Đại dự án 32 nghìn tỷ, nếu thành đống sắt vụn thì đau xót vô cùng
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%. Nhưng dự án đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ do thiếu tiền.
Đã rót 32 nghìn tỷ
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%, nhưng đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ. Dự án do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu.
Báo cáo mới nhất của Ban quản lý điện lực dầu khí Thái Bình 2 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho thấy, tính đến 30/6/2019, giá trị giải ngân từ khi khởi công của nhiệt điện Thái Bình 2 là hơn 32,6 nghìn tỷ đồng, đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.
Dự án dự kiến hoàn thành mốc đốt dầu tổ máy số 1 vào 22/8/2019 và tổ máy số 2 vào 11/12/2019. Còn mốc đốt than tổ máy 1 là ngày 26/9/2019 và tổ máy 2 là 20/2/2020. Cuối năm 2020, dự án dự kiến sẽ hoàn thành.
Nhưng đó là tiến độ nếu dòng vốn cho dự án được khơi thông. Còn hiện tại, dự án này vẫn đang bị thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, phó Trưởng ban quản lý dự án, cho biết: Đối với phần vốn vay nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng vay đã ký là hơn 937 triệu USD và đã giải ngân được trên 610 triệu USD. Đến nay, việc gia hạn thời gian giải ngân đối với các hợp đồng vay nước ngoài chưa được Bộ Tài chính đồng ý. Hiện Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang cùng các bên cho vay đang trong quá trình xem xét, phê duyệt nội bộ để tiếp tục gia hạn giải ngân.
“Đối với phần vốn vay trong nước, hiện nay các ngân hàng vẫn chưa thu xếp vốn vay cho dự án”, đại diện nhiệt điện Thái Bình 2 chia sẻ.
Trước tình hình đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải có văn bản gửi Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Đến nay, điều này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), cho rằng: Hiện nay vấn đề của dự án chỉ có là tiền và cơ chế. Một là cần có nguồn tiền. Hai là làm sao để giải ngân được, đưa dự án về đích.
Ông Bùi Sơn Trường, Giám đốc ban điều hành dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đại diện tổng thầu PVC, cho hay: Nếu giải quyết được vấn đề tiền và cơ chế thì chúng ta không bị lãng phí 32 nghìn tỷ đã bỏ ra. Còn nếu tiền về chậm, chứ chưa nói đến chuyện không bỏ tiền nữa, thì chậm ngày nào phát sinh thêm chi phí ngày đó.
Ông Bùi Sơn Trường chia sẻ: Tiến độ dự án kéo dài thì chi phí cho bộ máy ban điều hành cũng tăng lên. Mỗi tháng chi phí cho ban điều hành, từ lương đến bảo vệ, điện nước, xe cứu hỏa, cứu thương,… tốn khoảng 3,5 tỷ đồng/tháng. Đó là những chi phí bất biến để duy trì bộ máy. Như vậy, chậm tiến độ 1 năm phải bỏ ra thêm hơn 40 tỷ đồng. Nếu chậm tiến độ 2 năm thì riêng số tiền này đã lên đến 80 tỷ.
Chuyện gì xảy ra nếu dừng dự án?
Ông Bùi Sơn Trường cho biết: Theo tính toán của chúng tôi về các chi phí cần thiết thực hiện dự án, dự án cần 1.000 tỷ để tiến vào giai đoạn đốt dầu và khoảng hơn 2.500 tỷ nữa để tiến vào giai đoạn đốt than.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các điều kiện thanh toán giải ngân trong nội bộ hợp đồng giữa bên A và bên B, hai là cơ chế giải pháp từ các bộ ban ngành và Chính phủ. Về phía tổng thầu, nếu không có những khoản như vậy chúng tôi không hoàn thành được dự án. Còn những hệ lụy tiếp sau đó, ở vai trò tổng thầu chúng tôi cũng chưa đánh giá hết được”, ông Bùi Sơn Trường đánh giá.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN, cho rằng: Nếu dừng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 thì tất cả chi phí chúng ta bỏ ra không thu hồi được. Hơn 30 ngàn tỷ đã giải ngân là giá trị sổ sách. Còn tính giá trị thực tế khi đang dở dang, là đống sắt vụn thì giá trị giảm… Đó là chưa nói lấy nguồn thu nào để trả nợ vay dự án.
“Dự án đó dù chậm, nhưng nếu không đi vào vận hành được thì trước tình hình cả nước sau 2020 thiếu điện, nguồn nào thay thế 1.200 MW đó. Đó là câu hỏi phải suy nghĩ”, ông Đinh Văn Sơn nói.
Ngoài ra, ông Đinh Văn Sơn cũng lo ngại các vấn đề về an ninh trật tự, xã hội khi dự án dừng lại. Bởi các nhà thầu phụ bị nợ tiền thi công sẽ có những phản ứng gay gắt.
Ông Bùi Sơn Trường, Giám đốc ban điều hành dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chia sẻ: “Dự án này là tài sản, là của nhân dân, của đất nước. Nếu để nó thành đống sắt vụn thì đau xót vô cùng”.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 cơ bản đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị, tuy nhiên còn một số công việc vẫn chưa kết thúc. Nhiều thiết bị chưa đưa vào lắp đặt/chạy thử. Việc dự án kéo dài dẫn đến một số chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện và không có cơ sở để chủ đầu tư chấp thuận như chi phí khắc phục, bảo dưỡng hư hại vật tư, thiết bị; chi phí bảo quản do kéo dài tiến độ.
(Theo Vietnamnet)