Đàm phán được nối lại, quan chức thừa nhận TQ vẫn e ngại phái đoàn Mỹ có “kẻ bắt nạt”

11/07/2019 10:19

Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này sau 2 tháng gián đoạn, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy 2 nước đã thu hẹp được sự khác biệt.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa chịu nhún

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G-20 cuối tháng 6, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý tạm ngưng đợt thuế quan mới đối với 300 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khi 2 nước nối lại đàm phán.

Tổng thống Trump cho biết, Bắc Kinh sẽ tái khởi động các đơn hàng nông sản “khủng” với Washington, đổi lại, Mỹ sẽ giảm bớt một số hạn chế đối với công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei Technologies.

Nhưng một số nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán và các nhà quan sát ở Washington cho rằng hội nghị thượng đỉnh không có thành quả đáng kể trong việc mở đường giải quyết bế tắc khiến các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ vào đầu tháng 5.

Một quan chức Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận dự kiến ​​sẽ tiếp tục với một cuộc điện đàm giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Đàm phán được nối lại, quan chức thừa nhận TQ vẫn e ngại phái đoàn Mỹ có "kẻ bắt nạt"
Đàm phán được nối lại, quan chức thừa nhận TQ vẫn e ngại phái đoàn Mỹ có “kẻ bắt nạt”

Một phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ cho biết cuộc điện đàm dự kiến ​​trong tuần này, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tuy nhiên, dường như Washington và Bắc Kinh có những cách hiểu khác nhau về những gì hai nhà lãnh đạo đã thống nhất ở Osaka.

3 nguồn thạo tin cho rằng phía Trung Quốc không đưa ra các cam kết chắc chắn để mua ngay hàng hóa nông sản của Mỹ.

Một trong những nguồn tin cho biết ông Trump đã đưa ra vấn đề mua nông sản 2 lần trong cuộc họp, nhưng ông Tập chỉ đồng ý xem xét mua hàng trong bối cảnh thỏa thuận cuối cùng.

Các quan chức Trung Quốc và cơ quan truyền thông nhà nước trong tuần qua đã nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào, bao gồm cả mua nông sản, đều chỉ được thực hiện khi Mỹ dỡ bỏ các loại thuế quan. Người Trung Quốc khẳng định rằng, họ không hứa về bất cứ điều gì, nguồn tin này nói.

“Tôi có thể thấy họ mua một ít thịt lợn và mua một ít đậu nành, nhưng đó vẫn là khoản chi tiêu rất nhỏ”, nguồn tin này nói thêm.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cũng đã hạ thấp mức độ cam kết cho phép Huawei mua các sản phẩm công nghệ của Mỹ, khi cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng Huawei chỉ có thể mua các chất bán dẫn công nghệ thấp của Mỹ.

Reuters tuần trước đưa tin rằng, nhân viên thực thi kiểm soát xuất khẩu Bộ Thương mại Mỹ đã được yêu cầu tiếp tục coi Huawei là một đơn vị nằm trong danh sách đen. Và ông Kudlow – Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Mỹ cho biết, quy tắc được nới lỏng đối với Huawei chỉ có hiệu lực trong thời gian nhất định.

Đàm phán sẽ căng thẳng hơn

Một quan chức Trung Quốc dự báo, các cuộc đàm phán thương mại sẽ được bắt đầu lại rất nhanh, nhưng có một khoảng cách khá lớn, và sẽ là một thách thức để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề khó khăn nhất.

Không khí đàm phán thậm chí còn căng thẳng hơn, quan chức này nói.

Một quan chức khác cho rằng, Trung Quốc vẫn lo ngại về sự hiện diện của những “con diều hâu” trong nhóm đàm phán của Mỹ, như cố vấn Peter Navarro của Tổng thống.

“Vẫn có những kẻ bắt nạt ở đó”, quan chức này cho hay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dẫn lời ông Tập nói với ông Trump tại Osaka rằng, về các vấn đề liên quan đến chủ quyền và nhân phẩm của Trung Quốc, nước này phải bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.

Các quan chức Trung Quốc chỉ ra rằng, Bắc Kinh chỉ đạt được đảm bảo về vấn đề Huawei tại cuộc đàm phán ở Osaka. Nhưng điều Bắc Kinh muốn là dỡ bỏ các khoản thuế bổ sung. Vì vậy, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ tập trung vào vấn đề thuế quan.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy 2 nước sẽ tiếp tục đàm phán bằng văn bản mà 2 bên đã nhất trí trước khi Trung Quốc thay đổi cam kết hồi đầu tháng 5. Bắc Kinh đã cắt đi nội dung cam kết thay đổi các cam kết cải cách luật pháp, biện minh rằng, điều này sẽ xâm phạm chủ quyền quốc gia. Điều này đã khiến Tổng thống Trump áp đặt mức thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi một số lượng lớn các cuộc đàm phán.

Bà Claire Reade, cựu chuyên gia đàm phán thương mại Trung Quốc của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết, vẫn có cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận.

“Để tránh bị chỉ trích là nhượng bộ quá nhiều với Mỹ, Trung Quốc có thể tiến hành các bước liên quan đến mặt pháp lý về các vấn đề cốt lõi trước khi thỏa thuận được thống nhất. Bằng cách này, Bắc Kinh có thể nói rằng, họ đang thực hiện các thay đổi theo cách của mình”, bà Claire Reade nói.

(Theo Soha News)

Đọc nhiều