8
category
524843

Đã đến lúc một số nghệ sĩ cần LÀM TỪ THIỆN CHO CHÍNH MÌNH!

15/06/2021 16:36

Khi một nghệ sĩ rách rưới, thiếu đói về lối sống, tâm hồn, làm sao chữa lành cho người khác?

Lòng tốt và những điều “tưởng là tử tế”

Gia cảnh ca sĩ Hồ Văn Cường sau 5 năm chàng trai đăng quang, khiến công chúng không khỏi ngậm ngùi.

Nhưng xét cho cùng, chuyện của Cường vẫn chỉ là một hoàn cảnh cụ thể. Thứ gây xót xa lớn hơn vẫn là niềm tin vào những điều mà chúng ta vẫn “tưởng là tử tế”.

Ngay cả trong trường hợp tích cực nhất là Phi Nhung hoàn toàn muốn giúp đỡ Hồ Văn Cường từ đầu đến cuối, thì câu chuyện về sự tử tế cũng vẫn bị biến dạng theo một cách khác.

Một người nhặt được con chim non, vì yêu quá, nên cho chim vào lồng son, nuôi nấng bằng những thứ ngon nhất.

Họ tưởng mình đang làm việc tử tế mà quên rằng thế giới hạnh phúc của loài chim, kể cả cánh cụt, chính là bầu trời tự do, rộng mở.

Chiếc lồng có làm bằng vàng, thì bản chất ngục tù của nó vẫn nguyên vẹn, thậm chí nguy hiểm hơn. Nơi giam cầm càng khổ sở, tù nhân càng muốn thoát ra. Những nhà tù hào nhoáng sẽ ru ngủ và giam cầm người ta đến chết.

Trong một lần không kìm chế được cảm xúc, Hồ Văn Cường tâm sự với bạn về ngôi nhà mình đang sống là “nơi toàn quỷ dữ”. Tất nhiên, hành động này của Cường, dù thế nào, cũng không chuẩn mực. Nhưng mọi bộc phát đều có gốc rễ.

Đã không dưới 1 lần, Cường gửi thông điệp ra ngoài cái lồng, rằng mình muốn được bay ra ở riêng, muốn xây cho bố mẹ một ngôi nhà đàng hoàng, thay cho ngôi nhà đã trở nên hoang tàn hơn cả 5 năm trước, khi cậu bước lên đỉnh vinh quang cuộc thi Vietnam Idols Kids.

Một người yêu chim tử tế và minh mẫn, khi nghe tiếng chim hót, đã có thể biết nó thao thiết với bầu trời ra sao, buồn bã trong chiếc lồng son thế nào.

Một người yêu chim tử tế và minh mẫn, cũng sẽ chú ý lắng nghe bố mẹ, anh chị chú chim đang thao thiết điều gì?

Khi Phi Nhung nói “ở nhà tôi, bố mẹ Cường sướng vô cùng”, liệu chị đã lắng nghe được “tiếng kêu” ám ảnh của bố mẹ Cường với bà con dưới quê về tình cảnh “ăn nhờ ở đậu”, thiếu thốn tiền bạc của mình?

Chẳng một người yêu chim tử tế nào lại muốn biến Sơn Ca thành Vẹt để hót những điều mà họ thích, họ muốn. Sơn Ca phải hót giọng thật của nó, không bắt chước, không nhại giọng.

Khung trời nghệ thuật của Hồ Văn Cường quả thực đã rộng mở hơn rất nhiều khi được Phi Nhung trợ giúp. Nhưng nghệ thuật chỉ là một phần của cuộc đời.

Bầu trời hạnh phúc của Hồ Văn Cường còn là việc có thể giúp đỡ chút đỉnh người chị gái đi lượm ve chai, người anh rể đi làm thợ hồ, mỗi tháng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng nuôi 4 miệng ăn.

Bầu trời ấy còn là việc lo cho người bố bảo vệ “đỡ khổ hơn thợ hồ” và người mẹ giúp việc khỏi cảnh mặc cảm ăn nhờ ở đậu.

Bầu trời ấy còn rất nhiều thứ mà người không thấu hiểu loài chim, không thể biết hết được.

Đã đến lúc một số nghệ sĩ cần LÀM TỪ THIỆN CHO CHÍNH MÌNH! - Ảnh 2.

Mình đang rách thì chữa lành được cho ai?

Nếu xuất phát từ lòng trắc ẩn, việc Phi Nhung nhận giúp đỡ Cường trước khi cậu đăng quang, là một việc tử tế. Nhưng để có một hành trình tử tế lại là một câu chuyện khác. Ngoài lòng tốt, người ta còn phải tôn trọng, sáng suốt và biết hi sinh.

Một người mẹ tử tế đúng nghĩa, chẳng thể nào không biết cát xê của con nuôi mình, không biết con nuôi mình có bao nhiêu tiền, nhất là khi gia cảnh của người con nuôi ấy cần tiền hơn bao giờ hết.

Dù khó tin, nhưng về nguyên lý, Phi Nhung có thể không cần biết cát xê của chính mình. Nhưng chị lại không được phép mù tịt cát xê của Hồ Văn Cường.

Khi anh không có trách nhiệm với tiền của chính mình, đó là việc của anh. Nhưng anh vô trách nhiệm với tiền của người khác, anh phạm lỗi.

Một người mẹ nuôi tử tế đúng nghĩa, cũng phải coi bố mẹ ruột của con nuôi mình, như người thân cần trân trọng bậc nhất của mình.

Nhận một đứa trẻ làm con nuôi không giống với việc giúp đỡ một đứa trẻ.

