ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI LỊCH SỬ NGÀY 7/5

Thu An 05/05/2025 14:31

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa công bố thông tin quan trọng tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng ngày 5/5: Việt Nam chính thức trở thành một trong sáu quốc gia được Mỹ ưu tiên khởi động đàm phán thương mại, với phiên đối thoại đầu tiên diễn ra vào ngày 7/5 tới đây tại Washington. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong quan hệ kinh tế song phương, mà còn là diễn biến tích cực giữa bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng 10% với hàng loạt đối tác thương mại chủ chốt, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa công bố thông tin quan trọng tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng ngày 5/5

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, quá trình đàm phán này sẽ được tiến hành trên tinh thần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, không làm phương hại tới các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia. Đoàn đàm phán cấp kỹ thuật của Việt Nam đã lên đường sang Mỹ từ ngày 1/5, đánh dấu bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng thương lượng lịch sử này.

Trước đó, ngày 4/4, ngay sau khi Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số mặt hàng Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là bước đi chủ động, tạo tiền đề mới cho quan hệ thương mại hai nước. Cuộc điện đàm không chỉ giải tỏa căng thẳng song phương, mà còn khơi thông thế bế tắc chung, khi các đối tác khác của Mỹ sau đó cũng nối gót Việt Nam để đề nghị đối thoại với Washington. Chính sự can thiệp kịp thời từ cấp cao nhất này đã tạo ra một bước ngoặt: ngày 9/4, Chính quyền Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế 46% trong thời hạn 90 ngày đối với Việt Nam và các nước ASEAN, ngoại trừ Trung Quốc. Động thái này được coi là “cơ hội vàng” để hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Không bỏ lỡ thời cơ, từ ngày 8 đến 10/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư, đã thực hiện chuyến công tác đặc biệt tại Washington. Trong ba ngày làm việc, đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp trực tiếp với ba cơ quan quyền lực nhất của Mỹ trong lĩnh vực thuế quan: Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Bộ Tài chính và Bộ Thương mại. Đây là cách tiếp cận hiếm thấy trong ngoại giao kinh tế quốc tế, khi Việt Nam đồng loạt tiếp cận các trung tâm quyền lực, tạo nên “vòng vây ngoại giao”, buộc các cơ quan Mỹ phối hợp và không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến công tác này, lần đầu tiên Việt Nam chính thức đề xuất việc đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) toàn diện với Mỹ — điều mà gần hai thập kỷ qua chưa từng được đặt lên bàn nghị sự. Đây được coi là bước nhảy vọt, nâng cấp từ các thỏa thuận song phương trước đây như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000, Hiệp định Dệt may 2003, Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường vĩnh viễn (PNTR) năm 2006 và Tuyên bố TIFA năm 2007.

Tiếp nối kết quả đó, tối 23/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên — Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ — đã điện đàm với ông Jamieson L. Greer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, chính thức khởi động tiến trình đàm phán song phương. Theo thông tin từ Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài, đây là cuộc trao đổi quan trọng, trong đó hai bên đã thống nhất nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán, đồng thời cam kết sẽ sớm hoàn tất các vòng thương lượng trong năm 2025.

Ông Trump hoãn áp thuế 90 ngày, tăng thuế với Trung Quốc lên 125%

Ngày 29-30/4, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, tiếp tục xác nhận rằng đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam sẽ có mặt tại Washington từ ngày 1/5. Đoàn sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan hữu quan của Mỹ, chuẩn bị nội dung cho phiên đàm phán chính thức vào ngày 7/5, đồng thời phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo tiến trình đàm phán diễn ra suôn sẻ.
Phiên đàm phán ngày 7/5 vì vậy không chỉ mang ý nghĩa tháo gỡ khó khăn thuế quan trước mắt, mà còn mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Hai bên kỳ vọng sẽ đạt được một “khế ước quốc tế” toàn diện, vượt lên trên các thỏa thuận lịch sử trước đây, hướng tới thiết lập một khuôn khổ thương mại công bằng, cân bằng và bền vững, phù hợp với vị thế và tầm vóc mới của cả hai quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới quan sát đánh giá, nếu thành công, Hiệp định FTA Việt – Mỹ sẽ trở thành một cột mốc lịch sử, giúp Việt Nam vững vàng trước các chính sách bảo hộ mới của Mỹ, đồng thời mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính này. Ngược lại, Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc thiết lập chuỗi cung ứng an toàn, giảm thiểu phụ thuộc vào các đối thủ chiến lược, đúng theo định hướng tái cấu trúc thương mại toàn cầu của chính quyền đương nhiệm.

Một vòng đàm phán lịch sử đã bắt đầu. Và kết quả của nó, không chỉ quyết định vận mệnh xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới, mà còn định hình lại trật tự thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thu An

Đọc nhiều