Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine xuống hầm trú ẩn

25/02/2022 10:29

Theo cập nhật mới nhất từ Facebook của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch, tại Đại sứ quán nghe rõ những tiếng nổ lớn “có vẻ của tên lửa”.

Theo ghi nhận của Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, “Đại sứ quán và anh em ở các điểm khác nhau đều nghe rõ tiếng nổ lớn, có vẻ của tên lửa. Anh em ĐSQ đã xuống tầng hầm.

Chia sẻ trên mạng xã hội, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho hay ông nghe nhiều tiếng nổ lớn, có vẻ của tên lửa ở thủ đô Kiev. Đại sứ cho biết các nhân viên đã xuống tầng hầm. Đại sứ Thạch khuyên rằng nên ở tại chỗ, thời điểm này sơ tán không an toàn.

Tình hình hiện nay tốt nhất là ở đâu ở đấy. Sơ tán giờ này là không an toàn.”

Trước đó, Đại sứ Thạch cho biết Đại sứ quán Việt Nam liên tục cập nhật tình hình tại các địa phương và xác định được chiến sự đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước Ukraine.

Giữa tiếng đạn pháo người Việt bình tĩnh xuống metro, hầm chung cư trú ẩn

Trước tình hình Tổng thống Nga Putin tuyên bố chiến dịch quân sự ở Donbass, tiến quân vào miền Đông Ukraine, nhiều người Việt đang sinh sống tại Ukraine sau khi mua sắm đồ dự trữ đã xuống các tầng hầm tránh trú ẩn và theo dõi tình hình.

19 giờ 30 tối 24.2 theo giờ Việt Nam, chị Bích Ngọc Trần (ở TP Kharkov, Ukraine) cho biết, gia đình chị đã chuẩn bị quần áo, đồ ăn để xuống tầng hầm chung cư khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Sáng cùng ngày, chị đã đến siêu thị mua đồ ăn, thực phẩm dự trữ. Hiện tại vẫn chưa có lệnh cấm người dân đi ra ngoài nhưng để đảm bảo an toàn chị ở yên trong nhà.

Hầm metro nơi chị Huyền Anh tránh trú và theo dõi tình hình

“Hiện giờ mọi người Việt đều ở trong nhà, không có việc quan trọng không đi ra ngoài. Hội đồng hương cũng nhắc nhở mọi người mua đồ dự trữ nên tôi cũng mua đủ cho gia đình dùng trong mấy ngày và không nên ra ngoài. Tôi và nhiều người đã chuẩn bị đồ xuống tầng hầm chung cư và các trường học, trước khi đến đã kiểm tra các tầng hầm và những nơi cần đến”, chị nói.

Chị Nguyễn Huyền Anh (ở TP Kharkiv, Ukraine) cho biết, hiện tại chị vẫn giữ bình tĩnh để trấn an mọi người. Thiết quân luật đưa ra từ 0 giờ ngày 24.2 và 5 giờ sáng chị đã nghe thấy tiếng súng nổ khắp thành phố. Hiện tại, chị và gia đình đã chọn xuống hầm metro để tránh thay vì xuống tầng hầm chung cư.

“Tôi vẫn đi lại được bình thường. Các hầm chung cư rất đông và hẹp nên tôi chọn xuống hầm metro. Đồ đạc tôi luôn có thuốc cấp cứu trong nhà nên đỡ, tôi cũng cung cấp danh sách thuốc cho bà con để kịp đi mua sáng nay khi tình hình còn kiểm soát”, chị cho biết.

Hầm metro cách nhà chị Huyền Anh khoảng 1 phút đi bộ nên chị đến tránh trú cho đỡ đông và chen chúc

Chị và mọi người khi đến hầm metro tránh rất lịch sự và không hoảng loạn. Hầm metro cách nhà chị khoảng 1 phút đi bộ nên chị xuống theo dõi tình hình và nếu có thể sẽ lên lại trên nhà. Chính quyền địa phương cũng thông báo người dân cần đi xuống tầng hầm nếu có thể.

“Từ 5 giờ sáng đến khoảng 15 giờ chiều mọi người đã kịp mua thuốc và nhu yếu phẩm, sau đó ngồi yên trong nhà làm theo hướng dẫn. Đến tầm 15 giờ chiều chúng tôi được khuyên nên đi xuống hầm tránh nên mọi người đã di chuyển xuống đây. Tôi đưa mẹ và em bé đi lánh từ tuần trước còn vợ chồng tôi gọi thêm các bạn du học sinh tới nhà lánh nạn và cùng đi tránh dưới hầm. Chỗ mẹ và em bé tránh là vùng ngoại ô, nhà có hầm riêng nên đỡ lo hơn, dưới đó từ sáng đến giờ vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ gì”, chị cho biết.

Ông Nguyễn Thành Trung (57 tuổi) cho biết, ông và có khoảng chục người Việt đang sống ở TP Kramatorsk – nơi gần chiến tuyến khoảng 40km. Từ sáng sớm, người dân bắt đầu ra các cửa hàng mua nhu yếu phẩm, thuốc men, sau đó về nhà chờ xem diễn biến tiếp theo.

 

Mọi người vẫn lịch sự, không chen chúc nhau

“Nói là thiết quân luật nhưng tôi vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ có buổi tối khoảng 21 giờ không nên ra đường khi không có việc gì cần thiết và phải mang theo giấy tờ tùy thân đến 5 giờ sáng. Thành phố nơi tôi sống bé không có hầm metro để tránh bom đạn mà chỉ xuống tầng hầm của tòa nhà để tránh nhưng bây giờ yên tĩnh nên mọi người về nhà sinh hoạt bình thường”, ông nói.

Cũng theo ông Trung, nhiều người Việt sinh sống ở Ukraine hơn 30 năm nên nếu tình hình căng thẳng nữa mới nghĩ tới chuyện di tản hay về nước còn không sẽ ở lại. “Tôi hi vọng sau vài tuần mọi việc sẽ trở lại bình thường”, ông Trung bày tỏ.

Đại sứ Thạch hôm 24/2 đã xác nhận tại các thành phố lớn đều nghe thấy tiếng nổ, như ở Kharkov, Kiev, Odessa, khu vực phía tây gần biên giới với Ba Lan… tại khu vực gần các căn cứ quân sự cũng nghe thấy tiếng nổ.

Ngày 23/02/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine. Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp khó khăn, đề nghị liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo số + 380 (63) 863 8999 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484./.

Khai Tâm

Tags :
Đọc nhiều