Cuộc gọi ông Tập ngầm đáp tuyên bố Biển Đông của Mỹ

16/07/2020 19:38

Một ngày sau khi Washington bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

“Ông Tập cho biết quan hệ song phương đang ở một điểm khởi đầu lịch sử mới và hai bên nên tổ chức lễ kỷ niệm với những hình thức linh hoạt và đa dạng, để tăng cường sự ủng hộ của công chúng cho tình hữu nghị song phương. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Singapore để vượt qua những phiền nhiễu và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đưa tin về cuộc điện đàm ngày 14/7.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nga hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nga hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore cho biết ông Tập điện đàm với ông Lý để chúc mừng Thủ tướng Singapore đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 10/7. Theo Bộ Ngoại giao Singapore, trong cuộc điện đàm, ông Tập nhấn mạnh với ông Lý rằng đây là dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Trung Quốc – Singapore. Cả hai lãnh đạo hoan nghênh hợp tác song phương để giải quyết hệ quả từ Covid-19.

Cùng ngày, ông Tập điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha để thảo luận về tăng cường hợp tác phát triển thuốc chữa Covid-19. Thái Lan là một trong hai quốc gia Đông Nam Á có liên minh an ninh với Mỹ, bên cạnh Philippines.

Singapore và Thái Lan không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Hồi tháng 6. Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập thỏa thuận đi lại “làn nhanh” với Trung Quốc sau khi nước này kiểm soát được dịch. Theo đó, Singapore và 6 tỉnh Trung Quốc nối lại đi lại hàng không cho các mục đích chính thức và kinh doanh.

Một số nhà quan sát mô tả cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Lý là cuộc gọi chúc mừng hậu bầu cử thông thường. Tuy nhiên, Dylan Loh, chuyên gia từ tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng nhiều khả năng có những dụng ý sâu xa hơn ẩn đằng sau, trong bối cảnh bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về đại dịch và căng thẳng hàng hải ngày càng tăng cao.

Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trích lời Chen Xiangmiao từ Viện Nghiên cứu Biển Đông, nói rằng cuộc gọi của Chủ tịch Trung Quốc với Thủ tướng Singapore và Thái Lan – “hai trong số những quốc gia ASEAN quan trọng nhất, rõ ràng nhằm gửi tín hiệu tới Mỹ rằng quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực này không mong manh như Washington nghĩ”.

Thủ tướng Singapore từng nói rằng họ sẽ không đứng về phe nào và cố gắng giữ mối quan hệ cân bằng với hai cường quốc. Ông nhấn mạnh mối quan hệ an ninh mạnh mẽ của Singapore với Mỹ, nơi họ mua các thiết bị tiên tiến và các công ty Mỹ là bên đầu tư nhiều nhất vào Singapore. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore.

Trong tuyên bố ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông. “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn phi pháp”, tuyên bố có đoạn.

David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, để mở khả năng áp lệnh trừng phạt với các quan chức và công ty Trung Quốc theo đuổi các yêu sách phi pháp ở Biển Đông.

Loh nói rằng “phiền nhiễu” được nhắc đến trong cuộc điện đàm có thể ám chỉ vấn đề Biển Đông và “là lời nhắc khéo rằng mối quan hệ Singapore – Trung Quốc quan trọng hơn những diễn biến trên vùng biển tranh chấp”.

Drew Thompson, cựu quan chức Lầu Năm Góc từng phụ trách quan hệ với Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, đã mô tả cuộc điện đàm là nhằm “ngầm đáp trả” tuyên bố của Mỹ. “Đây cũng có thể là lời nhắc nhở ngầm với Singapore rằng nếu họ không ủng hộ Trung Quốc trong những vấn đề này, Trung Quốc có thể tạo ra ‘phiền nhiễu’ như họ từng làm trước đây với Singapore”, ông nói.

Ông cho biết quan hệ giữa Singapore với Bắc Kinh đã được thử thách vào tháng 11/2016, khi 9 xe bọc thép Singpore bị giữ lại ở Hong Kong trên đường trở về từ Đài Loan, nơi quân đội Singapore tiến hành huấn luyện thường xuyên. Điều này dẫn đến nghi ngờ đó là cách Trung Quốc cảnh báo Singapore về mối quan hệ của họ với Đài Loan. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Quan hệ hai bờ eo biển trở nên căng thẳng từ khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách “Một Trung Quốc” đắc cử năm 2016.

Thompson đánh giá cuộc điện đàm là một “tuyên bố cố tình mơ hồ nhằm khơi dậy nỗi lo ngại của một quốc gia nhỏ hơn”.

Loh đánh giá Singapore sẽ duy trì cách tiếp cận với tranh chấp chủ quyền như trước đây. Tuy nhiên, ông nói rằng tuyên bố của Mỹ sẽ gây áp lực chọn phe lên Singapore nói riêng và ASEAN nói chung. “Dù vậy, tôi không nghĩ rằng ASEAN hay Singapore sẽ công khai chọn phe vì làm vậy chắc chắn sẽ đi ngược lại với lợi ích của ASEAN và các quốc gia thành viên”, ông nói.

Trong khi đó, Thompson nhấn mạnh không nên cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN có chung quan điểm vì họ có những lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, ông nhận định dù hầu hết các nước ủng hộ luật quốc tế, các chính phủ ít khả năng đưa ra tuyên bố công khai.

“Về tư tưởng, tôi nghĩ có lẽ họ đồng ý với tuyên bố của Pompeo, nhưng trên thực tế, họ không muốn bị cuốn vào căng thẳng giữa hai nước và trở thành mục tiêu cho sự giận dữ của Trung Quốc”, Thompson nói. “Động thái an toàn nhất đối với hầu hết các nước Đông Nam Á là ‘án binh bất động”.

Chan Heng Chee, cựu đại sứ Singapore tại Mỹ, nói rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã “xấu đi nhanh hơn nhiều so với bất kỳ dự đoán nào”.

“Rõ ràng Singapore có lợi ích và mối quan hệ quan trọng với cả hai cường quốc nhưng chúng tôi chưa bao giờ rơi vào vị trí này trước đây. Chúng tôi chưa từng cảm nhận rõ áp lực và thế giằng co giữa hai cường quốc như bây giờ”, bà Chan nói.

Phương Vũ (Theo SCMP)

Đọc nhiều