Cựu Cục Quản lý thị trường Trần Hùng lãnh án vì nhận hối lộ 300 triệu

Hồng Anh 27/07/2023 20:33

Cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Trần Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng, căn cứ lời khai của những người khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại… có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.

Ngày  27.7, Tòa án nhân dân (TAND) Hà Nội đã tuyên án với 36 bị cáo trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội quản lý thị trường 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.

Trong số các bị cáo nhận án, ông Trần Hùng bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, phạt bổ sung 80 triệu đồng. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu bị cáo nộp vào ngân sách Nhà nước 300 triệu đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Ông Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận, giám đốc công ty Phú Hưng Phát, để giúp đỡ bà này không bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Trần Hùng cũng đã chỉ đạo cấp dưới xử lý nhẹ cho bà Thuận theo hướng xử lý vi phạm hành chính.

Hành vi của Trần Hùng đã vi phạm điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về tội nhận hối lộ. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà nhận tiền hoặc tài sản của người khác để làm hoặc không làm việc gì có liên quan đến công việc của mình thì bị phạt từ 7 năm tù đến 15 năm tù. Do đó, mức án 9 năm tù tội nhận hối lộ với ông Trần Hùng là phù hợp với khung hình phạt của luật.

Theo HĐXX, nội dung Nguyễn Duy Hải – lao động tự do – bị tuyên phạt 27 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ” trình bày về việc đưa 300 triệu đồng cho Trần Hùng, phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông Kiều Nghiệp – nguyên Trưởng phòng 3, Nguyễn Văn Kim – cựu thành viên Tổ công tác 304, Cao Thị Minh Thuận – Công ty Phú Hưng Phát, Lê Việt Phương – cựu Đội phó Đội quản lý thị trường 17 Hà Nội…

“Lời khai của Hải còn phù hợp kết quả thực nghiệm điều tra và các điều tra khác”, bản án nhận định.

Tại phiên toà, luật sư bào chữa đưa ra chứng cứ ngoại phạm của ông Trần Hùng như: Một số người làm chứng, vị trí phát sóng điện thoại tại hai thời điểm, cột sóng tại quận Ba Đình (Hà Nội).

Tuy nhiên, đại diện nhà mạng MobiFone khi được mời đến toà cho biết, mặc dù cột sóng phát tại quận Ba Đình nhưng không đủ căn cứ xác định bị cáo Trần Hùng ở vị trí này.

Mặt khác, theo công bố bản án, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, luật sư của bị cáo Trần Hùng có đưa một số file ảnh, trong đó có 2 bức ảnh thể hiện ông này đang ở nhà riêng trong khoảng thời gian 12h27’… để chứng minh việc ngoại phạm của thân chủ.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải tại phiên toà ngày 27.7

Về việc này, toà đã trả hồ sơ để làm rõ tính xác thực của các tài liệu luật sư cung cấp, trong đó có 2 bức ảnh. Tuy nhiên, người thân của ông Hùng không đồng ý giao nộp các phương tiện tạo ra 2 bức ảnh này đồng thời có văn bản từ chối giám định nên không có căn cứ xem xét.

Từ đó, HĐXX xác định, bị cáo Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để hướng dẫn Thuận khai không đúng sự thật để không xử lý hình sự và chỉ xử lý hành chính với nữ giám đốc này và nhận 300 triệu đồng thông qua Hải.

Theo đó, năm 2020, bị cáo Thuận bị Đội quản lý thị trường số 17 phối hợp Tổ 304 nơi Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả.

Tuy nhiên, vụ việc không được Trần Hùng báo cáo với Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Bị cáo Thuận đã nhắn tin điện thoại cho Trần Hùng nhờ giúp đỡ xin xử lý nhẹ vụ việc. Trần Hùng “đồng ý tha” với yêu cầu bị cáo Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.

Sau đó, bà Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải đặt vấn đề chi 400 triệu đồng đưa cho ông Trần Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.

Hải đã gặp Trần Hùng đặt vấn đề chi 400 triệu đồng và xin bỏ qua vụ việc buôn sách lậu.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận – Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát.

Trần Hùng đã hướng dẫn Nguyễn Duy Hải về nói với bị cáo Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc sổ sách, từ “sách mua bị thu giữ” sang “sách do người khác mang đến ký gửi” để được giảm nhẹ.

Ngày 15.7.2020, Nguyễn Duy Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nylon màu đen đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây, Nguyễn Duy Hải đã gọi điện để Trần Hùng nói chuyện với bị cáo Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.

Từ sai phạm đó của bị cáo, Cao Thị Minh Thuận cùng các bị cáo khác đã đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo dục, tiêu thụ trót lọt hơn 6 triệu quyển, hưởng lợi hàng tỉ đồng.

Đây là một vụ án điển hình cho sai phạm về sản xuất hàng giả và tham nhũng trong cơ quan quản lý thị trường. Vụ án cũng cho thấy sự quyết liệt của cơ quan điều tra và xét xử trong việc truy tố và xử lý các bị cáo theo đúng luật. Đây là một bài học nhắc nhở cho các cán bộ công chức không được nhận hay môi giới hối lộ, cũng như cho các doanh nghiệp không được sản xuất hay buôn bán hàng giả.

Hồng Anh

Đọc nhiều