128027
category
343116

Cuộc hành quân có một không hai: Xe tăng vượt biển

22/12/2019 12:11

39 năm trước, một đại đội xe tăng PT-76 đã hành quân trên biển với quãng đường gần 60km về căn cứ…

Xe tăng đang bơi theo đội hình chiến đấu vào đảo thực hiện theo phương án diễn tập Ảnh: Nhân Nguyễn

Ngày đó đất nước mình khó khăn quá, không có tàu vận tải đổ bộ ra chở về lại, thứ hai là cấp trên cũng muốn thử trình độ lái của bộ đội xe tăng mình khi bơi biển dài như thế nào. Các xe tăng khác chỉ bơi qua sông chứ chưa bơi biển. Kể cả Liên Xô cũng chưa bơi biển dài như thế.

Ông Lê Viết Hải (chiến sĩ lái xe của đại đội 2)

Đó là một nhiệm vụ khó khăn vì dù xe tăng PT-76 có tính năng bơi nước nhưng chủ yếu vượt sông, hồ nhỏ, eo biển nhỏ…

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

“Cho đến lúc đó, việc tự bơi biển của xe tăng ở Việt Nam là chưa hề có tiền lệ, tạo nên một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” về việc tự bơi của xe tăng. Ngay cả các cố vấn Liên Xô lúc đó cũng ngạc nhiên và xác nhận đó là cuộc hành quân vượt biển dài nhất của xe tăng PT-76″ – đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, cựu cán bộ Trường Sĩ quan tăng thiết giáp, chia sẻ.

Thủ trưởng ra lệnh – chúng tôi chấp hành

Tháng 10-1979, sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc (ngày 17-2-1979), để tăng cường lực lượng cho đơn vị bảo vệ tuyến đảo đông bắc Tổ quốc, sư đoàn 242 (Đặc khu Quảng Ninh) đã lệnh cho một đại đội xe tăng của tiểu đoàn 1003 hành quân từ đảo Cái Bầu (Quảng Ninh) ra đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh). Khi đi xe tăng được tàu chở ra.

Ở thời điểm đó, xe tăng PT-76 (do Liên Xô sản xuất) là loại xe tăng hiện đại nhất của sư đoàn 242, vừa chiến đấu trên cạn vừa chiến đấu được ở biển đảo.

Đầu năm 1980, khi tình hình ổn định hơn, Đặc khu Quảng Ninh muốn rút đại đội xe tăng về nhưng chờ nửa năm vẫn không xin được tàu vận tải đổ bộ ra.

Đầu tháng 10-1980, trong cuộc họp giao ban tại trung tâm chỉ huy ở đảo Cái Bầu, sau khi nói rõ vì sao không có tàu, sư đoàn trưởng bất ngờ hỏi trung úy Nguyễn Ý Thức – tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1003 (nay đã 65 tuổi): “Các cậu có tự hành quân về được không?”.

“Tôi bất ngờ lắm. Từ Vĩnh Thực về Cái Bầu gần 60km trên biển. Tôi chưa tham gia chuyến hành quân nào như vậy. Có lăn tăn đấy nhưng trong quân đội, cấp dưới phải chấp hành cấp trên. Tôi trả lời: Nếu thủ trưởng ra lệnh thì chúng tôi chấp hành” – ông Nguyễn Ý Thức nhớ lại.

“Dù có tính năng lội nước nhưng xe tăng PT-76 được thiết kế chỉ để vượt qua chỗ sình lầy, sông cạn, hồ đầm chứ không được thiết kế chính để vượt biển trong khi nước biển lại nặng hơn nước ngọt nên độ cản lớn hơn” – ông Thức cho hay. Lúc đó, trung úy Nguyễn Ý Thức là tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của sư đoàn 242, mới 26 tuổi.

Điều khiến vị tiểu đoàn trưởng 26 tuổi lo nghĩ là vấn đề thời tiết trên biển không ai lường được. Khó nữa là việc thông tin liên lạc thời đó. Từ đảo Vĩnh Thực về đảo Cái Bầu lại có rất nhiều đảo nhỏ, cứ mỗi đảo có một cửa biển.

