8
category
420526

Đà Lạt đổi mảng xanh khu đất vàng đồi Dinh lấy khách sạn?

16/08/2020 10:49

Ba phương án được UBND TP Đà Lạt đưa ra trưng bày để lấy ý kiến người dân, du khách và giới chuyên gia đều có chung một kết quả: Phải xây dựng ở đó một khách sạn hiện đại, cao tầng với nhiều công năng gồm lưu trú, triển lãm, dịch vụ…

Đà Lạt đổi mảng xanh khu đất vàng đồi Dinh lấy khách sạn? - Ảnh 1.
Đồi Dinh nơi có dinh Tỉnh trưởng là “đất vàng” với diện tích rộng, tầm nhìn cao nhất trong khu vực và đó cũng là mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm Đà Lạt – Ảnh: M.VINH

Nếu vẫn khiên cưỡng triển khai, đặt lợi ích cộng đồng ở vị trí thấp thì hậu quả tiếp theo đã rất rõ ràng: dồn nén đô thị ở trung tâm và đánh mất không gian di sản mãi mãi.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Đà Lạt đã đưa ra phương án quy hoạch không gian đồi Dinh, nơi có dinh Tỉnh trưởng – một công trình cổ, một không gian xanh ấn tượng ở ngay trung tâm Đà Lạt. Cả 3 phương án đưa ra khiến nhiều người trong giới quy hoạch, kiến trúc và bảo tồn không giấu được bức xúc.

Ba phương án được UBND TP Đà Lạt đưa ra trưng bày để lấy ý kiến người dân, du khách và giới chuyên gia đều có chung một kết quả: Phải xây dựng ở đó một khách sạn hiện đại, cao tầng với nhiều công năng gồm lưu trú, triển lãm, dịch vụ…

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch khu Hòa Bình – Đà Lạt nói chung và các phương án quy hoạch không gian đồi Dinh nói riêng là một sai lầm nghiêm trọng xét cả về quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản, lịch sử.

Khu vực đồi Dinh nơi có dinh Tỉnh trưởng do người Pháp xây dựng có thể xem là “đất vàng” của TP Đà Lạt, có tầm nhìn thoáng rộng nhìn về các hướng, diện tích gần 17.000m2. Ngoài dinh Tỉnh trưởng chỉ chiếm khoảng 1.500m2 thì toàn bộ khu vực là cây xanh.

Ở khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt, đồi Dinh là thửa đất lớn duy nhất. Nhóm xây dựng 3 phương án cũng nhìn nhận đồi Dinh là “long mạch” của thành phố.

3 phương án, 1 kết quả: khách sạn cao tầng

Phương án 1 làm lộ rõ hơn nữa vị trí đồi Dinh và hướng đến một “ngọn đồi mới” thông qua việc đan cài một dự án khách sạn L’hotel Du Printemps Eternel phía dưới công trình dinh Tỉnh trưởng (cũ) với vườn thực vật, không gian hội nghị, trung tâm sự kiện, thương mại, nhà hàng, lưu trú…

Bảo tàng Lịch sử Đà Lạt trong kiến trúc dinh Tỉnh trưởng (cũ) được bảo tồn nguyên vẹn nhưng được nâng cao 28m so với vị trí hiện tại.

Theo phương án 2, khách sạn Le Chateau cao cấp 6 sao, 10 tầng sẽ được xây dựng với trung tâm hội nghị quốc tế và các không gian phụ trợ, khu vườn thiết kế theo phong cách vườn Pháp. Dự án giữ lại toàn bộ cây thông hiện hữu, trồng thêm cây xanh, xây dựng khu vườn đặc biệt, công viên đồi Dinh.

Với phương án 3, tại đây sẽ hình thành khách sạn, trung tâm hội nghị và không gian cảnh quan, cây xanh. Nhóm xây dựng phương án cho biết chỉ giữ lại 30% lượng cây xanh cổ thụ hiện có ở khu vực đồi Dinh.

Một hội viên Hội KTS Lâm Đồng (đề nghị không nêu tên) nhận định: “Đây không phải là phương án quy hoạch không gian đồi Dinh theo đúng nghĩa chuyên môn. Đó chỉ là cái tên, thực chất đây là các ý tưởng đã được cụ thể bằng đồ họa nhằm thực hiện một khách sạn to đồ sộ, đa chức năng có lợi về mặt kinh doanh cho một nhà đầu tư sẽ xuất hiện trong tương lai”.

“Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt (tỉ lệ 1/500) là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị do đó khi đi vào vấn đề cụ thể, đưa ra phương án quy hoạch không gian khu vực đồi Dinh (nơi có dinh Tỉnh trưởng – PV), lại càng sai lầm nặng hơn.

Tôi cho rằng nếu tôn trọng người dân, lịch sử, di sản thì nên xóa bỏ quy hoạch trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt hơn 1 năm qua” – KTS Ngô Viết Nam Sơn không giấu được bức xúc khi xem các phương án này.

Đà Lạt đổi mảng xanh khu đất vàng đồi Dinh lấy khách sạn? - Ảnh 3.
Các phương án quy hoạch không gian đồi Dinh đều nhấn mạnh đến việc hình thành một khu khách sạn phức hợp lớn trong khu vực – Ảnh: BTC

Quy hoạch có lợi cho ai?

KTS Ngô Viết Nam Sơn là người có nhiều ký ức với Đà Lạt. Ông cũng từng tham gia đóng góp ý kiến cho Quy hoạch mở rộng Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch 704 – PV).

Ông Sơn nhấn mạnh: “Đánh giá chuyên môn của tôi và cộng đồng kiến trúc sư, nhà quy hoạch là quy hoạch UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra cũng như các phương án cụ thể mà UBND TP Đà Lạt vừa trưng bày là quy hoạch không có lợi cho người dân, thậm chí triển khai nó là có lỗi với lịch sử và hậu thế. Quy hoạch này nhìn qua cũng thấy lợi ích trước mắt dành cho nhà đầu tư”.

Ông Sơn phân tích, với phương án 1 tưởng chừng dinh Tỉnh trưởng được “nâng tầm” nhưng thực tế đó là cách phá hủy một công trình gần 100 tuổi, sau đó xây mới một công trình giống như vậy ở độ cao mới.

Ngoài ra, cây cổ thụ ở đây cũng sẽ bị phá bỏ để thay vào đó mảng xanh gượng gạo lấp đầy bằng cây bụi, cây chậu, cây trồng nhỏ không mấy giá trị.

Đây là phương án ông cho rằng thoạt nhìn rất hay nhưng kém khả thi nhất, có thể hiểu đây là phương án phá bỏ khu đồi Dinh hiện nay và thay đổi cấu trúc địa hình trong khu vực.

Với phương án 2, một công trình khối tích lớn hiện đại được mọc lên cạnh dinh Tỉnh trưởng. Công trình này cũng sẽ xóa bỏ mảng xanh giá trị hiện tại.

“Nên lưu ý mảng xanh này có ý nghĩa lớn trong khu vực, bởi toàn bộ khu trung tâm Đà Lạt không còn mảng xanh” – ông Sơn nhấn mạnh.

Mặt khác, xét về khía cạnh bảo tồn, một công trình lớn có công năng khác biệt được xây dựng trong không gian của công trình hiện hữu có giá trị lịch sử – di sản là sự can thiệp khiên cưỡng gây mất đi tính toàn vẹn, độc đáo của cả hai công trình.

Với phương án 3, ngôn ngữ kiến trúc của khu khách sạn và dinh Tỉnh trưởng hiện nay có tương đồng nhưng mảng xanh bị phá bỏ, chỉ giữ lại được 30%.

“Tôi phân tích thế này cho hết lý và sự nỗ lực đóng góp của tôi cho Đà Lạt. Thực tế, quy hoạch chung của khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt ngay từ khi phê duyệt đã sai thì các quy hoạch con không thể đúng được. Nếu vẫn khiên cưỡng triển khai, đặt lợi ích cộng đồng ở vị trí thấp thì hậu quả tiếp theo đã rất rõ ràng: dồn nén đô thị ở trung tâm và đánh mất không gian di sản mãi mãi” – ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, những quyết tâm hiện nay của tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt có thể mang nó sang một vùng đất mới hơn, xa trung tâm Đà Lạt để có thể kéo giãn đô thị nhằm tạo điều kiện phát triển Đà Lạt sâu, rộng hướng về các đô thị vệ tinh theo đúng tinh thần của quy hoạch 704 Thủ tướng đã phê duyệt.

Cũng trong quy hoạch 704, Đà Lạt hiện hữu được định hướng là: thành phố di sản, về không gian đây là “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”. Tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt nói nhiều và am tường về điều này cho nên cần làm đúng theo tinh thần chung của quy hoạch.

Trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt được quy hoạch ra sao?

Ngày 15-3-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt”. Đồ án này căn cứ định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Đây là đồ án được giới chuyên môn đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo của khu trung tâm Hòa Bình với hơn 30ha, bao gồm toàn bộ diện tích từ bờ phía bắc hồ Xuân Hương. Đồ án do kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thực hiện. Kinh phí quy hoạch do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh tài trợ.

Khi triển khai áp dụng quy hoạch chi tiết này vào thực tế, chỉ có chợ Đà Lạt còn được giữ nguyên vẹn. Công trình rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, dinh Tỉnh trưởng sẽ bị dời nguyên khối. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị trao đổi: “Không gian cần được thiết kế lại cho phù hợp với xu thế phát triển. Công năng của các công trình cũ sẽ được giữ lại”.

Tuy nhiên, với nhiều người dân Đà Lạt và những du khách thường xuyên đến Đà Lạt, khu trung tâm Hòa Bình cần được “dọn dẹp” nhưng những công trình kiến trúc cổ cần được tôn trọng tối đa. Đó là những chứng nhân của Đà Lạt, là ký ức không chỉ của cư dân Đà Lạt mà của nhiều người yêu Đà Lạt trong và ngoài nước.

MAI VINH/TTO

Đọc nhiều