“Đại đức” vứt áo cà sa về làm “đại gia”?
Cần có những quy định chặt chẽ của luật pháp và Giáo hội, không để những kẻ cơ hội, đội lốt nhà sư khi lọt vào nơi cửa Phật lấy đó là chỗ dễ dàng trục lợi, làm tiền…
Đại đức Thích Thanh Toàn- trụ trì chùa Nga Hoàng, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc- người làm dậy sóng dư luận với lời cáo buộc “gạ tình” nữ phóng viên, đã gửi tới Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc tờ trình xin xả giới và hoàn tục. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho nhà sư Thích Thanh Toàn được hoàn tục, bãi miễn chức trụ trì chùa Nga Hoàng. Đáng chú ý, ngoài việc xin xả giới và hoàn tục, sư Toàn còn xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ do mình mang tên chủ sở hữu.
Khi đến cửa chùa, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mà không hề bận tâm, tính toán để công đức, giải hạn… Tuy nhiên, có không ít ngôi chùa đã lợi dụng sự tín ngưỡng của mọi người, biến nơi tâm linh thành chỗ để kinh doanh, buôn thần bán thánh, trục lợi lòng tin, mà mới đây nhất là sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).
Có những chùa mà theo ước tính của nhiều người, chỉ trong mỗi dịp cúng dâng sao giải hạn đầu năm mới, có thể có doanh thu lên đến vài trăm tỷ. Mà quả thật, không khó khăn để kiểm tính khi mỗi ngày có đến hàng ngàn, thậm chí cao điểm cả vạn người đến nộp tiền dâng sao giải hạn, cầu an cho gia đình, với giá trung bình mỗi sao xấu 150.000 đồng/sao, cầu an 150.000-300.000 đồng/nhà, một nhà có một vài sao xấu và cúng cầu an, tính sơ sơ cũng nộp vào chùa từ 500.000-1.000.000 đồng.
Lâu nay, doanh thu trong nhà chùa được dư luận quan tâm và tranh luận. Đây là con số khó đo đếm cũng như việc sử dụng và quản lý tài sản trong chùa, nhất là những tài sản như phát sinh.
Cách đây vài năm, đã từng xảy ra chuyện tranh chấp đến mức phải mang nhau ra Tòa ở TP Hồ Chí Minh. Khi sư trụ trì một ngôi chùa ở đây viên tịch, để lại khối tài sản 140.000 USD dưới hình thức là các cuốn sổ tiết kiệm đứng tên người này. Ban đại diện Phật giáo thì cho rằng, đây là tài sản của chùa, còn người thân của vị trụ trì này thì nói đó là tài sản riêng của trụ trì và yêu cầu chia thừa kế.
Trở lại câu chuyện của ông Thích Thanh Toàn, người đã từng trụ trì chùa Nga Hoàng, sau khi xin xả giới và hoàn tục, ông này xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ do mình mang tên chủ sở hữu.
Trong trả lời báo chí, Đại đức Thích Tâm Vượng – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo quy định của Giáo hội thì tất cả các giáo sản thuộc tài sản của Giáo hội như đất cát của cơ sở tôn giáo, các tài sản vật chất trên đất đai của Giáo hội như nhà cửa, tượng, hương mõ… thì là tài sản của Giáo hội. Còn những tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Toàn, ví dụ như tài sản do Phật tử hay tập đoàn nào đó biếu riêng cho sư Toàn, như cái xe chẳng hạn, sư Toàn đăng ký sở hữu bằng tên của mình thì đó là tài sản cá nhân và sư Toàn được phép giữ lại.
Theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được Hoàn thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ban hành vào ngày 18/9/2018, gồm 15 chương, 85 điều. Trong đó điều Điều 29 về Định đoạt tài sản Tự viện quy định: “Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện; Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện; Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện; Các tài sản khác do cá nhân Trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này”.
Điều này có nghĩa, nếu ông Toàn chứng minh được những tài sản cá nhân là do ông ta sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng thì nghiễm nhiên là tài sản của ông Toàn. Xét dưới góc độ quy định của Giáo hội, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng rõ ràng những quy định này đang có những kẽ hở tạo điều kiện cho những kẻ xấu mang danh nhà sư có thể dễ dàng trục lợi.
Trước hết, với khoản doanh thu không đo đếm được ở các ngôi chùa hiện nay, nếu may mắn ngôi chùa nào có trụ trì là những người chân tu, một lòng phục vụ đạo pháp, thì không có gì đáng lo ngại.
Nhưng nếu ở những ngôi chùa để lọt vào kẻ đội lốt nhà tu hành, đi tu chỉ để trục lợi, vơ vét cho bản thân thì những khoản tiền cúng dường, công đức trong chùa sẽ như thế nào?
Trụ trì là người đại diện cho một ngôi chùa, họ có thể tự quyết mọi hoạt động, trong đó có các khoản thu chi trong chùa. Họ cũng là người đại diện về mặt pháp lý khi đứng tên để sở hữu những tài sản như tiền, đất đai mà chùa mua được. Những tài sản này, thực chất, là tài sản chung của chùa chứ không riêng cá nhân ai.
Cùng với đó, nếu các khoản cúng dường, biếu, tặng… của các tập đoàn, doanh nghiệp có biếu trụ trì, thì thực ra, trụ trì chỉ là người đại diện cho ngôi chùa để đứng ra nhận. Là nhà sư, điều này phải được quán chiếu hơn ai hết.
Theo giáo lý nhà Phật, những người đã theo con đường tu hành là không màng đến danh lợi, tiền bạc, họ quan niệm ngoài tấm thân nương nhờ cửa Phật, họ không có và không cần bất cứ tài sản gì.
Vậy một khi nơi cửa Phật đã lọt vào những kẻ cơ hội, nếu không có những quy định rõ ràng, thì đây chính là chỗ để họ kiếm tiền, kinh doanh một cách dễ dàng nhất, mà không bị (hoặc ít bị) ràng buộc bởi những quy định của pháp luật.
Đối với ông Toàn, cần xác định rõ những tài sản ông ta đứng tên sở hữu có được trong thời điểm nào. Nếu trong thời gian ông này tu hành, thì những tài sản này dù là ông ta được cho, biếu, tặng hay dùng tiền cá nhân để mua bán, trao đổi thì cũng cần xác định rõ những nguồn này ở đâu, do đâu mà có.
Ông Toàn và một số vụ tranh chấp tài sản trong chùa trong thời gian qua chỉ là những câu chuyện manh tính điển hình, nhưng để quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lấy lại được sự trang nghiêm nơi cửa Phật, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc quản lý chi tiêu, công đức trong các ngôi chùa cũng như việc sở hữu tài sản của các cá nhân trong thời gian tu hành; đồng thời xử nghiêm theo pháp luật các hành vi sai phạm.
Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần có những bổ sung, sửa đổi những quy định trong Hiến chương và Nội quy của Giáo hội để phù hợp với tình hình thực tế.
Có như vậy, mới tránh được những kẻ đã, đang và sẽ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để biến cửa Phật thành nơi buôn thần bán thánh, trục lợi cho bản thân và gia đình.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022)
Điều 27. Quản lý tài sản Tự viện
1) Tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất.
2) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.
3) Quyền định đoạt tài sản Tự viện do Giáo hội nắm giữ.
Điều 28. Sử dụng tài sản Tự viện
1) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với Tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của Tăng Ni; phục vụ lợi ích chung của Giáo hội và cộng đồng xã hội.
2) Không được sử dụng tài sản Tự viện vào việc lợi ích cá nhân.
(Theo VOV)