128027
category
434541

Đặc phái viên kiểm soát vũ khí Billingslea đến Hà Nội làm gì?

Duân Đặng 30/09/2020 16:00

Đặc phái viên tổng thổng Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea đã đến Hà Nội vào đầu giờ chiều ngày 30.9. Đặc phái viên Billingslea đến Việt Nam sau khi lần lượt thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 27-30.9.

Ông Marshall Billingslea, đặc phái viên tổng thống Mỹ phụ trách đàm phán Kiểm soát Vũ khí, tới Điện Niederoestereich gặp phài đoán Nga, Vienna, Áo, ngày 22/06/2020

Theo kế hoạch, chiều ngày 1.10, ông Billingslea cùng Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Thomas A. Bussiere sẽ có cuộc họp báo qua điện thoại từ Hà Nội để thảo luận về chuyến công du châu Á của ông.

Việc ông Billingslea thăm ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đáng chú ý bởi đây là ba nước nằm gần Trung Quốc. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ còn Việt Nam hiện được xem như là đối tác chiến lược trên thực tế.

Chuyến công du của ông Billingslea hẳn không nằm ngoài mục đích phục vụ cho việc kiềm chế những động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực thời gian gần đây.

Giới quan sát cho rằng ông Billingslea đang nỗ lực thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với việc triển khai tên lửa Mỹ ở châu Á. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ vấn đề bố trí tên lửa tầm trung ở Hàn Quốc và Nhật Bản như đồn đoán bấy lâu nay có diễn ra trong hai chặng dừng trước đó của ông Billingslea hay không.

Ông Billingslea cùng Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Thomas A. Bussiere

Đặc biệt cũng trong hôm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến 8.10.

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ tham dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ Kim cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc trong ngày 6.10.

Chắc chắn chuyến công du Đông Á đầu tiên của ông Pompeo kể từ tháng 7.2019 cũng không nằm ngoài chủ đề Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những cái tên thường được nhắc đến trong thế trận bao vây của Mỹ.

Bản thân ông Billingslea có sự lưu tâm nhất định đến vị trí của Việt Nam, thể hiện qua câu trả lời cho một nhà báo Việt Nam tại cuộc họp báo ở Brussels vào trung tuần tháng 8.

“Đó là một câu hỏi tuyệt vời, và tôi rất vui khi có một nhà báo Việt Nam tham gia cuộc gọi này, bởi vì những gì chúng tôi đang giải quyết ở đây là một mối đe dọa cấp bách và ngày càng gia tăng đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương, đó là sự tăng cường vũ trang hạt nhân bí mật và không bị kiềm chế của Trung Quốc. Và đó là mối đe dọa mà không chỉ Hoa Kỳ mà tất cả các nước châu Á phải đối mặt.

Như Việt Nam có lẽ biết rõ hơn đa số, Trung Quốc cố gắng dùng vũ lực để vẽ lại biên giới và ranh giới. Và chúng ta không thể đồng ý với một tình huống mà Trung Quốc tăng cường và đạt được một số hình thức tương đồng hạt nhân với Hoa Kỳ và Nga, sau đó tiếp tục sử dụng những vũ khí hạt nhân đó để tống tiền và ép buộc.” – Câu trả lời của ông Billingslea.

Hiện chưa biết ông Billingslea sẽ bàn bạc những gì khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Yonhap trước chuyến công du châu Á, ông Billingslea nói mục đích của ông là thảo luận “sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc”.

Ông cũng nói ông có “thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với các đồng minh liên quan đến các chương trình của Trung Quốc”.

Những mục đích sâu xa hơn vẫn chỉ là đồn đoán. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Billingslea ít nhất cũng thể hiện Mỹ muốn có Việt Nam trong một thế trận nào đó.

Dĩ nhiên, gần như không có khả năng Việt Nam cho phép Mỹ bố trí tên lửa. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, tôi không thấy có gì ngăn cản Hà Nội hợp tác với Mỹ ở một dạng năng lực phòng thủ khác, chẳng hạn lắp đặt hệ thống radar hiện đại ở Việt Nam để theo dõi và cảnh báo sớm những đe doạ đến từ phía Biển.

Duân Đặng

* Bài viết có thông tin và nhận định chủ quan của tác giả

Đọc nhiều