419
category
419785

Đại hội Đảng có dân chủ hay không?

Diệu Hương 12/08/2020 17:10

Những ngày qua, khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hơn các bài viết của các thế lực thù địch, phản động và cá nhân chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị thường xuyên tạc về việc thực hiện dân chủ trong Đảng. Mà cụ thể là trong công tác chuẩn bị Đại hội và trong Đại hội Đảng các cấp.

Vậy bầu cử Đại hội Đảng các cấp tại Việt Nam có thực sự dân chủ?

Bầu cử là quá trình lựa chọn và đưa ra quyết định của cá nhân có quyền bầu cử theo luật định để chọn ra người có đủ năng lực tham gia vào ban lãnh đạo hoặc vị trí lãnh đạo ở các cấp. Tại Việt Nam, bầu cử là một định chế quan trọng của dân chủ, nền tảng hợp pháp để hình thành các chức danh, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị. Việc bầu cử trong Đảng ta cũng được quy định rất cụ thể, rõ ràng trong Điều lệ của Đảng cùng các quy định, hướng dẫn liên quan và đều được phổ biến, quán triệt đến từng đảng viên.

Việc bầu cử đã góp phần trực tiếp quan trọng vào thành công của Đại hội Đảng các cấp. Thế nhưng vì những mưu đồ đen tối, các thế lực thù địch luôn ra sức phủ nhận, bóp méo sự thật đó, rồi xuyên tạc rằng cách thức tiến hành bầu cử ở Việt Nam là dân chủ hình thức. Chúng còn kêu gọi thay đổi cách thức bầu cử bằng cách chia các cơ sở Đảng thành các đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị chỉ bầu một người và bắt buộc phải có đại biểu tự ứng cử. Đây là những luận điệu đi ngược với quy chế bầu cử của Đảng ta.

Không chỉ ra sức xuyên tạc nhằm hạ thấp tầm quan trọng trong công tác bầu cử nói chung và công tác lựa chọn đội ngũ cán bộ nói riêng trong các kỳ Đại hội của Đảng. Mà mới đây khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các phần tử cơ hội chính trị ngay lập tức đưa ra cái gọi là trao đổi, tổng hợp, phỏng vấn để suy diễn rằng, chúng ta hô hào đổi mới, nhưng bầu cử thì vẫn theo cách cũ, nên không có nhân sự tốt. Thực chất suy diễn của chúng là nhằm mục tiêu làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào công tác cán bộ của Đảng.

Cùng với Điều lệ Đảng và quy chế bầu cử trong Đảng được áp dụng thống nhất từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương, bảo đảm cho các kỳ Đại hội luôn chọn được những người cán bộ đủ đức, đủ tài để chung tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tới bến bờ thắng lợi.

Chúng ta còn có Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc mỗi đảng viên, mỗi công dân bầu những người ưu tú, đại diện tiếng nói cho mình là kết quả của quá trình lựa chọn trong cả nhiệm kỳ; là việc xem xét toàn diện phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức của cá nhân đó và kết quả xem xét chính là kết quả bầu cử thông qua lá phiếu của sự tin tưởng.

Chế độ bầu cử là nền tảng của nền dân chủ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc kiến tạo chế độ dân chủ. Kết quả bầu cử tập trung cũng có nghĩa là tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội có tính thống nhất cao. Nền tảng dân chủ này đã được duy trì suốt 90 năm thành lập của Đảng ta và 74 năm thành lập Quốc hội. Điều đó sẽ không thể thay đổi bởi bất cứ luận điệu thiếu thiện chí nào mà các phần tử cơ hội, phản động, đang cố tình rêu rao.

Không chỉ xuyên tạc dân chủ trong bầu cử, mà công tác giới thiệu, lựa chọn cán bộ cũng bị xuyên tạc về tính dân chủ.

Luận điệu công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, luôn được các thế lực thù địch rêu rao, lặp đi lặp lại mỗi kỳ Đại hội. Chúng ngụy tạo rằng các Đại biểu tham dự Đại hội XIII sẽ chỉ còn có việc giơ tay biểu quyết, đồng ý mà không thể có ý kiến gì khác vì mọi chuyện đã an bài.

Khi việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ được thực hiện kỹ lưỡng, đi kèm với đó là cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, thì ngay lập tức lại xuất hiện luận điệu xuyên tạc rằng công tác nhân sự chỉ là tên gọi, chứ thực ra là nhằm thanh trừng bè phái, đấu đá nội bộ.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác chứng tỏ Việt Nam không hề có vùng cấm.

Công tác nhân sự của ta được thực hiện qua quy trình 5 bước một cách chặt chẽ, dân chủ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ, chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ, nên không có chuyện chỉ định hay sự đã rồi.

Đại hội Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, hội tụ trí tuệ và bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phát huy được trí tuệ nhân dân qua đóng góp các ý kiến dự thảo văn kiện là cần thiết, song cũng cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nhằm ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn xấu độc, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt lõi của Đảng ta và làm thế nào để phát huy tối đa dân chủ luôn là mục tiêu mà Đảng hướng đến. Điều này đã được minh chứng trên thực tế và được đông đảo đảng viên, nhân dân cả nước ghi nhận. Một vài thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc không thể phủ nhận sạch trơn thực tế đó. Điều cần làm lúc này là toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết một lòng lựa chọn những người có đức, có tài, đủ tâm và tầm để xứng đáng với mong mỏi, kỳ vọng của đảng viên, nhân dân cả nước.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều