8
category
468216

Cuộc vượt biên liều lĩnh của những người mẹ bồng con về Việt Nam trong đại dịch

23/01/2021 11:17

Thùy, Hồng và Đầy, mỗi người ở mỗi tỉnh của Trung Quốc nhưng họ đều trở về cùng một con đường mòn mà nhóm đưa người vượt biên đã chọn.

24km đường biên thuộc hai xã Thượng Phùng và Xín Cái của huyện Mèo Vạc, Hà Giang (giáp với Vân Nam và một phần Quảng Tây của Trung Quốc) được những người nhập cảnh trái phép gọi với cái tên “con đường hạnh phúc” vì chỉ cần đặt chân đến đây là họ biết mình đã sống, đã trở về với đất mẹ Việt Nam.

Chỉ từ tháng 2 đến nay, lực lượng biên phòng Đồn Xín Cái thu dung, bắt giữ hơn 6.500 người nhập cảnh trái phép. Hầu như đêm nào cũng có người trở về Việt Nam.

Cuộc vượt biên ‘tử thần’

Đêm đường mòn mưa nặng hạt, cái rét vùng cao làm cho đoàn người của Lê Thị Thu Thùy đi càng co ro hơn, họ men theo ánh đèn pin lờ mờ của người đi đầu, thi thoảng lại điểm danh để không có người tụt lại.

Cả đoàn rét cóng, họ lạc trong rừng gần 2 ngày trời, lương khô đã cạn, nước uống cũng không còn, quần áo ướt sũng. Đêm họ mò mẫm đi, ngày nghỉ ngơi lại sức và tránh sự kiểm soát gắt gao từ biên phòng hai nước.

Đêm xuống, để cho cả đoàn được sưởi ấm, Thùy bỏ hết vali quần áo của mình ra để… đốt, đống lửa bùng lên, họ ấm hơn và ngồi sát lại nhau hơn. Trời càng về khuya càng lạnh giá, họ đã không còn lết nổi trên những mỏm núi gồ ghề và sắc nhọn. Tài sản duy nhất Thùy còn là chiếc điện thoại di động và 88 nghìn đồng.

Tay bồng con, tay mang hành lý, Sơn Thị Ánh Hồng hoang mang không biết cả đoàn đang đi về đâu, chân đau nhói vì những chiếc gai rừng cào phải, con thì khóc vì hoảng sợ. Cô phải xin người cầm đầu cho mình được quay lại, không muốn về Việt Nam nữa, nhưng đáp trả lời cầu xin của cô chỉ là sự im lặng.

23h00 đêm hôm đó, cô gặp được những chiến sĩ biên phòng đang đi tuần tra chốt. Nhìn thấy họ cô khóc như một đứa trẻ vì những điều đã phải trải qua, cô khóc vì được cứu sống và mẹ con cô không phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc này. Ngồi trong phòng cách ly, Sơn Thị Ánh Hồng vẫn rùng mình khi nghĩ về 12 tiếng như chết đi sống lại giữa núi rừng.

Về phần Đầy, cuộc vượt biên với cô lại là một cuộc đoàn tụ sau 10 năm xa cách. Bồng con trên vai, tay cầm túi quần áo, cô lặng lẽ đi cùng đoàn người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong đêm tối. Đôi chân của người đàn bà gần 35 tuổi run rẩy bước trên lối mòn, có những lúc cô khụy xuống vì chân bị vấp và sưng vù, nhưng tự động viên mình, hai mẹ con lại tiếp tục bước đi.

Thùy, Hồng, và Đầy mỗi người ở mỗi tỉnh của Trung Quốc, nhưng họ đều trở về cùng một con đường mòn mà nhóm đưa người vượt biên đã chọn. Và mỗi người đều phải bỏ ra 3.000 tệ (tương đương 10 triệu đồng) để về nước.

Cuộc vượt biên liều lĩnh của những người mẹ bồng con về Việt Nam trong đại dịch - 1
Khu chợ chưa sử dụng tại xã Xín Cái được trưng dụng làm điểm cách ly.

Tại 3 điểm cách ly trên địa bàn xã Xín Cái, khi chúng tôi vào thì gần như không còn chỗ trống, số người ở trong các điểm cách ly có lúc vượt trên 500 người.

Và trong đó, không khó để nhận ra những đứa trẻ bên những bà mẹ, những bà bầu vượt mặt đang khệ nệ đi lại trong khu vực này. Họ bất chấp tất cả để vượt biên về nước với những lý do và tâm tư riêng.

Rụt rè trò chuyện với tôi khi đang ngồi trong phòng cách ly, cô gái quê tại huyện ngoại thành Hà Nội có dáng người nhỏ bé, gương mặt xinh xắn nhưng đan xen những nỗi buồn. Thùy ngồi tư lự trên chiếc ghế nhựa, nhìn ra ngoài sân.

Những ngón tay của cô đan vào với nhau, thi thoảng lại lấy tay xoa bụng. Cô gái sinh năm 1995 này mang thai được hơn 7 tháng, cô là một người trong đường dây đẻ thuê để bán con sang Trung Quốc.

Thùy không bán được con, phải trở về Việt Nam vì mang trong mình căn bệnh virus Viêm gan B.

Thùy kể cô sinh ra tại một làng quê nhỏ, ở huyện ngoại thành Hà Nội. Tuổi thơ của cô là những chuỗi ngày tăm tối, khi những âm thanh xung quanh là tiếng cãi vã, tiếng bát đĩa bị đập và những bữa ăn chan đầy nước mắt từ cha mẹ mình.

“Từ nhỏ, bố em đã đưa em sang nhà cô ruột sống, bố mẹ em ly hôn rồi mạnh ai nấy đi. Trong tâm trí của em dường như khó tìm thấy sự êm đềm từ bố mẹ, em không muốn nhắc đến họ. Với em, mẹ chính là người cô ruột nuôi nấng em bao năm qua, em chẳng cần ai khác nữa”, Thùy cúi gằm và lau những giọt nước mắt lăn dài.

Học hết cấp 3, Thùy bỏ ngang nghiệp học, cô xin đi làm thuê tại nhiều nơi nhưng cũng chẳng có sự ổn định. Rồi một ngày, có người nói chuyện với cô, khuyên cô không nên đi làm lao động tay chân nữa, họ bảo xinh như này sao phải khổ thế, hãy đi làm với họ, có công việc tốt hơn mà lại kiếm được nhiều tiền, đi đâu cũng được họ chu cấp tiền đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ.

Thùy tặc lưỡi và gật đầu trong cái suy nghĩ của người con gái chưa trải nghiệm cuộc sống và cô chính thức bước vào đường dây đẻ thuê cho người nước ngoài.

Sau khi mang bầu được hơn 6 tháng, Thùy nhận được điện thoại của người trong đường dây môi giới bảo chuẩn bị tư trang, hành lý để lên đường sang Trung Quốc, mọi chi phí và đường đi lối lại đã có người khác chuẩn bị, cô chỉ việc lên đường.

Tránh ánh mắt của tôi đang tập trung theo dõi câu chuyện, Thùy quay mặt về hướng khác và tiếp lời: “Đặt chân đến Trung Quốc, em được một người đón đi, đưa về nơi ăn ở, nghỉ ngơi và dưỡng thai chờ ngày sinh hạ. Tuy nhiên, đến hôm vừa rồi thì em nhận được thông báo từ phía Việt Nam là kết quả xét nghiệm sức khỏe 2 mẹ con em có vấn đề, cả 2 mẹ con đều bị nhiễm virus viêm gan B từ người quan hệ tình dục. Khi biết không bán được đứa bé, những người bên Trung Quốc thu xếp để em vượt biên trở về Việt Nam”.

Rồi Thùy quay ra bảo tôi: “Anh à, em không nghĩ về tới đây lại được mọi người đùm bọc mình như thế, không ai trách móc em. Có người thương còn cho em tiền mua quần áo, cơm thì cũng được nhường miếng ngon hơn. Lâu lắm rồi em không có cảm giác được yêu thương như vậy, còn ít ngày nữa em được về rồi, nhưng chắc em nhớ mọi người nơi đây lắm anh ạ”. Nói dứt lời, những giọt nước mắt lại chảy dài trên gương mặt cô gái tuổi đôi mươi.

Khác với hoàn cảnh của Thùy, cô gái người Cà Mau, Ánh Hồng lại mang một tâm trạng khác, hai mẹ con cô có giấy tờ đầy đủ, có hộ chiếu và quốc tịch hai bên. Mọi lần cô đều về Việt Nam theo con đường chính ngạch, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, biên giới hai nước tạm dừng xuất nhập cảnh cho công dân nên cô phải chọn cách duy nhất là nhập cảnh trái phép.

Mong muốn duy nhất của cô trong chuyến đi này là đưa con gái về gặp mặt ông ngoại khi ông lâm trọng bệnh.

5 năm trước, qua mối quen biết, Hồng được giới thiệu với một người thanh niên nước bạn. Một thời gian sau, 2 người nên duyên vợ chồng. Cuộc sống của cô hạnh phúc hơn những phụ nữ khác bởi được chồng yêu quý và chăm sóc chu đáo.

Sau 5 năm chung sống, vợ chồng có 2 con gái, một cháu lên 4 và một cháu mới lên 2.

Hai mẹ con Ánh Hồng trong khu cách ly chờ ngày về gặp gia đình.

Những ngày đầu tháng 8, Hồng nhận được điện của nhà gọi sang thông báo bố cô không may mắc trọng bệnh, ông muốn nhìn mặt cháu, vì từ hồi Hồng hạ sinh đến giờ gia đình chưa được gặp con cô bao giờ.

Hồng nhận được điện thoại thì ôm con bật khóc. Tối hôm đó, cô bàn với chồng chuyện về nước. Ông xã chuẩn bị tiền bạc cho cô và con gái để ngày mai ra cửa khẩu về Việt Nam.

Tuy nhiên, cô không biết rằng việc xuất nhập cảnh giữa hai nước đã bị tạm dừng. Đang trong bước đường cùng, cô được những kẻ môi giới tìm gặp đề nghị đưa về nước bằng con đường khác, đi lại thuận lợi và sang bên kia có người đón về luôn.

Hồng điện cho chồng và lên xe theo những kẻ môi giới chờ thời điểm vượt biên.

“Em lúc đó không còn biết nghĩ gì nữa, trong đầu chỉ muốn được về Việt Nam bằng mọi giá. Lúc gặp những người môi giới đứng phía ngoài cửa khẩu và đề nghị trợ giúp, em cứ nghĩ là họ đưa mình bằng xe về đến Việt Nam thôi, ai ngờ lại phải đi bằng cách này”, Hồng thở dài ngao ngán.

Hồng biết rằng, cuộc đoàn tụ này với cô sẽ có nhiều tâm trạng, hạnh phúc vì sẽ được gặp lại bố và gia đình, ông được gặp cháu nhưng cũng có thể lần gặp này là lần cuối cùng cô và bố có thể ở bên nhau.

Những người trong khu cách ly tại khu chợ thuộc thôn Thượng Phùng ai cũng thở dài thương cho số phận của 2 mẹ con chị Huỳnh Thị Đầy, ở Kiên Giang. Người mẹ lầm lũi như chiếc bóng, đứng lặng lẽ một góc theo dõi đứa con chưa đầy 4 tuổi đang tung tăng cùng các cô chú trong khu cách ly. Chị là một nạn nhân của nạn bán người.

Cũng phải mất khá lâu tôi mới có thể thuyết phục được chị kể về cuộc đời của mình, cuộc đời mà với chị đó là những tháng năm dài đen tối.

10 năm trước, cô thiếu nữ tuổi đôi mươi vùng sông nước Kiên Giang theo lời người quen rủ rê xây mộng đổi đời nơi đất Bắc. Nào ngờ, những người cô xem là thân quen đấy lại đưa cô vượt biên và ép làm vợ một người đàn ông đáng tuổi cha mình.

Cô bị ép làm việc quần quật như thân phận đầy tớ và thỏa mãn nhu cầu tình dục cho người đàn ông đó. 10 năm rồi cô chưa được gặp lại gia đình.

Hai mẹ con Đầy lầm lũi trong khu cách ly.

Một người trong khu cách ly ái ngại chia sẻ về hoàn cảnh của Đầy: “Nó gần khu tôi ở nên tôi biết hoàn cảnh gia đình nó. Người chồng đã lớn tuổi nhưng rất cổ hủ và vũ phu, không biết bao nhiêu lần bị chồng đánh cho thâm tím tay chân, mặt mũi. Có những lần chồng nó đuổi nó về nước, bảo muốn đi đâu thì đi nhưng giữ con gái lại, cực chẳng đã và vì con nó đành ngậm đắng nuốt cay tiếp tục cuộc sống đấy”.

Đầu tháng vừa rồi, nghe tin có người Việt Nam gần đó sắp về nước, Đầy lén chồng liên lạc với họ, rồi điện về Việt Nam cho gia đình mình. Mẹ chị ở nhà thương con, muốn con quay về Việt Nam sống nên đi vay mượn bạn bè người thân 10 triệu đồng, rồi gửi vào tài khoản người đàn ông tốt bụng đó để chị có tiền về nước.

Một ngày chờ chồng đi vắng, chị lặng lẽ bế theo con mình, trên tay vẻn vẹn vài bộ quần áo của hai người, đi ra điểm hẹn, chị bỏ trốn trở lại Việt Nam sau 10 năm xa cách.

Đặt chân về tới Việt Nam, chị khóc như một đứa trẻ, chị khóc vì hạnh phúc khi đã thoát khỏi tay người chồng vũ phu, chị khóc cho những tháng ngày tủi nhục nơi đất khách quê người, rồi chị khóc khi biết rằng chỉ sau 2 tuần nữa thôi là mình sẽ được về trong vòng tay của bố mẹ, của những người thân yêu.

Tổ quốc luôn là nơi để trở về

Sau khi hết hạn cách ly, mỗi người lại chọn cho mình con đường riêng, ý định riêng. Với Hồng, cô sẽ đi xe khách về nhà, cho con chơi với ông bà một vài tháng, sau đó sẽ ngược ra Bắc, đến cửa khẩu để đóng tiền phạt vì đã xuất nhập cảnh trái phép và về với chồng mình. Với cô, gia đình hiện tại bên Trung Quốc đã là quá đầy đủ.

Thùy thì chọn cho mình con đường ở lại Việt Nam, cô bảo yêu thích nghề làm tóc, sinh xong sẽ nhờ mẹ nuôi và đi học nghề, chứ cô không muốn bước tiếp con đường đẻ thuê nữa. Hai mẹ con sẽ đùm bọc lẫn nhau, và nếu có người đàn ông nào chấp nhận và hiểu hoàn cảnh, cô sẽ cố gắng mở lòng để tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Còn Đầy, cô không biết sau khi về nhà thăm gia đình sẽ làm gì tiếp theo, một là ở lại quê nhà rồi kiếm nghề mưu sinh nuôi con nhỏ, hoặc là quay lại người chồng tệ bạc của cô bên Trung Quốc. Nhưng trước mắt, cô sẽ đắm mình trong niềm hạnh phúc, trong vòng tay gia đình, thứ mà 10 năm rồi cô không thể có được.

Chiều dần buông trên vùng cao miền biên viễn. Đầy vẫn đứng đó nhìn theo con của mình đang chơi trong khu cách ly. Con của Hồng thì đã ngủ trong vòng tay mẹ, còn Thùy tay ôm bụng bầu vẫn nhìn xa xăm ra phía trước.

Rời Đồn Biên phòng Xín Cái sau những ngày bám biên bám chốt, chúng tôi lên chuyến xe chở những người hết cách ly về thành phố Hà Giang, rồi từ đây mỗi người trên chuyến xe này lại đi mỗi ngã.

Trên chuyến xe đó, họ kể với chúng tôi về những dự định sắp tới của mình. Có người khoe ở quê bố mẹ đang chuẩn bị cỗ, có người thì được người thân đón tận thành phố Hà Giang. Và với họ, về Việt Nam lần này là kỷ niệm mà không một ai muốn thực hiện thêm lần nữa.

Chia tay mọi người, tôi và đồng nghiệp lên chuyến xe khác để về Hà Nội. Ngồi trên xe, trong đầu tôi lại văng vẳng lời nói của một chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái: “Biên giới là nơi cuối cùng giặc ngoại xâm bị đánh đuổi, và cũng là nơi đầu tiên những người Việt Nam đặt chân trở về quê hương.

Những người nhập cảnh biết việc làm của họ là sai trái và vi phạm pháp luật, nhưng dù ở đâu, lúc khó khăn hay nguy cấp nhất họ đều muốn trở về quê nhà. Nhiều người khi đặt chân về đây gặp được chúng tôi, họ òa khóc như những đứa trẻ. Trách họ nhiều lắm, nhưng thương cũng không kể hết.

Họ hạnh phúc khi được ăn mì tôm trong lán của anh em, họ hạnh phúc khi được sưởi ấm dưới ngọn lửa, hạnh phúc khi họ được đắp chăn ấm trên những chiếc giường ở khu cách ly. Và điều hạnh phúc nhất của họ là Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi họ”.

(Theo VTC)

Đọc nhiều