Hai việc đều cần lòng tốt, nhưng làm mẹ còn cần một thái độ trách nhiệm rất cao và tình thương yêu rất lớn, không chỉ với Cường, mà thậm chí cả với người thân của Cường.

Khi Phi Nhung tố Hồ Văn Cường lười biếng, hư đốn, mắc bệnh ngôi sao, nhằm kéo cộng đồng mạng tham gia “dạy con” cùng mình, rất có thể chị tưởng rằng mình đang làm một việc tử tế. Thực tế thì sao?

Người hiểu biết khẳng định “Trái tim của người mẹ là trường học vĩ đại của người con”, “phúc đức tại mẫu”. Khi con hư, việc đầu tiên của người mẹ là nhìn lại mình trong gương để “vạn sự trách mình” – nhất là người mẹ nuôi ấy đã được mẹ đẻ của đứa trẻ trao toàn quyền nuôi dạy.

Phi Nhung có biết rằng, hành động ấy của mình, không những chứng tỏ sự bất lực của một người mẹ, mà sâu xa hơn, vô tình thể hiện một thái độ ban ơn rất vi tế?

“Lần này mẹ dạy con không được nữa thì hết duyên. Quá bức xúc” – Nhung viết như vậy trên facebook.

Sau khi công khai khiến dư luận chĩa mũi dùi vào cậu bé 17 tuổi, Phi Nhung không thấy mình có lỗi.

Cũng vì một lần thiếu kiểm soát cảm xúc như mẹ nuôi, Hồ Văn Cường tâm sự kín với bạn. Kết quả là Cường phải đăng đàn cúi đầu xin lỗi.

Một người đề cao sự nghiêm khắc trong việc dạy con như Phi Nhung, lại chưa biết quay lại nghiêm khắc với chính bản thân mình. Cùng một sự việc gần giống nhau, hai cái kết khác nhau hoàn toàn.

Đó chính là sự khác nhau giữa một người ban ơn và một người chịu ơn! Hôm trước, bố mẹ Cường khẳng định họ không hề biết đến bây giờ con mình có bao nhiêu tiền cát xê. Nếu họ nói thật, thì đây không còn là chuyện “vô tâm, vô tư” của Phi Nhung, mà là một chỉ dấu vi tế của thái độ ban ơn và thiếu tôn trọng ở mức rất cao.

“Cha mẹ Cường và Cường đều hiền, chân chất nhưng đâu có ngu? Không ai trên đời mà ngu chuyện tiền bạc cả” – Quản lý của Phi Nhung đã nói như vậy. Nếu biết trên đời không ai ngu chuyện tiền bạc, tại sao lại không minh bạch?

Ngày hôm sau, khi xuất hiện cạnh Phi Nhung và quản lý, bố mẹ Hồ Văn Cường đột ngột thay đổi thái độ, khẳng định mình biết rõ tài chính của con nhưng không tiện nói. Sự tiền hậu bất nhất ấy khiến, xét cho cùng không giúp gì được cho việc giải oan cho Phi Nhung, mà còn khiến cho hoàn cảnh của họ trở nên đáng thương hơn, lệ thuộc hơn.

Bất cứ người nào không biết chữ, nghèo, ít giao tiếp như họ, đều mang trong mình nhiều nỗi sợ, nhất là khi đối mặt với cả dư luận và cả người sống chung nhà. Không ký kết hợp đồng, tất cả giao kết giữa gia đình họ và Phi Nhung, chỉ là niềm tin và hy vọng. Việc ứng xử thế nào với ân nhân, cũng là một bài toán quá khó.

Thế nên, họ phải đứng về phía nào, chắc chắn không khó đoán. Câu chuyện của Phi Nhung khiến chúng ta nhớ lại câu nói “làm ơn mắc oán”. Nhưng trong trường hợp này, phải hiểu đúc rút ấy theo một tầng nghĩa thứ hai: Làm ơn không đúng cách, ít thấu hiểu và không tròn trách nhiệm, thì mắc oán là chuyện khó tránh khỏi, vì nó sẽ gây ra những hệ luỵ không đáng có.

Nhưng bài viết này không chỉ dừng lại ở câu chuyện giữa Phi Nhung và Hồ Văn Cường. Cao hơn, đó là thái độ làm việc thiện của một số người nổi tiếng.

Làm từ thiện chân chính là để giúp người và không mong cầu mình được trả lại cái gì. Nhưng những người không mong cầu gì thì lại được rất nhiều: Sự thanh thản, năng lượng tích cực, tâm thánh thiện, sự chữa lành…

Nếu làm việc thiện mà hiệu quả đi ngược lại: Nhiều người không hoan hỉ, thậm chí thêm ghét mình, nội tâm mình bực bội, giận dữ và ngay cả người được mình giúp cũng không hạnh phúc, thì cần dừng lại.

Làm từ thiện chính là để giúp người thoát khỏi sự bần hàn về trí tuệ, tư tưởng, tinh thần, vật chất, thái độ, lối sống… Một số người nổi tiếng hiện nay, rất giàu có về mặt tiền bạc, mạnh mẽ về mặt tinh thần nhưng lại rất nghèo “sự sáng suốt trong việc thiện”, bần hàn về thái độ, lối sống… nên việc dừng lại ấy là cần thiết.

Dừng lại để quay về bên trong, làm từ thiện – chữa lành cho chính mình trước đã. Bù đắp, chỉnh sửa những thiếu đói, thất bát trong hành xử và tâm hồn.

Chúng ta sẽ giúp được ai, khi thật sự lối sống, tâm hồn, thái độ của chính mình còn bần hàn và rách nát?

Bùi Hải

Tags :
Đọc nhiều