Đặc nhiệm Ấn Độ tử vong vì trúng mìn gần biên giới Trung Quốc

03/09/2020 14:19

Một đặc nhiệm Ấn Độ được cho đã thiệt mạng trong một vụ nổ mìn ở khu vực gần biên giới Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia về vấn đề chủ quyền vẫn đang leo thang.

Đặc nhiệm Ấn Độ tử vong vì trúng mìn gần biên giới Trung Quốc - 1
Quân nhân Ấn Độ trên đường cao tốc dẫn tới Ladakh hôm 2/9 (Ảnh minh họa: Reuters)

Tenzin Nyima, 53 tuổi, được cho đã qua đời sau khi trúng mìn ở gần bờ hồ Pangong Tso ở phía tây Himalaya nằm gần biên giới Trung Quốc, Reuters dẫn nguồn từ 3 quan chức chính phủ Ấn Độ và 2 thành viên gia đình, đưa tin hôm 2/9. Ngoài ra, có một đặc nhiệm khác dường như bị thương sau vụ nổ mìn.

Thông tin đặc nhiệm Nyima tử vong diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa lực lượng Trung Quốc – Ấn Độ hồi cuối tuần qua tiếp tục leo thang liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới 2 nước.

Nyima thuộc biên chế Lực lượng Đặc nhiệm Tiền phương (SFF), còn gọi là Tiểu đoàn Vikas, đơn vị đặc nhiệm được thành lập sau Chiến tranh Ấn – Trung năm 1962. Nhân sự của SFF chủ yếu được tuyển mộ từ cộng đồng hàng trăm nghìn người Tây Tạng đang định cư tại Ấn Độ, số còn lại là công dân Ấn Độ.

Rất ít thông tin về SFF được công bố. Lực lượng đặc nhiệm này nằm dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích (RAW) chuyên phụ trách tình báo đối ngoại, được giao nhiều nhiệm vụ gồm trinh sát, giải cứu con tin, chống khủng bố, chiến tranh phi đối xứng. Hai quan chức Ấn Độ ước tính SFF có hơn 3.500 thành viên.

Amitabh Mathur, một cựu cố vấn chính phủ Ấn Độ, nói rằng các đặc nhiệm SFF sở hữu kỹ năng leo núi xuất sắc và họ phù hợp để được triển khai tác chiến ở khu vực địa hình cao.

Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Ấn Độ chưa phản hồi khi được yêu cầu bình luận về SFF.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 2/9, khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà không biết liệu người Tây Tạng có “chiến đấu cho Ấn Độ” hay không. Bà cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc bất cứ nước nào, trong đó có Ấn Độ, ủng hộ các hoạt động “ly khai” của các thế lực đòi độc lập cho Tây Tạng.

Cộng đồng người Tây Tạng tại Ấn Độ chia sẻ video về đám tang của Nyima tại làng Choglamsar, vùng Ladakh. Hai thân nhân và hai hàng xóm của Nyima kể rằng một quan chức chính phủ Ấn Độ khi đưa quan tài phủ quốc kỳ của Nyima về làng đã tuyên bố đặc nhiệm này “hy sinh khi bảo vệ Ấn Độ”.

Quan chức Ấn Độ yêu cầu gia đình không nói về 33 năm phục vụ SFF của Nyima, các thân nhân cho biết. Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Ấn Độ không bình luận về thông tin trên.

Vị trí xảy ra đụng độ giữa lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc. Đồ họa: Telegraph.

Một quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ cho biết SFF đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1971, diễn ra trong 13 ngày và dẫn tới việc thành lập Bangladesh. SFF cũng tham gia trận đánh tại Kargil thuộc khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999.

Căng thẳng biên giới Ấn – Trung leo thang từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ ẩu đả hôm 15/6 tại Thung lũng Galwan, nằm giữa Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên dọc theo LAC trong ít nhất 45 năm qua.

Chính phủ Ấn Độ ngày 31/8 cáo buộc Trung Quốc triển khai “các hoạt động quân sự khiêu khích” ba tháng sau khi “quân đội Trung Quốc sáp nhập 60 km2 lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh”.

Nguồn tin cảnh sát Ấn Độ cho biết lực lượng nước này ẩu đả ba tiếng với binh sĩ Trung Quốc tại thung lũng hẹp Spanggur, gần làng Chushul ở đông Ladakh hôm 28/8. Một tiểu đoàn đặc nhiệm Ấn Độ nhận lệnh trả đũa và chiếm một doanh trại của Trung Quốc trên ngọn đồi quanh hồ Pangong Tso vào sáng hôm sau.

Tuy nhiên trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc quân đội nước này vượt qua LAC, biên giới thực tế giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố lục quân Ấn Độ đang chiếm đóng lãnh thổ của họ.

Hoài Nam (t.h)

Đọc nhiều