Đại dịch Covid-19 đặt “dấu chấm hết” cho quan hệ hợp tác Mỹ-Trung?
Đại dịch Covid-19 khiến khoảng 250.000 người tử vong trên toàn cầu, khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng vào năm 1929, có thể làm thay đổi vị thế địa chính trị toàn cầu.
Báo Nhật Bản Japan Times gần đây đăng bài xã luận đánh giá quan hệ Mỹ-Trung sau đại dịch Covid-19 của chuyên gia Mixin Pei từ Đại học Claremont McKenna, Mỹ.
Chuyên gia Pei cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng có một điều chắc chắn rằng triển vọng bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên xa vời, thậm chí làm tăng sự ngờ vực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngay cả trước đại dịch, quan hệ Mỹ-Trung đã rơi vào trạng thái “hấp hối”, theo chuyên gia Pei. Covid-19 giống như một hồi chuông báo hiệu sự chấm dứt của quan hệ hợp tác Mỹ-Trung.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc đóng băng và sự minh bạch của Bắc Kinh liên quan đến Covid-19 là hai vấn đề làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung, theo chuyên gia Pei.
Lần đầu tiên, người Mỹ cảm thấy tính mạng của họ bị đe dọa ở chính quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Harris Poll, khoảng 70% người Mỹ tin rằng Trung Quốc đã cung cấp thông tin sai lệch về đại dịch, hơn 75% cho rằng chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Về vấn đề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, trước đại dịch, người Mỹ chỉ tập trung vào cán cân thương mại chênh lệch và vấn đề việc làm. Giờ đây, người Mỹ nhận ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vấn đề sản xuất khẩu trang, máy thở và đồ bảo hộ (PPE) để lộ điểm yếu nghiêm trọng trong vấn đề an ninh quốc gia.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng đàm phán với Trung Quốc không còn là ưu tiên hàng đầu, nhường chỗ cho những nghi vấn xung quanh việc virus Corona bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Nhiều người Mỹ cũng đồng tình với ông Trump, khi có hơn 50% số người tham gia khảo sát của Harris Poll, cho rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Những quan điểm như vậy có thể phản ánh phần nào mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung trong thời gian tới, theo chuyên gia Pei.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã để ngỏ khả năng mở rộng cấm vận kinh tế, ngăn chặn hoạt động chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc.
Có tới 71% số người Mỹ được hỏi muốn các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất về trong nước. Có thể nói, ông Trump đã bày tỏ sự lạc quan rất lớn với Trung Quốc khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay, nhưng giờ đây mọi chuyện đã đảo ngược, theo chuyên gia Pei.
Trong khi đó, Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy sự “xuống nước” trong căng thẳng Mỹ-Trung. Chuyên gia Pei cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản ứng cứng rắn, thậm chí là đáp trả tương xứng các đòn trừng phạt của Mỹ.
Cuối cùng, chuyên gia Pei cho rằng đại dịch Covid-19 đã khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng lẩn quẩn trong việc leo thang căng thẳng mà chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:
– Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
– Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
– Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
– Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
– Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
– Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Theo Japan Times