Cuối năm, ông lớn chuyển tỷ USD vào túi ngân sách nhà nước

06/01/2020 05:00

Sự chuyển mình của các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong vài năm gần đây cũng như những chính sách thoái vốn đã tạo ra một dòng tiền lớn chảy vào ngân sách nhà nước

Dồn dập cổ tức ngàn tỷ

Sau một năm 2018 ăn lên làm ra, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) năm 2019 quyết định chi trả cổ tức 9% (900 đồng/cp) cho năm 2018. Với quy mô khủng, gần 2,18 tỷ cổ phiếu nên số tiền trả cổ tức lên tới 1,96 ngàn tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ tới 95,4% cổ phần ACV do vậy nhận về số cổ tức 1.869 tỷ đồng.

ACV là doanh nghiệp đang quản lý, đầu tư và khai thác tổng cộng 22 sân bay trên cả nước với tổng cộng khoảng 116 triệu khách trong năm 2019 (tăng 12%). Đây là một kết quả tốt và nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục chia cổ tức và mang đến cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nữa.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BID) cũng vừa hoàn thành chi cổ tức năm 2017 và 2018 trong tháng 12/2019 với tỷ lệ 14% (1.400 đồng/cp cho 2 năm) với số tiền 4,79 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước nhận về 4,56 ngàn tỷ đồng (nộp vào Kho bạc Nhà nước).

Cuối năm, ông lớn chuyển tỷ USD vào túi ngân sách nhà nước
CPH và thoái vốn Nhà nước không đạt kế hoạch trong năm 2019 nhưng Nhà nước vẫn đang nhận những khoản cổ tức lớn từ các doanh nghiệp đầu ngành.

Hai năm trước đó, tỷ lệ cổ tức là 8,5%. Trước khi cổ đông chiến lược KEB Hana xuất hiện, Nhà nước nắm giữ 95,28% cổ phần tại BIDV, nay tỷ lệ này là 80,99%.

Vài năm trước đây, BIDV liên tục thuyết phục Chính phủ cho giữ lại cổ tức để tăng vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn,… qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn theo hướng đòi cổ tức từ ngân hàng này. Việc BIDV có cổ đông chiến lược ngoại đã giúp ngân hàng này tăng vốn.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam Vietcombank (VCB) cũng thông báo 30/12/2019 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 2018 với tỷ lệ 8% (tương đương 800 đồng/cp). Thời gian thanh toán là 15/1/2020.

Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang được lưu hành, dự kiến Vietcombank sẽ chi gần 3 ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đang nắm giữ 74,8% tại VCB do vậy sẽ nhận về hơn 2,2 ngàn tỷ đồng tiền mặt.

Hiện Vietcombank là quán quân lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng với lợi nhuận trước thuế kỷ lục 17,6 ngàn tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ và nhiều khả năng sẽ đạt mốc lợi  nhuận 1 tỷ USD ngay trong năm 2019 này.

Tỷ USD mỗi năm, nguồn lực lớn cho Nhà nước

Có thể thấy, bên cạnh những ông lớn tư nhân như Vinhomes, Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương,… thì hàng loạt doanh nghiệp chi cổ tức ngàn tỷ có nguồn gốc quốc doanh và Nhà nước vẫn giữ một tỷ lệ lớn ở các doanh nghiệp này.

Cổ đông Nhà nước tiếp tục có một năm bội thu cổ tức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 7% trong năm 2019, vượt qua những áp lực suy thoái trên phạm vi toàn cầu.

Tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cổ đông lớn Bộ Công Thương sẽ nhận phần lớn trong khoản cổ tức 5,16 ngàn tỷ đồng mà VEAM thông qua cho năm 2018.

Cuối năm, ông lớn chuyển tỷ USD vào túi ngân sách nhà nước
Nhà nước thu hàng ngàn tỷ đồng cổ tức từ các doanh nghiệp lớn trong năm 2019. 

