Đại sứ EU: EVFTA là yếu tố giúp Việt Nam như ‘Hổ mọc thêm cánh’
Đại sứ EU Giorgio Aliberti nhận định, Việt Nam đã có những nền tảng nhất định để thu hút đầu tư, cũng như tạo niềm tin cho doanh nghiệp EU tại Việt Nam. Hơn nữa, EVFTA cũng là một nhân tố hết sức quan trọng, có thể ví như ‘ánh sáng ở cuối đường hầm’.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ sau thời gian 16 tháng làm việc tại Việt Nam, Đại sứ Giorgio đã chỉ ra nguyên nhân một số mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm bất chấp việc EVFTA có hiệu lực, cũng như tiềm năng của Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra nhưng Việt Nam và EU vẫn có thể đi đến thỏa thuận về EVFTA. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?
Đại dịch Covid-19 là một vấn đề chưa từng có tiền lệ đối với cả EU và trên toàn thế giới, tạo ra rất nhiều căng thẳng, áp lực về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, tất cả các quyết định đầu tư đều bị buộc dừng hoặc đóng băng.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào những số liệu đánh giá khách quan, chẳng hạn như cuộc khảo sát gần đây của EuroCham về vấn đề liệu các doanh nghiệp có nên đầu tư tiếp hay không, hay họ sẽ làm gì tiếp theo với tình hình hiện nay.
Theo đó, mặc dù trong giai đoạn mùa hè 2020, những đánh giá được đưa ra không mấy khả quan, song đến cuối năm 2020 thì những con số được đưa ra lại rất tích cực, đặc biệt khi Việt Nam đã kiểm soát tình hình dịch bệnh rất thành công.
Nhờ hiệu quả kiểm soát này, các nhà đầu tư đang nhìn vào giai đoạn hậu Covid-19 để đánh giá tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, trở thành một hiện tượng hoàn toàn khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, tôi cho rằng EVFTA cũng là một nhân tố hết sức quan trọng, có thể ví như ‘ánh sáng ở cuối đường hầm’.
Tôi tin rằng trong năm tới, tính hình sẽ khả quan hơn rất nhiều về tăng trưởng cũng như đầu tư. Hiện nay thì vẫn còn những do dự nhưng nhìn chung, thái độ về đầu tư của các doanh nghiệp đã tích cực hơn nhiều.
Một điều quan trọng nữa đó là bên cạnh những lý do tôi vừa nêu, thì nguyên tắc căn bản để đưa ra đầu tư đó là vị trí của Việt Nam. Việt Nam đang có thế mạnh về vị trí với rất nhiều lý do, điển hình như nằm ở khu vực kinh tế năng động trên thế giới, tận dụng được cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung…
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy, mặc dù EVFTA đã đi vào hiệu lực, nhưng xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện thoại và linh kiện… sang châu Âu lại giảm. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này?
Đầu tiên, cần phải xác định rằng năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Do vậy, mặc dù các xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam sang EU giảm, nhưng cần đặt trong bối cảnh là xuất khẩu Việt Nam sang các quốc gia khác cũng đối mặt với sự suy giảm xuất khẩu do tác động của đại dịch Covid-19. Điển hình như xuất khẩu sang Nhật Bản, sang ASEAN cũng giảm, thậm chí còn giảm mạnh hơn mức giảm của một số mặt hàng trên sang EU.
Nếu nhìn sang châu Âu, có thể thấy đại dịch cũng khiến việc làm bị cắt giảm, người dân đều lo ngại về tương lai. Các chỉ số kinh tế của châu Âu đều có sự suy giảm. Đây cũng có thể là lý do cho sự suy giảm của xuất khẩu Việt Nam sang EU, không phải do hiệu quả của EVFTA, mà do cầu hàng hóa giảm.
Ngoài ra, giai đoạn tháng 3/2020, Covid-19 đã tác động sâu rộng lên nền kinh tế thế giới. Nhưng đến tháng 8/2020 thì EVFTA mới đi vào hiệu lực. Vì vậy, chúng ta cũng sẽ tách hai câu chuyện về mặt thời điểm ra để thấy tác động của nó.
Mặt hàng tôi muốn dẫn chiếu ở đây là thuỷ sản. Có thể thấy rằng thuỷ sản lại có một sự tăng trưởng rất tốt, đạt tới trên 25% nếu chúng ta so tổng xuất khẩu 10 tháng đầu 2020 so với 10 tháng đầu 2019. Sự tăng trưởng này chắc chắn liên quan đến tác động của EVFTA.
