Đại gia ngoại thò tay thâu tóm nguồn nước sạch Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh
Chuyện nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải, nước sông Đuống đề xuất giá nước hơn 10.000/khối… khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Việc kiểm soát an toàn nguồn nước, quản lý đầu tư và chuyển nhượng vốn trong lĩnh vực này cũng đang được đặt ra.
Nước ngoài thâu tóm nguồn nước sạch Việt
Chỉ một thời gian ngắn sau khi phía Thái Lan công bố thông tin doanh nghiệp nước này chi hơn 2 ngàn tỷ đồng mua 34% cổ phần của CTCP Nước mặt Sông Đuống (SDWTP), hôm 5/11, công ty này đã công bố thông tin thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, người đại diện pháp luật của CTCP Nước mặt Sông Đuống (Nước sông Đuống) mới là ông Tạ Đức Hoàng, với vai trò vừa là tổng giám đốc (TGĐ) và là thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong ban lãnh đạo của Nước mặt Sông Đuống có thêm 4 người nước ngoài đến từ Thái Lan, trong đó có 3 đại diện thành viên HĐQT là ông Wisate Chungwatana (1967), ông Viva Jiratikarnsakul (1956), bà Jareeporn Jarukornsakul (1967) và một đại diện trong ban kiểm soát là ông Natthapatt Tanboon-ek (1975).
Thông tin trong báo cáo thay đổi cũng ghi nhận vốn nước ngoài trong doanh nghiệp chiếm 34% giống như thông báo của Sở GDCK Thái Lan và thông tin từ CTCP nước Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đưa ra trước đó.
Tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn của Nước mặt Sông Đuống là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) (SG) 2DR PTE. Limited, một công ty con của CTCP đại chúng điện và nước WHA (WHA), thuộc sở hữu của bà Jareeporn Jarukornsakul) của Thái Lan.
WHAUP được biết đến là thuộc sở hữu của bà Jareeporn, trong thương vụ mua bán với ông Đỗ Tất Thắng, cổ đông của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Lĩnh vực nước sạch Việt Nam trong cả thập kỷ qua đã là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Vào năm 2010, Manila Water, một công ty con của tập đoàn hàng đầu Phillipines Ayala đã thành lập Manila Water Asia Pacific Pte. Ltd. MWAP (Manila Water nắm giữ 100% vốn) với trụ sở vùng đặt ở Singapore cho mục đích nắm giữ các khoản đầu tư trong khu vực.
Trong vòng 2 năm sau đó, Manila Water đã thành lập 3 thực thể tại Singapore, gồm: Manila Water South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWSAH), Thu Duc Water Holdings Pte. Ltd. (TDWH), và Kenh Dong Water Holdings Pte. Ltd (KDWH). MWAP nắm giữ 100% vốn của 3 công ty này.
MWAP hiện cũng nắm giữ cổ phần lớn (38%) tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII), Cu Chi Water Supply Sewerage Company, Ltd. (Nước Củ Chi) và một số công ty khác cũng liên quan tới lĩnh vực này tại Việt Nam.
Vào tháng 8/2011, Thu Duc Water Holdings Pte. Ltd. TDWH (của Manila Water) đã thâu tóm 49% cổ phần tại CTCP B.O.O nước Thủ Đức (Thu Duc Water B.O.O. Corporation), đơn vị cung cấp gần 20% lượng nước cho TP.HCM. Đây là doanh nghiệp cung ứng nước bán sỉ, với nhà máy lớn thứ hai tại TP.HCM, chỉ xếp sau CTCP Cấp nước Thủ Đức TDW (Thu Duc Water), một công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Thu Duc Water B.O.O. có hợp đồng cung cấp nước cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) với công suất 300 triệu lít mỗi ngày.
An ninh nguồn nước và vài trò của Nhà nước?
Vào tháng 7/2012, Kenh Dong Water Holdings Pte. Ltd. KDWH (100% vốn của Manila Water) cũng đã thâu tóm 47,35% cổ phần tại CTCP cấp nước Kênh Đông (Kenh Dong Water Supply and Joint Stock Company WASS. Kênh Đông cũng là một doanh nghiệp cung cấp nước bán sỉ tại TP.HCM, có nhà máy đặt tại huyện Củ Chi, công suất 200 triệu lít mỗi ngày, chuyên cung cấp nước cho phía Nam của thành phố.
Tới tháng 10/2019, Manila Water South Asia Holdings Pte. Ltd. (MWSAH) thâu tóm 31,47% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn Saigon Water Infrastructure Corporation (SII) và tính tới cuối tháng 4/2019 tỷ lệ sở hữu của MWSAH đã tăng lên 38%.
MWAP cũng mua 24,5% cổ phần tại Cu Chi Water Supply Sewerage Company, Ltd.
Không chỉ Manila Water, trong các công ty ngành nước ở phía Nam, giới đầu tư cũng ghi nhận một cái tên khá quen thuộc: VIAC (No.1) Limited Partnership. Đây chính là cái tên có mặt trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016 (với 27%) của CTCP Nước mặt Sông Đuống.
VIAC (No.1) Limited Partnership hiện nắm giữ 10,9% cổ phần tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) và nắm giữ 10,17% cổ phần CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII), một doanh nghiệp nắm giữ một phần đáng kể hệ thống nước tại TP.HCM.
CII cũng chính là đơn vị đã bán vốn cổ phần tại một số doanh nghiệp ngành nước phía Nam cho Manila Water.
Mối quan hệ giữa Manila Water với CII và SII khá phức tạp. Bên cạnh việc bán lại cổ phần cho Manila Water, CII còn tiến hành nắm sở hữu chéo nhiều công ty, trong đó có cả SII.
Động thái thâu tóm doanh nghiệp ngành nước của Tập đoàn Ayala của Phillipines vài năm trước đây hay của bà trùm người Thái tại Nước mặt Sông Đuống gần đây cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài đang bước sâu hơn vào ngành nước của Việt Nam, qua đó cho thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, sau những ồn ào dư luận gần đây về nước sạch sông Đà và Nước sông Đuống thì vấn đề cổ phần được chuyển nhượng cho các đối tác ngoại… cũng đã được đặt ra khi nó liên quan đến cuộc sống thiết yếu hàng ngày của hàng triệu người dân tại cả Hà Nội và TP.HCM.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quốc hội đề cập tới khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Vấn đề được đặt ra là việc kinh doanh mặt hàng nước sạch có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, sức khỏe con người và an ninh nguồn nước đã được quản lý tốt chưa từ chất lượng nước cho tới giá cả, nguồn vốn đầu tư, chủ đầu tư thực sự là ai, rồi việc chuyển nhượng vốn.
Vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là việc kinh doanh nước sạch cần phải được quản lý chặt chẽ hơn, có đề xuất nên đưa ngành này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để kiểm soát đối tượng đầu tư, chất lượng và giá thành sản phẩm?
H. Tú
(Theo Vietnamnet)