Theo đó, VEAM sẽ chi trả cổ tức 2018 là 38,84% (tương đương 3.884 đồng/cp). Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ có tổng cộng gần 5,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương nắm giữ 88,47% VEAM sẽ nhận khoảng 4,6 ngàn tỷ đồng. Thời gian thanh toán là 21/1/2020. Hồi tháng 8/2018, cổ đông Nhà nước đã nhận khoản cổ tức hơn 490 tỷ đồng.

Tổng công ty khí Việt Nam CTCP (PVGas, GAS) cũng chi trả cổ tức đợt 3/2019 và tạm ứng 2019 với tỷ lệ 23% (tương ứng 2.300 đồng/cp), tổng cộng trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 4,2 ngàn tỷ đồng trả về cổ đông Nhà nước Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

PVGas đã thực hiện hai đợt tạm ứng cổ tức trong năm 2018 với cùng tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng mức chi trả trong năm 2018 là 53%, tương đương cổ đông Nhà nước nhận về khoảng 9,7 ngàn tỷ đồng.

Trong các năm trước đó, tỷ lệ trả cổ tức của GAS đều khoảng 40-55%. Mỗi năm Nhà nước cũng nhận về khoảng 8-10 ngàn tỷ đồng.

Còn tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội Habeco (BHN), sau một loạt lùm xùm, hồi tháng 9/2019, doanh nghiệp này chi trả cổ tức năm 2017 ở mức 75,57%, tương đương số tiền chi ra khoảng 1,75 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương thu về hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.

Habeco hiện là doanh nghiệp bia duy nhất mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối của Việt Nam. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tiêu thụ 434 triệu lít bia trong năm 2019, với lợi nhuận sau thếu 310 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng chi trả cổ tức năm tài chính 2018 với tỷ lệ 10%, tương đương hơn 700 tỷ đồng cho cổ đông. Bộ Tài chính nắm gần 68%, thu về gần 480 tỷ đồng. Từ khi cổ phần hóa năm 2007 tới nay, số cổ tức BVH chi trả là hơn 8 ngàn tỷ đồng. Tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách Nhà nước gần 20 ngàn tỷ đồng.

Cổ phiếu BVH từ đầu năm 2019 có xu hướng giảm sau khi tăng mạnh trong năm trước đó. Tuy nhiên, BVH vừa bán được 41 triệu cổ phần cho Sumitomo Life của Nhật với giá cao hơn 30% thị giá, ở mức 96.000 đồng/cp.

Còn tại CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM), cổ đông Nhà nước SCIC đang nắm giữ hơn 36%, thu về hơn 1,25 ngàn tỷ đồng, trong tổng cộng gần 3,5 ngàn tỷ đồng doanh nghiệp này tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp) cho cổ đông.

Trong vài năm gần đây, mỗi năm Vinamilk chi cổ tức tỷ lệ từ 40-60% bằng tiền mặt, tương đương mức tiền khoảng 7-10 ngàn tỷ đồng. Nhà nước thu về 3-4 ngàn tỷ đồng mỗi năm sau khi đã thoái vốn thu một lượng tiền lớn trong các năm trước đó.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines (HVN) trong năm 2019 cũng đã chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp). Với hơn 1,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp chi 1.418 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thu về 1,22 ngàn tỷ đồng.

Có thể thấy, sau cú thoái vốn gần 5 tỷ USD tại Sabeco hay cả chục ngàn tỷ tại Vinaconex,… cổ đông Nhà nước vẫn còn có những nguồn tiền cổ tức ngàn tỷ từ các doanh nghiệp lớn.

Triển vọng kinh tế khá sáng sủa là động lực để các doanh nghiệp lớn tiếp tục chi trả cổ tức khủng và chờ đợi những điều tốt đẹp hơn ở phía trước khi Việt Nam bước vào một thập kỷ mới với các hiệp định thương mại được trông chờ như châu Âu Việt Nam (EVFTA), CPTPP.

M. Hà/VNN

Đọc nhiều