Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc tư nhân đầu tư điện có thể khiến giá điện rất cao

10/01/2022 17:27

Thảo luận tại hội trường, đại biểu quốc hội đồng tình với việc tư nhân hóa truyền tải điện nhưng lo ngại việc này có thể tác động khiến giá điện rất cao, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội: Tư nhân đầu tư truyền tải có thể khiến giá điện rất cao - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền – Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 10-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, dự thảo luật hiện chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn tới tùy tiện trong áp dụng.

Bà Mai cho rằng cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, đường dây nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện.

Đồng thời quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Quy định cụ thể về trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của nhà đầu tư.

Bà Mai cũng chỉ ra, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân tham gia vận hành, thực tế trong cùng hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau. Do đó lưới điện truyền tải cần có sự quản lý vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Bà Mai cũng lo ngại việc tư nhân hóa có thể tác động đến giá điện, khiến giá điện có thể rất cao. Vì vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bởi theo đại biểu này, sau khi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp có thể giao lại cho Nhà nước vận hành. Tuy nhiên cơ chế định giá, phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo. Trong khi hệ thống lưới điện truyền tải là tài sản, thời gian qua có trường hợp định giá không chuẩn xác gây thiệt hại lớn.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, bà Mai lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư cần đảm bảo minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia.

Theo đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương), để hiện thực hóa nghị quyết 55 của Đảng, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả tổng thể của hoạt động truyền tải điện quốc gia.

Tuy nhiên, cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực và Nhà nước tham gia đầu tư, cũng như vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước.

Bởi theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho phép thành phần kinh tế ngoài nhà nước xây dựng. Quy định như vậy, theo đại biểu, chưa chặt chẽ, chưa thể hiện vai trò cần và đủ của Nhà nước trong kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn điện trong mọi hoàn cảnh và tình huống.

Đại biểu Khánh đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng “Nhà nước không độc quyền song có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả các công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng”.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều