Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với ký ức Việt Nam theo suốt cuộc đời

11/10/2020 06:45

45 năm sau chiến tranh và 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, hai cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel (cựu Bộ trưởng Quốc phòng) và John Kerry (cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ) có những chia sẻ. 

Không lựa chọn lớn nào không suy ngẫm thời ở Việt Nam

Việt Nam Hoa Kỳ đã trải qua quá khứ đau thương, chắc hẳn hai ông có những cảm xúc, kỷ niệm khó quên trong nhiều lần trở lại Việt Nam với sứ mệnh hòa bình của mình?

Ông Chuck Hagel: Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đã từng tham chiến và tận mắt nhìn thấy bi kịch, sự đau khổ mà chiến tranh mang lại cho cả hai bên đều bị ảnh hưởng mãi mãi.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với ký ức Việt Nam theo suốt cuộc đời
Ông Chuck Hagel (phải) và em trai ở Việt Nam năm 1968. Ảnh: Nytimes

Nó ảnh hưởng đến tôi và em trai khi chúng tôi phục vụ tại chiến trường Việt Nam vào năm 1968. Sau này, khi tham gia vào hệ thống chính trị, Chính phủ, khi phải đưa ra các quyết định với tư cách là thượng nghị sĩ và Bộ trưởng Quốc phòng, không có lựa chọn lớn nào được đưa ra mà tôi không suy ngẫm về thời gian ở Việt Nam.

Tôi nhớ tất cả những người đàn ông và phụ nữ đã cùng tôi tham chiến, nhớ những nơi mà tôi đã làm việc ở đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tâm, Bình Phước, và cả Sài Gòn. Tôi còn nhớ những ngôi làng nhỏ chúng tôi từng ghé thăm, dù chúng tôi không nói được tiếng Việt và những người Việt ở đó cũng không nói tiếng Anh nhưng chúng tôi có sự kết nối vô hình với nhau, chính tình người đã kết nối chúng tôi lại, đặc biệt là khi chúng tôi thấy những đứa trẻ.

Thật khó giải thích nhưng những kỷ niệm đó luôn nằm trong tâm trí của tôi, và tôi tin những người có mặt cùng tôi ở đó cũng cảm nhận như vậy. Đối với những người từng tham chiến, ký ức về bi kịch chiến tranh, hiện thực của sự chết chóc, huỷ diệt và khổ đau chắc chắn luôn thường trực trong họ.

Tôi và em trai lại luôn giữ liên lạc với những người bạn tại Việt Nam. Chúng tôi may mắn khi vẫn có thể làm những công việc có ích khác, sau tất cả những trải nghiệm tại chiến tranh Việt Nam. Có thể nói, ký ức đó theo chúng tôi suốt cuộc đời.

Ông John Kerry: Chuyến thăm đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 không phải là lần đầu tôi trở lại sau khi rời chiến trường Việt Nam năm xưa. Tôi đã từng tới đây nhiều lần khi còn là thượng nghị sĩ – thời điểm tôi còn tham gia giải quyết vấn đề POW/MIA khi đó còn là yếu tố then chốt quyết định liệu Mỹ có thể tiến tới bình thường hoá hay không.

Tôi từng gặp một người đàn ông ở phía bên kia chiến tuyến. Ông ấy biết rất rõ về trận địa mai phục mà tôi từng phục kích. Thật khó tin khi nhiều năm sau chúng tôi gặp nhau, trò chuyện với nhau tại chính nơi này mà không còn một chút hiềm khích.

Chúng tôi không còn coi nhau là kẻ thù, đó là một bài học tuyệt vời rút ra từ chiến tranh. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản, giữa Đức và Mỹ, và một vài nơi khác cũng là những ví dụ điển hình cho sự biến chuyển từ thù thành bạn này. Nhìn nhận từ trải nghiệm cá nhân, tôi rất tự hào vì mình cũng từng bỏ công sức, giúp hai nước kết thúc chiến tranh, nối lại quan hệ, xích lại gần nhau hơn.

Mỹ thiếu hiểu biết về đất nước Việt Nam

Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, các ông đều có những đóng góp không nhỏ, ảnh hưởng nhất định tới Chính phủ Hoa Kỳ. Thưa ông John Kerry, điều gì đã thôi thúc ông phản đối cuộc chiến và ủng hộ mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia?

Theo tôi, sự tham gia của Mỹ vào chiến tranh hoàn toàn dựa trên sự dối trá, hiểu sai về lịch sử và thiếu hiểu biết về đất nước Việt Nam cũng như về điều mà người dân Việt Nam thực sự mong muốn.

Điều tôi học được khi đến Việt Nam, đó là những gì người ta nói với bạn chưa chắc đã đúng với những thứ bạn thực sự chứng kiến.

Tôi đã thấy một đất nước Việt Nam hoàn toàn khác biệt, một Việt Nam phải hứng chịu sự đô hộ của thực dân hàng thập kỷ, một Việt Nam tự đấu tranh cho độc lập và bản sắc dân tộc của mình. Vô hình trung, người Mỹ đã tự đâm đầu vào một cuộc chiến. Kéo sau đó là hàng loạt những hậu quả khủng khiếp mà những người lính Mỹ, nước Mỹ và người dân Việt Nam phải hứng chịu.