“Khi nước rút ra, nước chảy ra như thác, tàu cũng không đi nổi thì xe tăng sao bơi nổi. Nhưng nếu tường tận quy luật của nó rồi thì biết thời cơ nào có thể đi được” – ông Thức nói.

Cuộc hành quân có một không hai: Xe tăng vượt biển - Ảnh 4.
Một chiếc thiết giáp cơ động vào đảo thực hiện theo phương án diễn tập – Ảnh: NHÂN NGUYỄN

“Hải trình” 60km đầy sóng gió

8h sáng một ngày giữa tháng 10-1980, 10 chiếc xe tăng xuống bến, lần lượt bơi ra khỏi đảo Vĩnh Thực. Khoảng 11h trưa, khi chiếc xe tăng thứ bảy xuống được bãi bơi thì mặt biển bất ngờ lặng như tờ. Bão chuẩn bị ập về! 3 xe chưa kịp xuống bãi phải dừng lại, chờ bão tan mới cơ động tiếp.

Bộ đội trong 7 chiếc xe tăng đầu tiên đều phải mặc áo phao. Ngày đó đi biển chỉ có bản thủy triều và hải đồ để biết phải tránh khu nào có đá ngầm, bãi cạn. “Chúng tôi phải theo sát hải đồ, men theo các đảo nhỏ, cách đảo ít nhất 1 hải lý (khoảng 1.853m) để tránh va vào bãi đá ngầm. Lúc thì gần đảo, lúc thì xa. Lúc đi bên trong, lúc đi bên ngoài đảo” – ông Thức kể.

Tình huống thót tim nhất là khi chiếc xe tăng số hiệu 065 bất ngờ bị dòng chảy đẩy trôi, vướng vào bãi đá ngầm dù đã đi cách đảo 1 hải lý. Một bên băng xích bị vướng vào đá không đi được, cũng không lùi được. Chính tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ý Thức lệnh cho xe mình cập mạn, nhảy sang trực tiếp lái xe tăng 065 và đưa xe vượt qua bãi đá ngầm.

Đó cũng là lúc mưa to, sóng gió nổi lên mỗi lúc một lớn. “Sóng trên cấp 3 là xe tăng đã gặp nguy hiểm rồi. Chúng tôi hồi hộp lắm. Chúng tôi lo sóng tạt vô ống xả, chết máy. Rồi lại lo nước tràn vào trong xe rất nguy hiểm, có thể bị chìm” – ông Lê Viết Hải, chiến sĩ lái xe của đại đội 2, nhớ lại. Mọi người căng thẳng lấy hải đồ ra xem chỗ nào gần nhất thì lên đó.

Trên hải đồ cho thấy gần nhất là hòn Miều, cách đảo Vĩnh Thực khoảng 10km. Tiểu đoàn trưởng Thức điện về sư đoàn báo cáo không thể hành quân được nữa, xin vào hòn Miều tránh trú. Bảy chiếc xe tăng chạy đua với thời gian để đổ bộ vào hòn Miều trước khi bão ập đến.

“Đầu giờ chiều hôm đó vừa dạt vào đảo thì bão đến. May mắn là chúng tôi đến đúng vị trí có bãi thoải và chỗ đậu cao, sóng đánh lên vẫn không tới chỗ xe tăng. Cả đơn vị không ăn uống gì, lo căng bạt trùm xe” – ông Thức nói.

Bão hoành hành từ chiều tới suốt đêm đó, đến sáng hôm sau thì tan. Bộ đội cả đêm không ngủ, vừa đói, vừa lạnh, vừa mệt nhưng vẫn tiếp tục hành quân. Tiểu đoàn trưởng Thức lệnh cho 3 xe tăng còn lại đang trên đảo Vĩnh Thực cơ động xuống bãi, hành quân nối vào để về đảo Cái Bầu.

Khoảng 13h hôm đó, tiểu đoàn 1003 đã về đến đảo Cái Bầu sau khi vượt qua quãng đường gần 60km với khoảng 8 tiếng bơi biển.

MY LĂNG/TTO

Đọc nhiều