432
category
555603

Đã đến lúc nói về cuộc xâm lăng hủy hoại văn hóa dân tộc 

Bảo An 05/10/2021 09:37

#ProtectVietnamesehistory (bảo vệ lịch sử Việt Nam) là dòng hashtag đang xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt là Twitter. Nguyên nhân của xu hướng này bắt nguồn từ sự việc một số phim ảnh của nước ngoài có nội dung xuyên tạc lịch sử, văn hoá, truyền thống của Việt Nam. Đây là một hồi chuông lớn báo động tình trạng an ninh văn hoá đang bị đe doạ.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, bao gồm các phong tục, tập quán, truyền thống lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng… Nhờ có văn hoá mà một quốc gia giữ được hồn cốt của dân tộc mình, khẳng định “cái tôi” của dân tộc mình. Văn hoá là cơ sở để đoàn kết, phát huy ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, tạo lên sức mạnh để bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nguy cơ xâm hại đến văn hoá đất nước ngày càng hiện hữu một cách rõ rệt.

Hình ảnh bộ phim Trung Quốc có nội dung sai trái về lịch sử của Việt Nam

Trước hết, đó là sự tấn công, “xâm lăng” văn hoá đến từ bên ngoài. Thời gian qua, dư luận sôi sục trước thông tin về bộ phim “Quân đội vương bài” của Trung Quốc có nội dung xuyên tạc lịch sử khi nói đến cuộc chiến biên giới phía bắc của Việt Nam năm 1979. Trước đó, nhiều sản phẩm văn hoá của nước ngoài có nội dung xuyên tạc lịch sử, tuyên truyền bịa đặt thông tin liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Việt Nam cũng đã được dư luận phát hiện. Cùng với đó, không ít sản phẩm văn hoá khác như sách, báo, clip ca nhạc… có nội dung không đúng với lịch sử, mang tính chất xuyên tạc sự thật, không phù hợp với các giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam cũng đã được các thế lực bên ngoài tìm cách lan truyền. Hệ quả kéo theo là không ít người đã có nhận thức lệch lạc về lịch sử dân tộc, có dấu hiệu bị “đồng hoá”, u mê thần tượng một cách thái quá, quay lưng lại với chính các giá trị văn hoá truyền thống mà cha ông để lại.

Cùng với đó, trên lĩnh vực văn hoá trong nước đã xuất hiện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vô cùng đáng lo ngại. Thay vì những tác phẩm phù hợp với thuần phong, mỹ tục, mang giá trị văn hoá, nghệ thuật thì nhiều sản phẩm lại chạy theo thị hiếu, đề cao yếu tố chiêu trò, đồi truỵ, cổ suý cho lối sống ham hưởng lạc, đam mê các giá trị vật chất tầm thường, lười lao động. Đơn cử như trường hợp bộ phim “Vị” đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận thời gian gần đây, nhiều tờ báo đã nhanh chóng giật tít cho rằng bộ phim đã phải “từ bỏ quốc tịch Việt Nam”, trở thành phim Singapore chỉ vì có quá nhiều cảnh nóng. Thế rồi một số người rêu rao cho rằng những người làm công tác văn hoá tại Việt Nam cổ hủ, không nhận ra giá trị nghệ thuật của tác phẩm… Vậy nhưng thực tế, bộ phim này dù được sản xuất ở Việt Nam, lấy bối cảnh Việt Nam nhưng nội dung lại chẳng hề Việt Nam khi mà hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thay vì e ấp, dịu dàng thì lại xuất hiện đầy loã lồ trên màn ảnh; giá trị của người phụ nữ qua bộ phim bị trở nên rẻ rúng, tầm thường, đồi truỵ.

Một hình ảnh trong bộ phim “Vị”

Bên cạnh đó, thời gian qua không ít văn, nghệ sĩ – là những người trực tiếp sáng tạo ra các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật – đã không giữ được sự chuẩn mực và hình ảnh cá nhân. Câu chuyện về việc làm từ thiện thiếu minh bạch liên quan đến hàng loạt nghệ sĩ khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bên cạnh đó, những scandal đời tư, những phát ngôn tục tĩu, cách hành xử “giang hồ”, tự cho mình là “vùng cấm” của một vài người cũng khiến dư luận không khỏi ngán ngẩm.

Dưới sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, việc lan truyền các sản phẩm văn hoá chưa bao giờ trở nên dễ dàng như hiện nay. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các thế lực xấu truyền bá những giá trị văn hoá sai trái, thực hiện các cuộc “xâm lăng văn hoá”, tiến hành những “mũi dao thọc vào vương quốc tinh thần”, lan truyền các “chất độc tinh thần”.

Những vấn đề trên là hồi chuông lớn báo động về các nguy cơ đe doạ đến an ninh văn hoá của Việt Nam. Trong một bài phát biểu hồi 2019 khi còn giữ vị trí Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc”. Và thực tế, không ít người trẻ đang bị cuốn vào làn sóng “xâm lăng văn hoá”. Trên mạng xã hội, nhiều người đã phải lắc đầu ngao ngán khi không ít “Mị Châu thời 4.0” đã kiên quyết bảo vệ thần tượng (idol) bất chấp những người này đang truyền bá các giá trị lịch sử sai trái, xúc phạm đến Tổ quốc mình, cha ông mình.

Một điều đáng mừng là bên cạnh sự u mê của một số người thì còn không ít người trẻ vẫn luôn tỉnh táo, đủ minh mẫn để nhận ra các mưu mô xấu độ. Việc tiến hành chiến dịch #ProtectVietnamesehistory là minh chứng tiêu biểu của điều này. Tuy nhiên, một chiến dịch tự phát dù có mạnh mẽ đến đâu thì cũng sẽ bị lãng quên. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng để dọn “rác” văn hoá.

Bảo An

Tags :
Đọc nhiều