8
category
320135

Đà Lạt, Lâm Đồng mưa nhỏ lũ sâu, vì đâu nên nỗi?

10/08/2019 09:40

Chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra khắp nơi. Cao điểm đợt lũ là ngày 8-8, lượng mưa ở Đà Lạt được ghi nhận chỉ khoảng 23mm/24h.

Đà Lạt, Lâm Đồng mưa nhỏ lũ sâu, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.
Khu dân cư hạ lưu suối Cam Ly (Đà Lạt) bị ngập sâu vào rạng sáng ngày 8-8 – Ảnh: K.L

Mưa nhỏ nhưng lũ xảy ra ở Lâm Đồng rất lớn. Điều này có vẻ khác lạ nhưng đúng với thực trạng đang diễn ra ở Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt và khu vực xung quanh.

Từ các số liệu của các cơ quan tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia nhìn nhận Lâm Đồng đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng.

Do đó chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra khắp nơi. Cao điểm đợt lũ là ngày 8-8, lượng mưa ở Đà Lạt được ghi nhận chỉ khoảng 23mm/24h.

Trong ngày 8-8, khu vực nội ô Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập kéo dài khoảng 1 giờ như hạ lưu suối Cam Ly (khu dân cư Mạc Đỉnh Chi), khu vực hồ Than Thở, bờ hồ Xuân Hương khu vực Vườn hoa Thành phố.

Huyện Lạc Dương nằm ở lân cận Đà Lạt có lũ lớn xuất hiện ở nhiều điểm tàn phá hơn 200ha ruộng vườn và nhà cửa, cô lập hơn 50 hộ dân trong nhiều giờ.

Theo tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn – trưởng khoa Môi trường Đại học Đà Lạt, lũ ở Đà Lạt và vùng lân cận có tần suất ngày càng dày hơn trong 7 năm gần đây có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly – con suối xương sống có vai trò dẫn nước và thoát nước cho khu vực Đà Lạt.

Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có đến 10.000ha nhà kính (tỉ lệ hơn 50%).

Diện tích nhà lưới nhà kính chủ yếu nằm ở những vùng nông nghiệp lớn dọc suối Cam Ly như Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh… Đây là diện tích thống kê được, chưa kể những diện tích nằm “ngoài sổ” như lấn chiếm rừng.

Tiến sĩ Tuấn phân tích: “Về lý thuyết thì những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và bằng cách nào đó đổ ào ào ra suối. Nước không có thấm vô đất giọt nào hết. Mưa to nhưng bên trong nhà kính đất khô rang, kiểu như mình mặc áo mưa đi dưới trời mưa vậy.

Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh. Như vậy, dù mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt. Nếu mưa to thì hậu quả không còn nằm trong tầm kiểm soát”.

Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Quan sát trận lũ vừa qua có thể thấy những nơi có lũ nặng nhất ở Lâm Đồng là những nơi bạt phá rừng núi để làm nhà kính trồng rau hoa. Chúng ta cần lưu ý, việc phá rừng trồng ở rau chưa tác hại bằng phá rừng để làm những khu nhà kính.

Kết cấu vùng đồi núi bị phá vỡ, dòng chảy, cách thẩm thấu nước đều bị thay đổi theo hướng tiêu cực và hậu quả xảy những nơi cách đó hàng chục, hàng trăm cây số cũng phải gánh “.

Đà Lạt, Lâm Đồng mưa nhỏ lũ sâu, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.
Khu vực lũ quét khiến 41 người bị mắc kẹt nhiều giờ liền là khu vực hàng chục hecta nhà kính nằm trong một thung lũng nhỏ. Đây cũng là khu vực đồi núi đã bị san gạt để làm nông – Ảnh: M.VINH

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm năm 2018, rừng Tây Nguyên có độ che phủ chỉ còn 46%. Chỉ riêng Lâm Đồng đã mất 90.000ha rừng chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến  nay. Tốc độ mất rừng của Tây Nguyên cao nhất trong khoảng thời gian trước năm 2016 (thời điểm đóng cửa rừng).

Câu chuyện nhà kính trở nên đáng lo ngại hơn khi diện tích che phủ rừng nội ô của Đà Lạt đang dưới 45%.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long – nguyên viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, người thường xuyên có những phản biện chuyên môn cho các dự án phát triển Lâm Đồng và là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan – trăn trở rằng Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hoà nên khi nhà kính mọc lên tràn lan mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi về nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây.

“Tôi cho rằng, đối với một vùng khí hậu đặc biệt như Đà Lạt thì đó là sự thay đổi nghiêm trọng, có thể dùng từ khủng khiếp và đến lúc khó vãn hồi. Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá huỷ cảnh quan mộng mơ và và ‘sức khoẻ’ hệ sinh thái của Đà Lạt”, ông Long nói.

Những so sánh khác cho thấy, diện tích nhà kính hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào “sức mạnh” của từng hộ gia đình. Cơ quan địa phương dường như không có ý định quản lý việc phát triển nhà kính tại khu vực vườn của giai đoạn hay đất thuê mướn.

Đà Lạt, Lâm Đồng mưa nhỏ lũ sâu, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 3.
Khu vực lũ quét khiến 41 người bị mắc kẹt nhiều giờ liền là khu vực hàng chục hecta nhà kính nằm trong một thung lũng nhỏ. Đây cũng là khu vực đồi núi đã bị san gạt để làm nông – Ảnh: M.VINH

Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau khoảng 20.000ha, trong đó 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Điều đó có nghĩa là chỉ 1 năm nữa thôi, nhà kính và nhà lưới sẽ phát triển nhiều hơn nữa theo một quy hoạch chung.

Theo tiến sĩ Long, biến đổi cảnh quan, xuất hiện lũ là những hậu quả nhãn tiền của lạm dụng nhà kính. Chuyên sâu hơn, một tiểu khí hậu tiêu cực đã hình thành tại Đà Lạt. Như hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng nhà kính càng lúc càng lớn.

Ở vùng trung tâm, mật độ xây dựng tăng nhanh. Sự thay đổi kiến trúc chung trong lòng thành phố và vùng vành đai đã tạo nên một cơ hội để những ảnh hưởng tiêu cực “tấn công” vùng trung tâm thành phố.

“Những hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính tôi nói ở trên như thay đổi nhiệt độ, ô nhiễm nước, không khí không chỉ khu trú trong phạm vi những khu nhà kính. Hậu quả đó đổ dồn vào khu trung tâm như tôi đã phân tích về mặt địa hình và quy hoạch. Tất cả tạo ra một hậu quả mới là vùng tiểu khí hậu tiêu cực hình thành.

Thử tưởng tượng xem, đáng lẽ cái nơi là ‘máy lạnh’ của thành phố như vùng ven Đà Lạt và huyện Lạc Dương lại trở thành ‘máy nóng’ thì vùng trung tâm sẽ ra sao. Cần biết thêm, nhiệt độ ở những khu nhà kính tăng trung bình 3-5oC so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết.

Chúng tôi đã ghi nhận được những số liệu cho thấy nhiệt động trung bình của Đà Lạt đã tăng trung bình 1-1,5 độ và biên độ nhiệt giãn thêm 3oC trong 10 năm qua”, tiến sĩ Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết thêm: “Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều