439
category
327973

Đại đức Thích Thanh Toàn giờ là Lê Hữu Long

08/10/2019 14:14

Ông Lê Hữu Long có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Liên quan tới câu chuyện đang gây bức xúc dư luận: ngày 5-10, đại đức Thích Thanh Toàn đã xin giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân sau khi xả giới hoàn tục, đại diện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch nói bộ ‘không có thẩm quyền trong việc này’.

Đại đức Thích Thanh Toàn đã chính thức được bãi nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng và được chấp thuận xả giới hoàn tục chiều 7-10.
Đại đức Thích Thanh Toàn đã chính thức được bãi nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng và được chấp thuận xả giới hoàn tục chiều 7-10.

Ông Nguyễn Thái Bình – người phát ngôn Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch – đã khẳng định thông tin trên tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch diễn ra sáng nay 8-10 tại Hà Nội.

Chính thức bãi nhiệm đại đức Thích Thanh Toàn

Liên quan tới câu chuyện này, sáng nay, đại đức Thích Tâm Vượng – phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết, chiều 7-10, hoà thượng Thích Thanh Duệ, trưởng Ban Trị sự, trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với đại đức Thích Thanh Toàn.

Đồng thời, quyết định cho đại đức Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, sinh năm 1976, quê Quảng Trị) xả giới hoàn tục và giao cho Ban Tăng sự thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục theo Luật Phật; thu hồi các giấy tờ do giáo hội cấp.

Đại đức Thích Thanh Toàn – tức ông Lê Hữu Long – có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiếp nhận và quản lý các tài sản hợp pháp cơ sở tôn giáo chùa Nga Hoàng khi Đại đức Thích Thanh Toàn bàn giao có sự chứng kiến, tham dự của các cấp chính quyền.

Trang trại 200-300 tỉ sẽ phải trả cho ông Long?

Liên quan đến tài sản cá nhân mà ông Lê Hữu Long (sư Toàn) xin được giữ sau khi xả giới hoàn tục, ông Nguyễn Thái Bình nói, đây “hoàn toàn là tài sản do xã hội và Ban Tôn giáo chính phủ sẽ điều chỉnh chứ Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch không có thẩm quyền trong việc này”.

Về quy chế quản lý tiền công đức tại các nhà chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo… làm sao để công khai minh bạch và không để xảy ra tình huống như với ông Lê Hữu Long – hiện khiến dư luận xã hội rất bức xúc – ông Nguyễn Thái Bình nói Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tham mưu ban hành văn bản quy định về sử dụng tiền ông đức các cơ sở tôn giáo, nên Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch hoàn toàn không có thẩm quyền nói về việc xin giữ tài sản của ông Lê Hữu Long.

Trước đó, đại đức Thích Tâm Vượng khẳng định Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với thỉnh nguyện của ông Lê Hữu Long xin được giữ lại tài sản mà ông đứng tên chủ sở hữu vì quyền sở hữu này đang được pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Đại đức Thích Tâm Vượng nói dù dư luận bức xúc nhưng phải làm theo pháp luật.

“Nếu giáo hội Phật giáo Vĩnh Phúc muốn giữ lại tài sản này cho nhà chùa và cộng đồng thì có thể dẫn đến tình trạng ông Lê Hữu Long sẽ gửi đơn kiện và cuối cùng vẫn phải làm theo pháp luật. Trả lại tài sản thuộc sở hữu của thầy Toàn”, đại đức Thích Tâm Vượng nói.

Một clip lan truyền trên mạng cho thấy trong cuộc họp chiều 5-10 giữa sư Toàn và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, sư Toàn cho biết trang trại, đất đai hiện đang mang tên ông trị giá tới 200-300 tỉ đồng.

Sư trụ trì chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu

Bình luận về điểm không gặp gỡ giữa pháp luật và ý kiến xã hội liên quan đến chuyện giải quyết khối tài sản của ông Lê Hữu Long khi còn làm trụ trì chùa Nga Hoàng, ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – nói với PV, câu chuyện này cho thấy pháp luật của chúng ta đang có lỗ hổng.

Theo ông Đồng, pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản nên trong các giao dịch mua bán tài sản thì buộc phải có cá nhân là vị sư trụ trì đứng tên sở hữu.

Trong khi đó, người đi tu thì phải phục vụ cho chùa và cộng đồng, và ông sư trụ trì, giống như một giám đốc trong một công ty chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu.

Hồng Anh (tổng hợp)

Tags :
Đọc nhiều