Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận về ngành kiếm tiền trên nỗi sợ hãi ở Việt Nam!
Có thể nói những bức xúc của diễn viên Ngọc Lan chỉ là giọt nước tràn ly về thực trạng bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Và nếu nhìn nhận theo một chiều hướng tích cực thì đây một cơ hội không thể nào thích hợp hơn để ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sửa chữa những lỗ hổng, trả đúng giá trị nhân văn vốn có của bảo hiểm nhân thọ như những gì đang diễn ra trên thế giới.
Ra đời từ những năm 1583, bảo hiểm nhân thọ có lịch sử hàng trăm năm trên thế giới. Và cho đến thời điểm hiện tại ở các nước trên thế giới thì vẫn là một phương thức phòng ngừa rủi ro được tin tưởng nhất. Thực sự bản chất của nó rất tốt thế nhưng qua lời tư vấn của một số tư vấn viên ở Việt Nam thì dường như mọi lợi ích và nỗi sợ hãi đều bị khuyếch đại, khiến cho rất nhiều người bị hiểu nhầm. Thói quen không sử dụng dịch vụ tư vấn của luật sư và phụ thuộc vào niềm tin cá nhân chủ quan khiến rất nhiều khách hàng nhận trái đắng. Nói thẳng chính vì nghệ sĩ Ngọc Lan là người nổi tiếng nên sự việc mới được chú ý, chứ thực tế đã có rất nhiều trường hợp khóc đứng khóc ngồi vì bảo hiểm.
Không phải quy kết toàn bộ, nhưng đa phần để bán được hàng, được hoa hồng, tư vấn viên thường hay nói những cái mà khách hàng nghe thấy thích và lờ đi mấy cái mà nói ra khách hàng sẽ “quay xe” không mua nữa. Không riêng gì bảo hiểm, bất động sản hay mua đầu tư gì cũng thế. Đánh vào tâm lý “thích lợi nhuận” của khách hàng, tư vấn viên bảo hiểm sẽ luôn nói về bảo tức (lợi nhuận) sau khi đóng được 10 năm hoặc 15 – 20 năm, nhưng họ sẽ lờ đi rằng cái lợi nhuận này tùy thuộc vào việc “đầu tư” của công ty bảo hiểm. Hiểu nôm na là bảo hiểm lấy tiền bạn đi đầu tư lời thì chia cho bạn, không có lời thì thôi. Nên khác với ngân hàng lãi suất luôn đảm bảo thì lãi suất này là hên xui và chắc chắn là luôn thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Tiếp theo là thời hạn hợp đồng, rất nhiều người xem lại đều bất ngờ vì mức hạn 99 tuổi, chứ không phải sau 10 năm thì rút ra như những gì tư vấn viên bảo hiểm đã cam kết. Và thực tế thì sau 10 năm vẫn rút ra được, nhưng sẽ xem như là hủy hợp đồng, lúc đó sẽ giải quyết theo quy định. Lúc này, rút tiền ra lại (ngừng đóng nữa) thì sẽ có các phí rút tiền khiến khách hàng khóc thét. Nếu chỉ đóng 1 – 2 năm, rút ra coi như mất trắng số tiền đã đóng vì phí rút cao, đành phải tiếp tục đóng tiếp cho đến khi rút ra không bị lỗ, đâm lao thì phải theo lao, sự trói buộc là ở đó.
Hơn nữa, người tư vấn sẽ có một cái bảng minh họa, tính số tiền theo phần trăm, theo mức đóng mốc các năm nhưng đáng buồn là nó không phải là phụ lục của hợp đồng, nên không có giá trị pháp lý?! Giá trị của nó đúng theo nghĩa là minh họa. Và nhấn mạnh bảng minh họa này có thể kèm trong hồ sơ online, nhưng nó có thể thay đổi được theo chính sách của công ty bảo hiểm, vì nó không nằm trong hợp đồng.
Nói tóm lại bảo hiểm khi làm hợp đồng bên bán sẽ luôn có những quy định có lợi cho mình, những điều khoản ấy sẽ được ẩn nấp bằng những quy định dài ngoằn mang tính chất chơi chữ. Nhưng một bên thì muốn bán được bảo hiểm, một bên thì thiếu kiến thức về pháp luật nên mới xảy ra những vụ lùm xùm đấu tố mãi không có hồi kết. Về pháp lý thì tư vấn viên không sai, nhưng về đạo đức, cố tình giấu mấy cái kia, chỉ nói những cái có lợi thì không ổn. Về lâu dài sẽ khiến người mua mất niềm tin, đặc biệt là sau vụ này thì rất nhiều người mới vỡ òa giở hợp đồng bảo hiểm đọc vội nhưng bút sa rồi.
Đấy là chưa kể đến những trường hợp biến tướng liên quan đến việc ngân hàng câu kết với bảo hiểm để ép khách hàng vay. Đây mới là thực trạng đáng báo động và gây nhức nhối nhất liên quan đến 4 chữ bảo hiểm nhân thọ. Chính vì thế, việc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm là một động thái rất kịp thời.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng rà soát lại hoạt động của tất cả công ty bảo hiểm trong việc phân phối sản phẩm; quy định chặt chẽ hơn trong thẩm định các sản phẩm của các công ty bảo hiểm trước khi cấp phép phát hành ra thị trường. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đại lý bảo hiểm. Cần có những quy chế siết chặt để phát triển bền vững, giúp khách hàng cảm thấy đúng về những lợi ích mà họ có được. Chứ quá nhiều đại lý mà chỉ chăm chăm kinh doanh trên nỗi sợ hãi khách hàng thế này thì chỉ còn bức xúc và tiêu cực!
Công Luân