8
category
584380

“Đặc sản cao tốc” chỉ có ở Việt Nam

21/01/2022 13:25

Ngày nay, đường cao tốc đã trải dài khắp các tỉnh trên cả nước nhưng có một thực tế cực kỳ khó hiểu, rất phổ biến và chỉ có ở Việt Nam.

Cao tốc kiểu Việt Nam
Một đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam

Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp khiến người dân bất ngờ khi mới thông xe cách đây vài ngày. Đại diện công ty quản lý dự án này nói lý do hết sức khó chấp nhận là “khó khăn tài chính”.

Ồ, nghe xong có vẻ dễ thông cảm quá. Một số độc giả thì lập luận thế này, trước đây đường nhỏ, giờ có cao tốc chạy là tốt rồi, thôi không cần làn dừng khẩn cấp cũng được. Nhưng hãy dừng lại một nhịp, thử cùng nhau bóc các vấn đề ra xem thế nào nhé.

Đầu tiên, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có các chỗ dừng khẩn cấp, cách nhau 4-5 km. Rồi, vậy nếu có một xe sôi két nước, bó máy, nổ lốp giữa đường, thì phải lết bao xa để đến chỗ dừng. Mà xe đã chết máy thì lết kiểu gì. Vậy dừng giữa đường, vì đâu có làn khẩn cấp, chỉ có 2 làn xe chạy. Nguy cơ tai nạn là rất cao vì các xe chạy rất nhanh, khó mà phản ứng kịp. Lúc ấy, ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm thuộc hết về tài xế gây tai nạn, hay thuộc về đơn vị xây dựng, thiết kế đường cao tốc?

Chưa kể, có khi chính tài xế của xe gặp sự cố cũng bị phạt, vì lỗi “dừng, đỗ trên đường cao tốc”. Ngang trái quá. Chúng ta không thể mang cái lý lẽ làm được con đường tốt hơn đường trước đây để bao biện cho việc xây một cái cao tốc “nửa nạc nửa mỡ” thế được.

Dừng đỗ trái phép để đón khách.

Nếu để gọi tên chuẩn cho con đường này, có lẽ nên gọi là “đường tránh xe máy”, vì không dành cho xe máy. Tốc độ giới hạn 80 km/h tức là còn chậm hơn cả đường ngoài khu dân cư có dải phân cách cứng (tối đa ôtô được chạy 90 km/h). Mà ở đường quốc lộ ngoài khu dân cư, còn có lề đường, gặp sự cố có thể tạt vào lề, chứ cao tốc không có lề đường còn bị dựng lan can khóa kín thì chịu, không biết tạt vào đâu.

Đây chỉ là một trong hàng loạt các vấn đề mà cao tốc ở Việt Nam đang tồn tại. Ví dụ cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, để biển cao tốc, thiết kế hình hài có vẻ giống cao tốc, nhưng làn lẽ ra là làn dừng khẩn cấp lại là làn cho xe máy đi. Nữa, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai nhưng có đoạn chỉ có một làn đường. Trong khi tiêu chuẩn thiết kế cao tốc 5729:2012 viết rõ “số làn xe cần thiết cho mỗi chiều xe chạy của đường cao tốc không nhỏ hơn 2”.

Nếu không thể làm ra một con đường cao tốc theo đúng tiêu chuẩn, thì tại sao chúng ta lại phải cố gán cho nó cái tên “Cao tốc” để làm gì nhỉ? Với người dân, việc lưu thông trên con đường đó sẽ không thay đổi dù nó tên là cao tốc hay quốc lộ hay “đường tránh xe máy” như tôi ví dụ khi nãy.

Nguyễn Anh

Tags :
Đọc nhiều