Thêm vào đó, nhiều mặt hàng khác cũng có sự tăng trưởng tích cực, ví dụ như máy tính tăng 24%, linh kiện cũng có sự tăng trưởng trên 20% của xuất khẩu Việt Nam sang EU khi hiệp định đã đi vào hiệu lực.
Hay nếu nhìn vào xu hướng chung xuất khẩu Việt Nam sang EU trong giai đoạn 20 năm vừa qua, hầu hết qua các năm đều có sự tăng trưởng rất tích cực, trung bình 12%. EVFTA đi vào hiệu lực sẽ là cú hích cho sự tăng trưởng này.
Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN, 72% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động. Theo ông EVFTA có phải nguyên nhân chính hay không?
Tôi cho rằng con số này hội tụ rất nhiều yếu tố. EVFTA có vai trò quan trọng là nền tảng, giúp Việt Nam có đầy đủ những nhân tố căn bản để tiếp tục thu hút các nguồn đầu tư trong tương lai từ EU thông qua Hiệp định.
Nhưng nhìn chung, Việt Nam đã có những thế mạnh nhất định rồi. Đầu tiên là về mặt vị trí địa lý, chỉ với 5 giờ bay để có thể vươn tới ½ dân số của thế giới cũng như các quốc gia xung quanh. Thứ hai, Việt Nam có một nền kinh tế rất năng động, gần gũi với quốc gia lớn như Trung Quốc. Thứ ba, Việt Nam có nền chính trị rất ổn định. Đó là tất cả những yếu tố mà một nhà đầu tư cần, từ đó đưa ra các quyết định tận dụng nguồn lực ở đây như thế nào.
Đối với EVFTA, đương nhiên, sẽ là yếu tố khiến Việt Nam như “hổ mọc thêm cánh”.
Hiện nay, EVFTA đặt trong bối cảnh quan hệ giữa EU – Việt Nam cũng rất tích cực, nhờ vậy hai bên cũng đang thúc đẩy các mối quan hệ ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ rằng những nhân tố khách quan và nỗ lực của hai bên làm nên sự kết hợp hoàn hảo để có những yếu tố căn bản mà tôi vừa nhắc đến, về mặt lợi thế của Việt Nam cũng như những yếu tố bên ngoài.
Khi nhìn vào khu vực ASEAN, những yếu tố này sẽ được phát huy tối đa bởi hiện nay, các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam với vai trò là một trung tâm sản xuất trong khu vực. Lấy ví dụ, Singapore là quốc gia về dịch vụ, hầu như không sản xuất gì và cơ cấu nền kinh tế hoàn toàn khác.
Nếu muốn đặt một trung trung tâm sản xuất tại ASEAN, rõ ràng Việt Nam là một sự lựa chọn mang tính rất tự nhiên. Những cân nhắc về mặt kinh doanh như vậy cũng đều mang lại phản hồi rất tích cực đối với Việt Nam trong tương lai.
Các nhà đầu tư Bỉ và Hà Lan đang đề xuất triển khai dự án logistics cảng biển gần 1 tỷ USD tại Việt Nam, có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào với quan hệ hai bên?
Khoản đầu tư này là minh chứng về bước khởi đầu của việc các doanh nghiệp EU muốn trở thành một phần giải pháp mà nền kinh tế Việt Nam đang vướng phải. Trong trường hợp này, việc đề xuất triển khai dự án logistics cảng biển cũng là một xu hướng đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nhưng đồng thời, nền kinh tế tăng trưởng nhanh cũng đặt ra những yêu cầu nhất định về cơ sở hạ tầng. Những con đường, những bến cảng, sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế và logistics là một phần của quá trình này. Bởi nếu chúng ta có khả năng sản xuất rất nhiều sản phẩm tốt nhưng cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng nhu cầu để vận chuyển hàng hóa kịp giờ, cảng biển nước không đủ sâu hay những tàu container lớn không thể đi vào thì chúng ta cũng không thể bán hàng hóa ra thế giới.
Tôi nghĩ đây là yếu tố quan trọng, là liên kết tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới.
Lấy ví dụ về cảng nước sâu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, nếu chúng ta không có bến cảng, sân bay tốt hơn thì việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm sẽ không mang lại hiệu quả cao vì khâu logistics không được cải thiện.
Những khoản đầu tư từ EU rất quan trọng bởi quá trình bảo quản thực phẩm, dây chuyền đông lạnh… cần rất nhiều máy móc và tính cạnh tranh rất cao. Tất nhiên, điều này cũng giúp củng cố mối quan hệ giữa EU và Việt Nam.
