Cựu cán bộ giáo dục: ‘Không sửa điểm thi sẽ khó tồn tại’
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga trong lời nói sau cùng cho rằng nếu không cùng các đồng nghiệp sửa điểm thi THPT quốc gia 2018, bà sẽ “không tồn tại được”.
Chiều 26/5, TAND tỉnh Sơn La thông báo do tính chất phức tạp của vụ án nên sẽ nghị án và ra phán quyết vào 8h ngày 29/5.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) trong lời nói sau thừa nhận sai phạm khi cùng những người khác sửa bài, nâng điểm. Thanh minh nếu không làm vậy thì sẽ “không tồn tại được”, bà Nga được mong HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng.
Ông Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, cựu phó Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) thừa nhận trong kỳ thi THPT 2018 vì nể nang đồng nghiệp và mối quan hệ xã hội khác nên đã nhận lời nhờ xem trước điểm thi cho 5 thí sinh. Ông đã vi phạm danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước, làm mất uy tín của ngành công an nói chung và của Công an tỉnh Sơn La nói riêng. Tuy nhiên, ông không nhờ nâng điểm và nhận hối lộ như quy kết.
Ông Khoa nói thêm, hoàn cảnh gia đình hiện nay rất thương tâm khi vợ bị ung thư di căn giai đoạn cuối và sống một mình. Mẹ ông mới qua đời và bố cũng sống một mình chống chọi với căn bệnh ung thư. “Bị cáo vẫn khẳng định không phạm tội Đưa hối lộ, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội và trả tự do tại toà để trở về với gia đình”, ông Khoa nói.
Cựu phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến thừa nhận đã gây hậu quả nghiêm trọng và làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, mất đi cơ hội thực sự của nhiều thí sinh. Ông nói “bị sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài” khi vụ án xảy ra.
Ông Yến khẳng định không chỉ đạo hay tác động đến bất kỳ ai để làm trái quy định trong kỳ thi THPT 2018. “Bị cáo mong HĐXX không vì sức ép của dư luận hay sức ép nào khác để đánh giá chứng cứ toàn diện, đưa ra bản án khách quan”, ông Yến nói và đề nghị HĐXX tuyên ông không phạm tội.
9 bị cáo khác trong lời nói sau cùng đều xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tuyên họ mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKSND. Trong đó, Nguyễn Thị Thành Nhàn (cựu phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đinh Hải Sơn (cựu công an) và Hoàng Thị Thành (cựu chủ tịch hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) mong được hưởng án treo.
Tranh tụng trong phiên xét xử hôm nay, luật sư Trần Kim Thanh (bào chữa cho ông Yến) cho hay trước kỳ thi THPT 2018, thân chủ của bà được cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoàng Tiến Đức đưa tờ danh sách có 8 thí sinh để nhờ nâng điểm. Danh sách này ông Yến còn đưa cho bị cáo Nga để thực hiện sửa bài thi nâng điểm.
Luật sư Thanh cho rằng cùng một hành vi chuyển danh sách thí sinh nhưng chỉ ông Yến bị truy tố, còn ông Đức lại được xác định là người trung gian vì không đủ căn cứ kết tội. Trong khi đó, ông Đức là Chủ tịch Hội đồng thi ở Sơn La, là cấp trên của ông Yến.
“TAND tỉnh Sơn La những ngày qua cũng không triệu tập được ông Đức đến đối chất với bị cáo Yến để xác định việc đưa thông tin 8 thí sinh là nhờ xem hay nâng điểm. Quá trình điều tra cũng chưa đấu tranh đến cùng để làm rõ trách nhiệm của ông Đức”, luật sư Thanh nói.
Đối đáp sau đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ chứng minh cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao khi nhận thông tin của 13 thí sinh, sau đó chuyển cho cấp dưới Nga sửa bài thi nâng điểm. Ông không trực tiếp sửa bài thi nhưng đã không chỉ đạo “quét” bài thi xong phải niêm phong lại ngay. Việc này bị cho là cố tình tạo điều kiện để cấp dưới dễ dàng thực hiện việc rút, sửa bài thi nâng điểm.
Phạm Dự/VE