Nói đến đây, tôi cảm thấy thật sự phẫn uất với những gì đã xảy ra và thấy cần có trách nhiệm để ngăn không cho điều tồi tệ này xảy ra lần nữa. Tôi từng mất đi rất nhiều người bạn tốt trong cuộc chiến này, chứng kiến nhiều mạng người bị cướp đi. Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt Nam cũng đã có những mất mát không thể bù đắp khi người thân và bạn bè họ mãi mãi ra đi sau cuộc chiến. Cuộc chiến đã chia rẽ hai đất nước sâu sắc. Thật may nó đã qua rồi.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với ký ức Việt Nam theo suốt cuộc đời
Ông John Kerry thăm đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Tôi cảm thấy thời gian trôi nhanh quá. Không thể tin được, đã 25 năm từ ngày hai nước bình thường hóa quan hệ. Quá trình này khởi đầu rất phức tạp, gian nan và đầy khó khăn. Tất cả là do cuộc chiến tranh để lại. Đã có nhiều sự ngờ vực, nghi kỵ, buộc hai nước phải từng bước xây dựng lại lòng tin dành cho nhau.

Giới lãnh đạo của Việt Nam đã có một tầm nhìn tuyệt vời về tương lai quan hệ hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một người nhìn xa trông rộng, cũng như các ông Lê Đức Anh, Lê Mai, những người có công sức rất lớn trong việc xây dựng, củng cố niềm tin giữa hai quốc gia.

Về phía chúng tôi, Tổng thống George H. W. Bush và Bill Clinton đều đóng góp với sự quyết tâm rằng hai nước sẽ lắng nghe quan điểm của nhau, từng bước khởi động quá trình bình thường hoá. Những người như tôi và John McCain đã dành đến gần mười năm cho việc này từ những nỗ lực đầu tiên của cả hai phía cho đến khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ và sau đó là bình thường hoá quan hệ.

Người phá băng trong quan hệ Việt-Mỹ

Ông vừa nhắc đến những nhà lãnh đạo của chúng tôi với vai trò là người có công rất lớn trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước, vậy còn ông, ông tự nghĩ thế nào về mình trong vai trò là “người phá băng” của Hoa Kỳ cho mối quan hệ này?

Ông John Kerry: Chắc chắn trong việc bình thường hóa quan hệ phải có công sức của rất nhiều người. Nếu không có sự giúp đỡ của những người đầy thiện chí, những người đã phải rất nỗ lực trong vấn đề này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đi tới ngày hôm nay. Sức của một người là có hạn, nhưng nếu chúng ta có sự hợp tác của nhiều người với sự tin tưởng cao, mọi thứ đều có thể trở thành hiện thực.

Từ ban đầu đã có rất nhiều sự nghi kỵ nhưng dần dần, chúng tôi đã xây dựng sự thấu hiểu rằng chúng tôi đều thật tâm, như trong việc tìm kiếm các chiến sĩ bị mất tích chứ không phải chỉ trích. Chúng tôi làm việc này vì chúng tôi nợ gia đình những nạn nhân một câu trả lời.

Dù sự thiện chí có lớn đến cỡ nào, chúng tôi cũng không thể làm ngơ mà nói rằng hãy bắt tay với Việt Nam mà gia đình họ vẫn chưa nhận được những lời giải thích thoả đáng. Do đó chúng tôi đã đưa ra một sáng kiến có thể nói là quan trọng nhất, lớn nhất, sâu rộng và thấu đáo nhất trong lịch sử chiến tranh của loài người để đi tìm câu trả lời không chỉ cho người Mỹ mà còn cho người Việt Nam.

Ông Hagel, sau những năm tháng chiến tranh, ông đã làm được rất nhiều điều để chúng ta gần nhau hơn, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình khi hàn gắn mối quan hệ hai nước?

Tôi nghĩ rằng chính sự nhìn nhận lại các vấn đề một cách thẳng thắn, về những sai lầm mà Mỹ gây ra tại Việt Nam trong ngần ấy năm, đã giúp chúng tôi đánh giá lại mối quan hệ này. Nói về điều này, tôi đánh giá rất cao các nhà lãnh đạo Mỹ và cựu binh Mỹ khi họ đánh giá thật sự rất khách quan và trung thực. Không dễ dàng gì khi phải thừa nhận những lỗi lầm chúng ta đã mắc phải.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với ký ức Việt Nam theo suốt cuộc đời
Ông Chuck Hagel gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh năm 2014

Sau khi tôi trở về từ Việt Nam, và sau khi chiến tranh kết thúc, tôi đã luôn tin tưởng và đã làm tất cả những gì có thể để đưa Việt Nam và Hoa Kỳ trở lại với nhau. Tập trung vào lợi ích chung của chúng ta, trước hết, chúng ta đều là con người, và tập trung giúp đỡ lẫn nhau trong thương mại, kinh tế, an ninh, ngoại giao. Tôi rất vui vì đã có cơ hội tham gia vào một số vấn đề đó khi tôi là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và thậm chí là trước đấy nữa.

Khi là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nhớ mình đã thực hiện một số chuyến đi đến châu Á – Thái Bình Dương. Đó là một trong những chuyến đi đặc biệt, tôi đã có một cuộc gặp tất cả Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Hawaii, điều chưa từng có trước đây, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và phu nhân.

Chúng tôi đã có một hội nghị kéo dài 2 ngày và bàn bạc những cách thức để các nước có thể hợp tác toàn diện hơn nữa, không chỉ về quân sự, an ninh mà về mọi mặt. Vì vậy, tôi luôn ủng hộ mạnh mẽ rất nhiều điều mà người Việt Nam và Mỹ có thể cùng nhau làm để đất nước chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, và vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Bùi Chí Trung – Giảng viên cao cấp Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV quốc gia;

Trần Quang Huy – Chuyên gia truyền thông xã hội

Đọc nhiều