Hợp tác về chuyển đổi số hay số hóa-một trong những ưu tiên hiện nay của EU cũng như của Chính phủ Việt Nam. Vậy EVFTA sẽ có tác động thế nào tới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai bên?
Chuyển đổi số hay số hóa hiện nay là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của Ủy ban Liên minh châu Âu mới đây. Như vậy, chúng tôi muốn hợp tác nhiều hơn nữa với các quốc gia trên thế giới, và khi nhìn thấy Việt Nam đặt chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi rất vui mừng.
Đại dịch đã đặt ra những yêu cầu nhất định trong công cuộc chuyển đổi số. Mọi người đều trở thành người tiêu dùng số, công dân số. Chúng ta tiếp nhận thông tin từ Chính phủ nhanh hơn. Ngay cả lúc này, chuyển đổi số cũng đang diễn ra, nên chúng ta phải nắm bắt nhanh cơ hội.
Một trong những mảng phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số đó là thương mại điện tử – một xu hướng tất yếu sẽ xảy ra.
EVFTA có thể ví như một dụng cụ giúp điều chỉnh quá trình chuyển đổi này. Ví dụ như những yêu cầu số hóa đối với các cơ quan thuế, hải quan… Vì vậy, tôi nghĩ rằng FTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho phép thương mại điện tử hay chuyển đổi số trong kinh tế diễn ra nhanh chóng hơn nữa.
Khi nhận nhiệm vụ Đại sứ, ông từng nói EU sẽ là một đối tác tiên phong trong vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường của Việt Nam. Cụ thể, phía EU sẽ có những hoạt động cụ thể nào, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Đúng vậy. Biến đổi khí hậu và các hoạt động liên quan đến môi trường hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của EU. Tôi cho rằng điều này rất cần thiết cho tương lai của tất cả nhân loại, không chỉ đối với Việt Nam. Tất nhiên, tại Việt Nam sẽ xảy ra những mâu thuẫn nhất định trong nền kinh tế bởi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Do vậy, vẫn tồn tại những vấn đề về môi trường như rác thải, phát triển không bền vững… Theo đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của EU hiện nay đó là đạt các thỏa thuận xanh. Thỏa thuận xanh ở đây là các thỏa thuận về các hoạt động kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.
Cách đây vài tháng, tôi cùng các đồng nghiệp của mình cũng có buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển, tư duy xanh ở Việt Nam.
Tư duy xanh có nghĩa là khi đưa ra kế hoạch về đầu tư, cần đảm bảo rằng đây là khoản đầu tư tích cực cho tương lai về mặt môi trường. Trong quá khứ, các nhà đầu tư vẫn chưa chú trọng nhiều đến yếu tố này.
Những năm qua, Việt Nam đã tập trung rất nhiều vào đầu tư năng lượng, dẫn đến năng lượng đã trở thành mối đe dọa lớn nhất hiện nay. Do vậy, việc tập trung vào năng lượng tái tạo, đảm bảo mọi người dân đếu có khả năng tiếp cận lưới điện là một vấn đề hết sức quan trọng. EU đang có xu hướng ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo ở những khu vực nông thôn hay đảo, những nơi khó tiếp cận với lưới điện.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì hiện nay, 99% dân số Việt Nam tiếp cận được với điện, và chúng ta đang nỗ lực để vươn tới con số 100%. Thực tế, việc đầu tư vào những khu vực nông thôn sẽ không mang lại hiệu quả lớn về kinh tế. Đây là lý do EU muốn hỗ trợ đầu tư, cũng như trong chính sách để mọi người dân đều có quyền tiếp cận lưới điện. Bản thân tôi cũng có cơ hội đi qua các tỉnh như Bình Định, Cao Bằng… để tìm hiểu và giúp các dự án được triển khai sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, hiện EU đang triển khai gói hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, với giá trị khoảng 250 triệu EUR. EU cũng đang thực hiện một số hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật cũng như soạn thảo các quy định về môi trường. Chúng tôi không thể dạy bất cứ điều gì cho bất kỳ ai, nhưng tôi tin rằng EU có rất nhiều mối quan tâm và kinh nghiệm để có thể chia sẻ với Việt Nam.
EU đang trong quá trình xây dựng chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam trong 7 năm tiếp theo, từ 2021 – 2027, trong đó vẫn ưu tiên cho lĩnh vực năng lượng. Điều này cũng rất phù hợp vì Việt Nam hiện nay đang nằm trong nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất về biến đổi khí hậu.
(Theo CF)