Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận án chung thân có phải theo nguyên tắc “Đổi khắc phục hậu quả lấy mạng sống”?
TAND TP Hà Nội vừa tuyên Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG, với mức án chung thân. Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn LS TP Hồ Chí Minh) đã có bài trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề pháp lý đang gây chú ý đặc biệt trên các diễn đàn dư luận này.
PV: Cáo trạng và Hội đồng xét xử của Tòa án đã làm rõ Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD, bị cáo cũng thừa nhận tại tòa. Mức nhận hội lộ cao như thế mà tòa án tuyên hình phạt chung thân, Luật sư có ý kiến như thế nào về mặt pháp lý?
Luật sư Trần Đình Dũng: Trước tiên tôi xin nói rằng, việc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã có kết quả rất lớn. Trường hợp Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son là một trường hợp điển hình trong công cuộc chống tham nhũng.
Đối với việc bị cáo nhận 3 triệu USD (tương đương 66 tỷ đồng) của doanh nghiệp trong trường hợp này, là hành vi nhận hối lộ. Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (trước kia là Điều 279 Bộ luật hình sự 1999). Theo đó, Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 quy định “4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên”.
Với mức tiền nhận lên đến 3 triệu USD cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nếu bị tuyên mức án có mức tử hình cũng là bình thường. Tuy vậy, việc tuyên án là kết quả quá trình công tố và hội đồng phải căn cứ vào nhiều tình tiết, trong đó đặc biệt các tình tiết giảm nhẹ để phán quyết.
PV: Ngay khi thông tin về mức án chung thân của ông Nguyễn Bắc Son được đăng tải sáng nay, hàng loạt ý kiến nghi ngại cho rằng tòa án đã áp dụng nguyên tắc “Đổi khắc phục hậu quả lấy mạng sống” theo Điều 40 BLHS trong trường hợp này?
Luật sư Trần Đình Dũng: Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là một “điểm nhấn” pháp lý khi xử lý tội phạm tham nhũng rất được dư luận xã hội trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Điều 40 BLHS “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Đây là quy định mà nhiều người hay gọi là nguyên tắc “Đổi khắc phục hậu quả lấy mạng sống” đối với quan tham.
Căn cứ Điều 40 như đã dẫn, thì chỉ áp dụng miễn hình phạt đối với “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ”, tức nếu ông Son bị tuyên án tử hình mà nộp lại số tiền ít nhất ba phần tư số tiền nhận hối lộ thì được khoan hồng bằng cách “Không áp dụng hình phạt tử hình”. Trong khi đó, ông Son trước khi tòa tuyên thì đang là bị cáo chứ chưa phải “người bị kết án” theo qui định tại Điều 40. Như vậy, Tòa cấp sơ thẩm tuyên mức chung thân đối với ông Son là không phải áp dụng nguyên tắc “Đổi khắc phục hậu quả lấy mạng sống” như qui định tại Điều 40 BLHS.
PV: Như vậy, luật sư có thể giải thích dưới gốc độ pháp lý về việc tuyên xử mức chung thân đối với cựu bộ trưởng?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tội danh nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) có mức tử hình khi tài sản nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng, trong khi mức tiền nhận hối lộ của ông Son lên tới 66 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền lớn, là điều mà dư luận quan tâm đặc biệt tới mức án tuyên.
Tuy vậy, trong vụ án này Tòa án đã căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, trong đó có tình tiết nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, để tuyên xử mức án chung thân đối với Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son. Chúng ta cũng cần lưu ý thêm, phía viện kiểm sát đề nghị mức tử hình và đây chỉ mới tuyên xử sơ thẩm nên mạng sống của bị cáo vẫn còn đang lơ lửng và chưa biết cấp phúc thẩm sẽ phán quyết ra sao nếu phía viện kháng nghị, hoặc người tham gia tố tụng khác kháng cáo.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo TD