“Đại bàng tìm tổ” – Việt Nam cần phải làm gì?

Khánh Đăng 24/09/2022 15:41

Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, nhà máy đầu tiên của dự án Pegatron tại Hải Phòng sẽ hoàn thành. Dự kiến, Pegatron sẽ tạo được công ăn việc làm cho hơn 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Các nhà đầu tư đến từ Đài Loan hy vọng đây sẽ là bước đệm đầu tiên nhưng vô cùng cần thiết cho sự chuyển dịch đầu tư, thị trường trong thời gian tới.

Trụ sở tập đoàn Pegatron tại Đài Loan

Được biết, dự án Pegatron có giá trị đầu tư lên đến 1 tỷ USD và sản phẩm chủ yếu là các thiết bị điện tử. Khi đi vào hoạt động, Pegatron hướng đến mục tiêu cung cấp cho các ông lớn trên thị trường công nghệ như Microsoft, Sony, Lenovo và Apple. Do đó, sự có mặt của dự án này đối với Việt Nam không chỉ là câu chuyện về đầu tư, mà còn sâu xa hơn, về vị trí, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Không dừng lại ở đó, Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn từ Trung Quốc về Việt Nam vào thời điểm phù hợp, dự kiến là cùng thời điểm triển khai với nhà máy đang xây dựng ở Hải Phòng. Động thái này của doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Bắc cho thấy họ cũng không chỉ đơn thuần là đầu tư nhà máy để sản xuất, Pegatron còn dự kiến đầu tư cho hoạt động R&D, lĩnh vực mà lâu nay, Việt Nam rất mong muốn thu hút đầu tư, nhưng chưa nhiều nhà đầu tư thực sự mặn mà đầu tư với quy mô lớn, ngoài Samsung.

Thương chiến Mỹ – Trung cùng những bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu hai  năm trở lại đây đã buộc nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới phải thay đổi địa bàn, cách thức kinh doanh. Thị trường Trung Quốc dần trở nên không an toàn và đặc biệt nhạy cảm. Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam là những cái tên mới nổi. Trong đó, Việt Nam hiện lên như một sự lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho “cuộc đua” đầu tư ấy.

Trước hết là ở vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi, cả trên bộ lẫn trên biển và trên không. Sau là ở điều kiện con người ở Việt Nam hiện nay vượt xa các nước khác về độ tuổi lao động và chất lượng đào tạo tương đối cao. Tuy nhiên, để quá trình chuyển dịch đầu tư tiến triển khả quan như hiện nay, vai trò của Chính phủ là không hề nhỏ. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nước ngoài của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hải Phòng dự kiến xây hơn 150 cây cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Việc Pegatron tìm đến và “làm tổ” tại Việt Nam chỉ có thể là hệ quả tất yếu của sự tích lũy lâu dài trong định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Dẫu vậy, không vì thế mà chúng ta ngủ quên trên chiến thắng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi thường xuyên, liên tục quá trình chuyển dịch đầu tư trên. Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc. Lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Để giữ vững phong độ là địa bàn mới nổi của thị trường đầu tư quốc tế, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Để trong tương lai, chúng ta được thấy nhiều hơn một Pegatron trên đất Việt. Hay xa hơn, khi người Việt làm chủ được công nghệ tiên tiến nhất của loài người.

Khánh Đăng

Đọc nhiều