Đại hội XIII nên có ‘trường hợp đặc biệt’

09/10/2020 13:46

Trung ương thấy cần thiết phải có ‘trường hợp đặc biệt’. Đặc biệt tức là rất ít và rất cần thiết.

PGS. TS. Lê Quốc Lý

 

Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra bàn thảo nhiều nội dung rất hệ trọng, liên quan đến đường hướng phát triển của đất nước trong những năm tới. Một trong những nội dung đó là công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Quy trình chặt chẽ, rà soát nhiều lần

Theo quy định, quy trình giới thiệu nhân sự cho Đại hội phải qua 5 bước, trong khi trước đây chỉ cần 3 bước. Theo ông vì sao cần phải tiến hành chặt chẽ như vậy?

Từ trước đến nay quy trình để lựa chọn cán bộ là 3 bước. Thực tiễn cho thấy đã lựa chọn được những người có năng lực, có đạo đức và tâm huyết. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, bổ sung.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng chục trường hợp cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Điều đó chứng tỏ đã có những cán bộ có khuyết điểm, yếu kém năng lực, tha hóa lọt vào Trung ương.

Để tránh những hiện tượng như vậy, Đảng ta đã đề ra quy trình 5 bước. Bản chất sự khác nhau giữa 3 bước và 5 bước chính là mở rộng dân chủ hơn, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác hơn.

Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng ta làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan tới công tác cán bộ. Các quy trình này được thực hiện qua rất nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần. Và quá trình đó cũng chính là quá trình để sàng lọc, đánh giá lại cán bộ.

Những người có thể ban đầu được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó phát hiện ra những “tì vết”, những vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí thì có thể bị loại ra.

Trong quy trình 5 bước, Trung ương nhấn mạnh đầu tiên là phải chuẩn bị cho nhân sự tái cử với những ủy viên Trung ương khóa XII đủ điều kiện tái cử khóa XIII. Bước tiếp theo tính đến số nhân sự mới tham gia lần đầu. Và sau cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt”, xét xem có cần đặc biệt không và đặc biệt là thế nào.

Quy trình là chuẩn bị xong nhân sự cũng phải từ Trung ương rồi mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xong nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới chuẩn bị đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Cuối cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 cán bộ. Tỷ lệ này có hợp lý để đảm bảo có sự lựa chọn khi bầu, thưa ông?

Tỷ lệ này là hợp lý bởi khi giới thiệu ra để Đại hội lựa chọn thì bao giờ cũng phải có số dư. Theo kế hoạch Đại hội sẽ bầu ra 200 Ủy viên Trung ương nên số dư 27 người đủ để lựa chọn.

Nếu nếu giới thiệu quá nhiều, ví dụ khoảng 250 người thì có khi lại quá loãng và nhiều lúc phiếu lại bị phân tán, những người có năng lực có khi lại không trúng. Cho nên Trung ương đưa ra quy hoạch với số lượng 227 người tôi cho là khá hợp lý.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: NB

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối… Tuy nhiên, cũng không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vậy có thể hiểu nội dung này như thế nào, thưa ông?

Về việc cơ cấu cán bộ hợp lý rất quan trọng trong việc bảo đảm sự đoàn kết, sự hài hòa giữa vùng miền, giữa các dân tộc, các thành phần, địa bàn, lĩnh vực công tác.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”. Bởi yếu tố tiêu chuẩn mới là yếu tố quyết định cán bộ có đảm đương được công việc của Đảng, của dân hay không.

Đảm bảo cơ cấu quan trọng nhưng năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ mới là những yếu tố quyết định. Đảng ta đã có các quy định, quy chuẩn rất cụ thể về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp chiến lược, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định số 214-QĐ/TW đã quy định cụ thể về việc này.

Trong rất nhiều tiêu chí đánh giá, tôi cho rằng cần hết sức lưu ý một số tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn được nhân sự cấp chiến lược một cách hiệu quả.

Tiêu chuẩn đầu tiên đó là phải trung thành với Đảng, Nhà nước, có phẩm chất, tư tưởng chính trị vững vàng, có bản lĩnh cách mạng. Bởi nếu không có phẩm chất, tư tưởng vững vàng thì rất có thể bị dao động, bị lôi kéo, thậm chí “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nếu không có bản lĩnh cũng rất dễ bị sa ngã, bị mua chuộc.

