128036
category
404541

Cưỡng đoạt 35 tỷ đồng từ ví điện tử: Nhóm cướp đối diện tội danh nào?

Sơn Ca 27/06/2020 10:28

Theo luật sư, các đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Cướp tài sản theo điểm a, Khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 18 – 20 năm hoặc tù chung thân.

Liên quan đến vụ cướp 35 tỷ đồng trong ví điện tử của một nhà đầu tư xảy ra trên cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây, trong buổi họp báo chiều 25/6, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự – C02 (Bộ Công an) cho biết đã khởi tố 8 bị can về tội cướp tài sản.

Các đối tượng gồm: Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (31 tuổi), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi) và Bùi Quang Chung (24 tuổi, cùng ở TP Hồ Chí Minh).

Nhóm đối tượng tại cơ quan công an

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, do trước đây từng tham gia hoạt động kinh doanh tiền điện tử nhưng thua lỗ triền miên và cay cú vì những khối tài sản lớn của mình không cánh mà bay, các đối tượng lao vào cuộc truy tìm nguyên nhân, song không phát hiện ra được gì.

Thời điểm này, một doanh nhân khác tên K. ở TP Hồ Chí Minh kinh doanh tiền điện tử liên tục gặt hái thành công nên các đối tượng cho rằng, chính ông K. là tác nhân làm cho chúng thất bại và cả bọn thống nhất tìm cách bắt cóc ông K. để đòi lại tiền.

Giữa tháng 5/2020, biết ông K. cùng vợ và con nhỏ đi du lịch ở TP Đà Lạt, cả bọn đã nhóm họp, phân công từng đối tượng để thực hiện việc bắt cóc ông K. Bàn bạc xong, các đối tượng mang theo súng ngắn, kim tiêm, thuê thêm giang hồ và sử dụng 3 xe ô tô chạy thẳng lên một khách sạn ở TP Đà Lạt nơi gia đình ông K. đang thuê phòng để tìm cơ hội ra tay, nhưng do nhận thấy ở đây có đông người khiến cho khả năng bị lộ khá cao nên cả bọn quyết định tiếp tục theo dõi.

Sáng 18/5, khi thấy xe của ông K. rời khỏi khách sạn, cả bọn bám theo và đến đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây, đoạn gần trạm thu phí thuộc địa bàn huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), thấy vắng xe cộ qua lại, cả bọn quyết định ra tay. Bọn chúng cho xe của mình húc vào đuôi xe của ông K. tạo ra một vụ tai nạn. Khi xe của ông K. vừa dừng lại, cả nhóm lao đến chặn đầu, khóa đuôi chia tách ông K. và vợ con lên hai xe khác nhau, bịt mắt rồi tra tấn buộc ông phải cung cấp mã số ví tiền điện tử.

Khi ông K. kháng cự, chúng dùng súng dí vào đầu, sau đó dùng kim tiêm có dính máu mà chúng nói là loại máu nhiễm HIV dọa sẽ tiêm vào vợ và con ông K. Sau hơn 2 giờ bị tra tấn, không thể chịu đựng được, ông K. đã chấp nhận cung cấp mật mã ví tiền. Sau khi ép được ông K. cung cấp mật mã, chúng bẻ camera hành trình trên xe và cướp điện thoại di động của vợ chồng ông K. đem phi tang hòng tránh bị lộ.

Sau đó, nhóm này đã chuyển 35 tỷ đồng từ ví điện tử của ông K. sang nơi khác. Chúng còn yêu cầu ông K. gọi cho người nhà nhờ chuyển thêm 9,5 triệu USD vào ví để chiếm đoạt. Tuy nhiên, qua điện thoại, người nhà nghe được tiếng kêu bất thường nên dừng giao dịch. Băng nhóm đã bỏ lại gia đình ông K. ở khu vực vắng người tại quận 2 (TP Hồ Chí Minh) rồi tẩu thoát. Theo số liệu ban đầu, số tiền mà cả nhóm cướp của ông K. lên đến trên 35 tỷ đồng. Số tiền này chúng trả công cho giang hồ và thám tử trên 1 tỷ đồng, số còn lại chia nhau tiêu xài.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng đặc biệt nghiêm trọng; không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mặc dù tại Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán nhưng việc giao dịch vẫn diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp. Cá nhân sở hữu tiền điện tử vẫn được coi là tài sản thuộc quyền quản lý của mình. Trong vụ án này, các đối tượng sau khi chuyển dịch tiền ảo từ ví điện tử của ông K. đã rút được 35 tỷ đồng để chia nhau và tiêu xài. Do đó, các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi đã chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, các đối tượng còn yêu cầu ông K. gọi cho người nhà chuyển thêm 9,5 triệu USD vào ví điện tử để nhằm mục đích chiếm đoạt. Do gia đình ông K. phát hiện nên không tiếp tục chuyển và các đối tượng chưa chiếm đoạt được. Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ khi có hành vi dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc chiếm đoạt được tài sản hay chưa không phải là yếu tố định tội danh Cướp tài sản.

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã lấy camera hành trình trên xe và điện thoại di động của vợ chồng ông K. đem phi tang là hành vi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi Cướp tài sản theo kết quả định giá tài sản chiếm đoạt là chiếc camera hành trình và điện thoại di động của vợ chồng ông K.

Có thể thấy rằng, đây là vụ là vụ cướp tài sản với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các đối tượng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. Các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ, lên kế hoạch, bàn bạc, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị công cụ, phương tiện, thời gian, không gian để thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, táo tợn.

Với việc dùng hung khí nguy hiểm (súng, dao, kim tiêm) để đe dọa vợ, con, khống chế ông K. để chiếm đoạt tài sản hơn 35 tỷ đồng, các đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Cướp tài sản theo điểm a, Khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 18 – 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo quan điểm của luật sư, xét quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng thấy còn có dấu hiệu của tội Giữ người trái pháp luật. Bởi lẽ, để đạt được mục đích cướp tài sản, các đối tượng đã khống chế ông K. và chia tách vợ, con suốt 2 giờ đồng hồ để tra tấn buộc ông K. phải cung cấp mã số ví tiền điện tử. Hành vi phạm tội này của các đối tượng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu xác định con ông K. dưới 18 tuổi và các đối tượng phạm tội có tổ chức, giữ ông K. cùng vợ, con suốt 2 giờ đồng thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, đ, e Khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự.

Đối vói hành vi sử dụng vũ khí kà khẩu súng ngắn để đe dọa cướp tài sản, cần trưng cầu giám định khẩu súng có thuộc danh mục vũ khí quân dụng hay không. Nếu thuộc vũ khí quân dụng thì đối tượng sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Tàng trữ vũ khí quân dụng theo Khoản 1 Điều 304 Bộ luật hình sự.

Trường hợp, nếu khẩu súng không thuộc danh mục vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013 về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ theo điểm c, khoản 5 và điểm a khoản 8 Điều 10 với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tịch thu tang vật.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 – 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 – 5 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 2 lần trở lên;

đ) Đối với 2 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3.81 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

Bên cạnh đó, cần xác định ông K. có hoạt động kinh doanh tiền điện tử hay không. Theo pháp luật hiện hành quy định tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định trên.

Như vậy, theo quy định này, tiền điện tử sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng là không hợp pháp.

Nếu có căn cứ xác định ông K. kinh doanh tiền điện tử, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d, Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 – 200 triệu đồng.

Đọc nhiều