Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử

25/01/2021 14:16

Với chín ngày làm việc, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dành hơn một nửa thời gian cho công tác nhân sự, bầu cử. Phần còn lại là cho các vấn đề văn kiện, thủ tục.

Theo Chương trình làm việc được Đại hội XIII thông qua tại phiên trù bị sáng nay, 25-1, Đại hội XIII sẽ diễn ra trong chín ngày, bao gồm cả Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Nếu không kể chiều cuối cùng, thứ ba (2-2), mang tính dự phòng thì tổng cộng là 17 buổi làm việc.

Phần liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử chiếm nhiều thời gian nhất (9 buổi làm việc), gấp rưỡi thời lượng dành cho các nội dung về văn kiện, tức về đường lối, chủ trương lớn, được phân bổ trong hơn sáu buổi làm việc.

Phần thời gian còn lại dành cho các hoạt động mang tính thủ tục, như thông qua chương trình làm việc, bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, khai mạc, bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra mắt…

Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử - ảnh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng ba Ủy viên Bộ Chính trị gồm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bước vào phiên họp trù bị Đại hội XIII, sáng 25-1. Ảnh: ĐX

Tập trung, dân chủ tới từng chi tiết

Chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng với tính chất là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng chính trị duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, 5 năm hoạt động một lần, nên tương tự như các Đại hội Đảng toàn quốc trước đây, chương trình Đại hội XIII được tính toán kỹ tới từng chi tiết, xoay quanh hoạt động, tương tác của sáu nhóm chủ thể chính: Các đại biểu ở phiên họp toàn thể, các đại biểu trong hoạt động tại đoàn, các trưởng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Kiểm phiếu.

Toàn bộ chương trình Đại hội được thiết kế để diễn ra với sự tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc cốt lõi trong tổ chức, hoạt động của Đảng – nguyên tắc tập trung, dân chủ

Từng đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc không chỉ đại diện cho đảng bộ trực thuộc trung ương nơi mình được bầu ra mà còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 5,1 triệu đảng viên trên cả nước.

Vậy nên, về nguyên tắc, mọi ý kiến của đại biểu, dù về nội dung văn kiện, đường lối, chủ trương lớn của Đảng 5-10 năm tới, hay công tác nhân sự… thì đều phải được tổng hợp, chuyển tải đầy đủ, trung thực tới Đoàn Chủ tịch. Và ngược lại, Đoàn Chủ tịch phải tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục tới từng đại biểu.

Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử - ảnh 2
Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử - ảnh 3
Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử - ảnh 4
Ba Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính trình bày dự thảo chương trình làm việc, quy chế Đại hội, quy chế bầu cử Đại hội XIII… Ảnh: ĐX

Để mọi việc diễn ra trôi chảy, chính xác, hiệu quả, các trưởng đoàn – được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý tới trong nhiều cuộc họp, trong đó có Hội nghị Cán bộ toàn quốc toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm, hồi tháng 11-2020, có vai trò đặc biệt quan trọng.

Bởi cùng với Đoàn Thư ký, các trưởng đoàn được giao trọng trách làm cầu nối trực tiếp chuyển tải ý kiến các đại biểu ở đoàn mình tới Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch trên cơ sở báo cáo từ các đầu mối thông tin thì thảo luận, thống nhất các báo cáo, giải trình. Và rồi chính các trưởng đoàn tiếp nhận, phổ biến trở lại các ý kiến ấy tới đại biểu.

Không chỉ vậy, trưởng đoàn còn có trách nhiệm quản lý hoạt động của các đại biểu trong suốt thời gian Đại hội, theo đúng nội quy sinh hoạt, quy chế Đại hội XIII, để các đại biểu phát huy trí tuệ, độc lập thực hiện trọng trách qua từng ý kiến, từng lá phiếu của mình.

Cũng như các Đại hội toàn quốc trước đây, đại biểu Đại hội XIII có hai không gian làm việc, trao đổi, bày tỏ ý kiến: Hội trường lớn (Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình) nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của gần 1.590 đại biểu và phòng họp riêng của từng đoàn.

Chia sẻ với PLO, một số vị nguyên là cán bộ cao cấp, từng 1-2 lần là đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc cho biết nếu việc tiếp nhận, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tổng hợp từ các cuộc họp phạm vi 20-30 đại biểu mỗi đoàn mà tốt thì tới phiên họp toàn thể của cả ngàn đại biểu sẽ suôn sẻ, thuận lợi.

Đại hội XIII, hơn nửa thời gian dành cho công tác bầu cử - ảnh 5
Việc biểu quyết thông qua các chương trình, quy chế Đại hội XIII được thực hiện bằng giơ thẻ đảng viên. Ảnh: ĐX

Thứ tự bầu cử từ Ban Chấp hành Trung ương tới Bộ Chính trị…

Theo chương trình làm việc, ở ngày làm đầu tiên, hôm nay (25-1) sau phiên trù bị, các đại biểu tự nghiên cứu các văn kiện Đại hội XIII tại đoàn để chuẩn bị cho thảo luận tại đoàn chiều 26-1, tại hội trường cả ngày 27-1, và sáng hôm sau.

Nội dung về công tác nhân sự, bầu cử bắt đầu từ chiều 28-1, kết hợp giữa họp ở phạm vi toàn thể tại hội trường và hẹp tại đoàn. Nếu mọi việc diễn ra bình thường, sáng Chủ nhật (31-1), Đại hội sẽ bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, và buổi chiều sẽ kết quả sẽ được công bố.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII diễn ra tại Hội trường Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội, thứ hai (1-2) cũng là một phần của Đại hội Đảng toàn quốc. Hội nghị sẽ bầu lần lượt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Trong thời gian Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII mở Hội nghị lần thứ nhất, các đại biểu Đại hội XIII nghỉ ngơi, để sáng 2-2 sẽ phiên họp toàn thể tại hội trường.

Đây là phiên họp cuối cùng của Đại hội XIII, với nội dung chính là nghe báo cáo kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ nhất và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra mắt. Các đại biểu sẽ biểu quyết bằng Thẻ đảng viên thông qua Nghị quyết Đại hội XIII, sau đó Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đọc diễn văn bế mạc.

NGHĨA NHÂN/PLO

Đọc nhiều