiều