8
category
571600

Đã đến lúc quản lý sự lộng ngôn của các gameshow

Đinh Thảo 06/12/2021 19:30

Mới đây, mạng xã hội được phen “náo loạn” về những quan điểm “cổ hủ”, “gia trưởng” của một chàng trai gốc Huế được công khai phát sóng ngay trên một gameshow truyền hình. Câu hỏi đặt ra là: Liệu, đã đến lúc các gameshow cần khắt khe hơn trong kịch bản và phát ngôn của người chơi hay chưa?

Ngày 29/11, tập 4 chương trình Hành Lý Tình Yêu được phát sóng và vấp phải phản ứng dữ dội của khán giả. Nguyên nhân là bởi trong tập phát sóng này, Công Hoàng, một chàng trai tự xưng gốc Huế, 30 tuổi, làm việc ở Sài Gòn đã đưa ra các quan điểm chọn vợ một cách gia trưởng và đôi phần cổ hủ. Ví dụ như: “Em không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc”. Đỉnh điểm hơn là quan điểm: “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai” cùng lời giải thích “mâm trên”, “mâm dưới”.

Rõ ràng, chúng ta đều thấy đây chỉ là quan điểm cá nhân của Công Hoàng trong việc chọn vợ. Nhưng, chàng trai này lại lấy lý do “đây là truyền thống gia đình” gốc Huế. Và quan điểm sai lệch của chàng trai này lại được chiếu công khai trên gameshow, gây hiểu lầm và phẫn nộ trong dư luận. Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết: “Phần lớn người Huế xem clip này sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm, vì sự non nớt về hiểu biết văn hóa và thủ thuật cường điệu đã bị lạm dụng quá đáng”.

Trước phản ứng gay gắt của khán giả, Công Hoàn đã lên tiếng xin lỗi và nói rằng bản thân chỉ làm theo kịch bản. Trong khi đó, đại diện ekip gameshow “Hành lý tình yêu”, bà Lê Hạnh lại phản hồi rằng: “Chương trình là sân chơi cho các bạn trẻ được nói ra những bí mật, điểm yếu của mình. Để cân bằng lại với những quan điểm có phần “non nớt”, Ban Cố Vấn từng trải sẽ có lời khuyên đúng đắn. Đồng thời, bà Lê Hạnh khẳng định: “Chương trình xin khẳng định rằng quan điểm sống cũng như câu chuyện của bạn Công Hoàng chia sẻ trong chương trình không đại diện cho phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền nào”.

Dù cho người chơi chỉ làm theo kịch bản hay chủ động nói ra quan điểm cá nhân thì không thể trốn tránh rằng: Những phát ngôn được công khai đó đã gây phản ứng tiêu cực, làm tổn hại các giá trị văn hóa mà lâu nay chúng ta xây dựng. Cụ thể hơn, văn hóa xứ Huế đã bị hiểu sai hoàn toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên, các chương trình gameshow bị dư luận “gọi tên” bởi nội dung gây tranh cãi. Không ai quên được cảm xúc hoang mang khi nghe một cô gái trẻ tự nhân trên show “Ghép đôi thần tốc” rằng: Bản thân “từng có 12 mối tình, biết nấu ăn nhưng bạn trai phải nấu cho em”; yêu cầu bạn trai tương lai phải biết cho tiền để đi đầu tư đất hay chứng khoán. Hay sốc nặng trước yêu cầu bạn gái phải còn trinh của người đàn ông U40.

Thậm chí, năm 2013, chương trình Người giấu mặt cũng gây biết bao sóng gió. Trong một thử thách, các thí sinh buộc phải cởi đồ để giảm bớt cân nặng. Tuy nhiên, hình ảnh này không được nhà sản xuất làm mờ, tạo sóng dư luận dù thí sinh đã lấy tay che bộ phận nhạy cảm.

Tất cả những điều trên đều cho chúng ta thấy một thực trạng rằng: Các gameshow đang quá lạm dụng chiêu trò, làm lố để câu view bẩn. Dẫu biết, để chương trình thêm hấp dẫn, ban biên tập cần thêm những yếu tố mới mẻ, khác lạ. Nhưng những chiêu trò lố lăng, phản cảm, đi ngược với văn hóa chỉ khiến cho khán giả cảm thấy bị xúc phạm, mất thời gian. Những chương trình này khiến dư luận đặt ra một câu hỏi lớn: “Liệu cơ quan chức năng ở đâu khi liên tiếp để những vấn đề này được phát sóng trên truyền hình?”. Đồng thời, một số khán giả không khỏi quan ngại, lo sợ khi những nội dung không tốt sẽ tác động tiêu cực đến con em, thế hệ trẻ.

Chưa cần biết hiệu quả, lợi nhuận chương trình ra sao, nhưng cái chúng ta thấy ở đây là vì những phát ngôn “ngô nghê”, chiêu trò câu view mà văn hóa một mảnh đất tươi đẹp đã bị hiểu sai lệch. Bản thân bạn Công Hoàng cũng bị chỉ trích nặng nề bởi dư luận cả nước. Khán giả cũng cảm thấy lãng phí thời gian và phẫn nộ khi văn hóa mảnh đất mình sinh sống bị xuyên tạc.

Đã đến lúc chúng ta cần có các chế tài cần thiết để loại bỏ những nội dung phản cảm, quan điểm sai lệch về văn hóa, thuần phong mỹ tục đối với các gameshow phát sóng công khai trên truyền hình. Giống như nghệ sĩ Trung Dân từng nói: “Mỗi chương trình phải có thông điệp ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi của truyền hình ở Việt Nam mới trọn vẹn”.

Đinh Thảo

Tags :
Đọc nhiều