Tiêu chuẩn thứ hai đó là phải thực sự có năng lực để giải quyết được công việc. Kinh nghiệm cũng đã chỉ ra rằng nếu chỉ có “nhiệt tình cách mạng” mà không có kiến thức, không có tài năng thì cũng khó có thể thực hiện được công việc.

Thứ ba, để nhân dân tin và làm theo, đồng thời người lãnh đạo có thể dẫn dắt được nhân dân thì đó phải là người có tâm. Cán bộ cấp chiến lược phải là người tận tâm với công việc, cống hiến vì nhân dân, đừng tư lợi cá nhân, đừng nghĩ tới “phần trăm” được hưởng mà phải nghĩ tới lợi ích của dân, của nước trước.

Mặt khác, trong thời đại hội nhập, chúng ta phải chọn những người có khả năng hành động, có hiểu biết, có tầm nhìn.

Vì sao cần có 3 độ tuổi?

Ở khóa trước, có tình trạng một số Ủy viên Trung ương sau khi được bầu một thời gian thì phát hiện sai phạm trong quá khứ, nhiều vị đã bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Để nhiệm kỳ này tránh được tình trạng đó, Đảng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát. Nếu làm tốt thì các trường hợp mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm trước đây sẽ không thể lọt được vào Trung ương.

PGS. TS. Lê Quốc Lý

Tại Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 – 60 và từ 61 tuổi trở lên). Vì sao cần phải cơ cấu 3 độ tuổi như vậy?

Trong Ban Chấp hành Trung ương, Trung ương xác định có một số dưới 50 tuổi (10 – 15%), số ít trên 60 tuổi (10%), còn số đông là 50 – 60 tuổi (75 – 80%).

Đây chính là lực lượng “sung sức” nhất. Có thể nói đối với các chính khách, lãnh đạo cấp cao, 50 – 60 tuổi chính là “thời gian vàng” khi họ tích lũy đủ kinh nghiệm, từng trải, chín chắn.

Trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có cơ cấu 3 độ tuổi. Một số dưới 60 tuổi, chiếm số đông là 60 – 65 tuổi. Còn trường hợp đặc biệt là trên 65 tuổi, số này chiếm rất ít.

Như vậy, cơ cấu 3 độ tuổi ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư cao hơn Ban Chấp hành Trung ương. Hơn nữa, số trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị là rất ít.

Cơ cấu độ tuổi được Trung ương đặt ra và thống nhất rất cao, nhằm bảo đảm sự kế thừa, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ. Việc có nhiều lớp cán bộ chênh nhau khoảng 5 tuổi sẽ đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng, nhất là với cán bộ cấp cao.

Việc cơ cấu 3 độ tuổi còn nhằm để cán bộ có điều kiện bổ sung cho nhau trong một tập thể. Ví dụ, trong tập thể lãnh đạo có người cao tuổi, có người vừa tuổi, có người ít tuổi. Mỗi lớp đều có thế mạnh riêng.

Ngoài cơ cấu độ tuổi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn đề cập đến “trường hợp đặc biệt”. Theo ông, tại sao cần có và cần hiểu thế nào về trường hợp đặc biệt?

Xuất phát từ quan điểm, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, nên Trung ương thấy cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt”. Đặc biệt tức là rất ít và rất cần thiết.

Ở kỳ Đại hội trước là trường hợp bầu Tổng Bí thư, đây là vị trí quyết định sự thành bại của cách mạng, sự vững bền của Đảng. Vị trí này cần những người phải thực sự tiêu biểu, là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh và các điều kiện Đảng đặt ra, đảm bảo cho Đảng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Đại hội XIII sắp tới tôi nghĩ là nên có “trường hợp đặc biệt”. Tuy nhiên cần lưu ý đã là “trường hợp đặc biệt” thì không nên nhiều, bởi sẽ dễ phá vỡ những quy định của Đảng.

Cảm ơn ông!

Phùng Đô/GT

Đọc nhiều