Đảm bảo an ninh năng lượng: Nhìn từ cuộc khủng hoảng ở châu Âu

Diệu Hương 05/09/2022 16:18

Năng lượng vẫn đang là chủ đề nóng với các nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Khi mùa đông đang đến gần, khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có mà châu Âu đang phải đối mặt đặt ra những bài học trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam.

Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Paris, Pháp.

Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng vào mùa đông sắp tới, nếu không tìm được nguồn cung khác. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khu vực hiện tại khá cao, do thời tiết nắng nóng mùa hè buộc người dân châu Âu phải đẩy mạnh việc sử dụng các hệ thống làm mát.

Giá điện ở Đức, Pháp tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm, và tương đương khoảng 23.000-25.000 đồng / KWh, gấp 13 lần tại Việt Nam. Ở Vương quốc Anh, Chính phủ tính toán phải bỏ hàng 100 tỷ đồng (theo tiền Việt Nam) để hỗ trợ giá nhiên liệu cho dân. Trong khi đó, Nga phải sử dụng hơn 4,3 triệu mét khối khí mỗi ngày có giá trị hơn 10 triệu USD. Đáng chú ý, châu Âu – nơi có các quốc gia hăng hái nhất với loại bỏ nhiệt điện than – còn phải tính toán đến khôi phục hoặc kéo dài các nhà máy này. Áo và Hà Lan đang thực hiện các bước để khôi phục các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa hoặc dự kiến ngừng hoạt động. Tập đoàn Gazprom của Nga mới đây dự báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông khi nguồn cung khí đốt của châu lục này giảm thêm.

Các con số trên là những ví dụ rõ nhất cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang bước vào một giai đoạn đáng sợ. Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt…

Theo một số nhà phân tích, nhu cầu sử dụng điện cao trong mùa hè nóng khiến các nước khó dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới. Và như vậy, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông khi lượng tiêu thụ năng lượng trong mùa sưởi ấm sẽ tăng vọt và khả năng lượng khí đốt từ Nga sẽ bị cắt giảm.

Nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam

Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Mùa hè năm 2022, đặc biệt vào một số thời điểm, nắng nóng gay gắt diện rộng, công suất tiêu thụ điện tăng rất cao. Lần đầu tiên trong lịch sử, công suất tiêu thụ điện toàn quốc vượt 45.000 MW.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan, cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Điển hình như, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo (REDS), Những đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030 (QHĐ7 điều chỉnh), Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3),…

Dựa trên các chính sách, chiến lược trên, Việt Nam có thể định hình được xu hướng phát triển năng lượng trong tương lai và có những hướng đi phù hợp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong đảm bảo an ninh năng lượng được thể hiện qua nhiều khía cạnh, bao gồm: Công nghiệp khai thác dầu khí phát triển mạnh, ngành than có nhiều bước tiến nổi bật, điện gió và điện mặt trời phát triển với tốc độ cao, công nghiệp khai thác dầu khí phát triển mạnh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều giải pháp giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện… Đặc biệt, việc cung cấp điện vào những ngày nắng nóng nhất năm 2022 vẫn cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong dài hạn việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Các nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu ngày càng lớn. Tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao (hơn 2 lần), trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1…

Công trình đường dây điện 220kV vượt biển dài nhất Việt Nam kể cả trong khu vực Đông Nam Á sắp được đưa vào vận hành

Trước thực tiễn về tình hình an ninh năng lượng đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam cần:

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác.

1.Lập kho dự trữ năng lượng. Đây là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.

2. Đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài.

3. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Diệu Hương

Đọc nhiều