Cứu lấy Mã Pí Lèng
Dư luận đang dậy sóng trước công trình nhà nghỉ, cửa hàng trông như những chiếc răng sâu xấu xí cắm vào sườn dốc trên đồi Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang), ở đúng cái địa điểm du khách dừng chân ngắm dòng sông Nho Quế. Nhiều tranh cãi nổ ra với việc nên kiên quyết dỡ bỏ hay để lại công trình sai phạm này.
Hà Giang hay cụ thể là Cao nguyên đá Đồng Văn được biết đến là một nơi chỉ có đá là đá, một xứ đá khắc nghiệt như thế! Và đèo Mã Pì Lèng không chỉ là một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi người dân cao nguyên đá chứng tỏ sức sống kỳ lạ của mình trên vùng địa đầu, cực Bắc tổ quốc, như những bức ảnh được chụp trên con đèo kỳ vĩ nhất Việt Nam. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Và rồi 60 năm sau, người ta xây “dinh cơ” 7 tầng trên đèo Mã Pí Lèng mà chính quyền nói không biết. Họ đã gây ra những vết thương cho đá và cả niềm tin của đồng bào.
Lỗ hổng quản lý quy hoạch
Cục Di sản cho biết, sau khi kiểm tra hồ sơ di tích, thông tin các cơ quan báo chí nêu và trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, có thể thấy, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng.
Tuy nhiên, không cần thẩm tra cũng có thể nhận thấy, ngay cả khi chủ đầu tư, vì “cơ may” nào đó đã khéo chọn được địa điểm ở vùng ven di sản thì mục tiêu kinh doanh của nó vẫn gắn liền với việc khai thác di sản cho du lịch. Chắc sẽ không khó nếu muốn chứng minh tác động của khách sạn không phép này đến cảnh quan thiên nhiên, nơi hùng vĩ nhất trong tứ đại danh đèo.
Nhân đây cũng xin nói thêm một thực tế là kể từ khi tỉnh Hà Giang quyết xây thủy điện bậc thang trên sông Nho Quế, đã có quá nhiều cảnh báo khi việc tích nước hồ thủy điện sẽ làm mực nước sông dâng lên 25m, phá vỡ cảnh quan hiếm có của đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế. Mà dâng đâu không dâng, đúng đoạn qua hai xã Xín Cái, Giàng Chu Phìn, đúng đoạn hẻm Tu Sản. Những cảnh báo quả nhiên không sai. Từ sau khi thủy điện tích nước, sông Nho Quế “thăm thẳm khói sương, mảnh như một sợi chỉ” trở thành một cái lạch nước. Bờ dốc hùng vĩ chợt hóa tầm thường.
Từ đó, theo Điều 36 Luật Di sản văn hóa “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.
Nếu các cơ quan này “không thấy gì ảnh hưởng” một cách hữu ý khi xét cấp phép thì gợi ý cho phép tồn tại khi hoàn thành các thủ tục sẽ có cơ hội hiện thực hóa. Có lẽ khả năng này là hướng giải quyết mà chính quyền Hà Giang đang lựa chọn, bất chấp một di sản đang đau đớn trước những khối bê tông chém thẳng vào núi rừng xanh ngắt.
Một trong những đặc điểm chung của những vụ xâm phạm di tích – di sản đó là được xây dựng với quy mô lớn, thời gian xây dựng kéo dài và không có giấy phép xây dựng nhưng lại không hề bị “tuýt còi” ngay từ đầu. Chỉ đến khi công trình sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào hoạt động và bị báo chí lẫn người dân phản ánh lúc đó chính quyền địa phương mới biết. Thành thử, nói như ông Nguyễn Cao Cường thì công trình sai phạm này phía chính quyền đã biết và chỉ chờ thủ tục để hợp thức hóa cho nó tồn tại. Nhưng đó chỉ là quan điểm của ông và một số vị thuộc “nhóm lợi ích” của mình. Còn với dư luận và các chuyên gia, nó không có lý do để tồn tại, và việc “lờ” đi sai phạm khiến dư luận dậy sóng thì các vị phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý.
Bảo tồn hay phát triển?
Hãy khoan bàn đến chuyện dỡ bỏ hay phạt cho tồn tại. Trong văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký báo cáo Thủ tướng, UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận có chủ trương xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng. Chủ trương này dựa trên khuyến nghị của GS Guy Martini, Tổng Thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, về việc xây điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực hiện nay là công trình Panorama. Do đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện, yêu cầu công trình hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018.
Một chuyên gia muốn giấu tên cho biết, câu chuyện của Mã Pì Lèng chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp gây xôn xao dư luận, cốt lõi là giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.
Bảo tồn di sản không có nghĩa là cấm hay hạn chế khai thác mà cần có cơ chế kiểm soát hoạt động tốt hơn. Và đối với di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới như Mã Pì Lèng thì việc bảo tồn được phải đặt lên trên, và không thể hy sinh bảo tồn cho phát triển được vì như thế đâu còn là di sản nữa. Nhưng nếu vì nhu cầu bảo tồn mà cấm không cho phát triển thì sẽ mâu thuẫn. Ngược lại nếu phát triển bừa bãi, cốt đặt mục tiêu lợi nhuận và phát triển kinh tế xã hội lên trên, không quan tâm đến bảo tồn thì cũng là mâu thuẫn. Vì vậy bất kỳ dự án nào xây dựng trong di sản thiên nhiên nói chung, Mã Pì Lèng nói riêng thì các đòi hỏi về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản phải khắt khe hơn và đáp ứng được yêu cầu của những bên hữu quan.
UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia công ước bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên quốc tế phải thức tỉnh ý thức cộng đồng và trách nhiệm của quốc gia ấy, đồng thời thực hiện cam kết về việc bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, bảo vệ được giá trị nổi bật, sự toàn cầu của di sản. Một quốc gia thực hiện việc gì đó để phục vụ cho phát triển, UNESCO cũng không cản nếu như việc ấy không làm tổn hại đến sự toàn vẹn của di sản, không làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu. Thậm chí hoạt động đó còn được khuyến khích nếu nó góp phần bảo vệ sự toàn vẹn ấy.
Trở lại với công trình Mã Pì Lèng Panorama, lúc này phải có sự thẩm định cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này với cảnh quan xung quanh rồi mới có thể kết luận và đưa ra hướng xử lý. Tất nhiên, với những sai phạm thì cần xử lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó. Bên cạnh đó cũng cần truy trách nhiệm của cá nhân cán bộ quản lý và tập thể lãnh đạo để tồn tại công trình sai phép có thể tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc tương tự trong tương lai.
Vẫn còn kịp để trả lại sự hùng vĩ, nên thơ của một trong “tứ đại đỉnh đèo”. Đừng để sau này khi nhắc tới cái tên “Mã Pì Lèng”, chỉ còn đọng lại trong mỗi người sự xót xa!
Diệu Hương