Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Chính sách biển Đông vẫn tiếp tục sau bầu cử

04/09/2020 09:56

Một số ý kiến cho rằng việc Mỹ gần đây có những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên biển Đông là do yếu tố bầu cử. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói rằng những bước đi đó là sự tiếp nối, chính sách đã có từ lâu, và sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong ngày 3/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ từ lâu đã là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và những bước đi gần đây của Mỹ là cách Washington tiếp nối và điều chỉnh chính sách đã có từ lâu của mình.

“Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó”, Đại sứ Kritenbrink nói.

Giải thích về việc trừng phạt 24 công ty và các cá nhân Trung Quốc tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển Đông, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ muốn thể hiện rất rõ rằng Mỹ ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp quốc tế trên biển, cụ thể là biển Đông; và rằng tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử theo luật lệ và không thực hiện các hành vi bắt nạt hay cưỡng ép.

Đại sứ Mỹ cho biết, trong vòng 3 tháng qua, Mỹ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên lý về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do về hàng hải đã có từ lâu đời. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 đối với khu vực biển Đông, dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Chính sách biển Đông vẫn tiếp tục sau bầu cử - ảnh 1
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Tiền Phong ngày 3/9. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Sau đó, để thể hiện rõ hơn nữa rằng Mỹ sẽ có những bước đi thiết thực để buộc các quốc gia hành xử trái nguyên lý đó sẽ phải trả giá, ngày 26/8, Mỹ công bố 2 bước đi: hạn chế visa đối với một số cá nhân Trung Quốc có vai trò trong hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại biển Đông; đưa thêm 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó có nhiều thành viên của Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC). Điều đó nghĩa là bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn làm ăn với công ty này tại Mỹ đều sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu. Bước đi này sẽ hạn chế hoạt động của các công ty đó, và danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Hợp tác an ninh Việt – Mỹ sẽ mở rộng

Về hợp tác Việt – Mỹ, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển trên hầu hết các lĩnh vực. Hai bên phối hợp với nhau trong nhiều vấn đề, từ Triều Tiên, biển Đông tới xây dựng năng lực cho Việt Nam.

Đại sứ Mỹ cho rằng hai nước có những tương đồng về lợi ích quốc phòng và an ninh. Mỹ và Việt Nam đều mong muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều hành xử theo luật lệ và tuân thủ luật quốc tế, các quốc gia không có những hành động bắt nạt hay cưỡng ép nước khác; tự do hàng hải và hàng không trong các khu vực, trong đó có biển Đông.

Đại sứ cho biết các hoạt động hợp tác của hai bên đã đạt được nhiều bước tiến. Từ năm 2009, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 400 triệu USD để xây dựng năng lực, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

“Tôi cho rằng đây là sự đầu tư cho một nước Việt Nam vững mạnh và độc lập. Một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng rất có lợi cho Mỹ và toàn bộ khu vực”, Đại sứ nói.

Ông nhấn mạnh, chỉ riêng trong thời gian ông làm đại sứ ở Việt Nam đã có 3 chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Việt Nam; hai chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh Việt – Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố trong thời gian tới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, có thể là thương mại quốc phòng và trao đổi thông tin.

Bình Giang – Hoàng Mạnh Thắng/TPO

Đọc nhiều