Cuộc điều quân lớn nhất để thực hiện các nhiệm vụ chưa có tiền lệ

04/11/2021 10:21

Trong đợt dịch thứ tư, Bộ Quốc phòng đã tăng cường hơn 130.000 chiến sĩ hỗ trợ TP HCM và các tỉnh ở phía Nam chống Covid-19, thực hiện những nhiệm vụ chưa có tiền lệ và đây là cuộc điều quân lớn nhất sau chiến tranh.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP HCM.

– Quân đội vừa quyết định rút quân sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Là chỉ huy trực tiếp, ông đánh giá gì về kết quả 3 tháng chi viện này?

– Trong chiến dịch này, giữa sự sống và cái chết, chúng tôi tâm niệm việc gì có lợi cho dân là làm chứ không thể đếm ngón tay các nhiệm vụ của mình. Quá trình thực hiện, anh em phải linh động, sáng tạo trên tinh thần làm cái gì tốt nhất cho dân. Cho nên, nếu có tổng kết thì cũng không thể nào nói hết được những việc làm của toàn dân, cả hệ thống chính trị trong đó có lực lượng quân đội.

Trong những việc của quân đội ở đợt dịch vừa qua, nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, thiết yếu cho dân là bình thường nhưng “đi chợ hộ” thì rất mới lạ. Bộ đội lúc đầu bỡ ngỡ, nhưng cũng quen dần, về sau làm trôi chảy. Đặc biệt, nhiệm vụ xử lý tử thi, tro cốt của bệnh nhân tử vong vì Covid-19 là việc chưa từng có tiền lệ với quân đội. Việc này khó khăn, thậm chí, giai đoạn đầu anh em còn cảm thấy sợ hãi nhưng với tình cảm, trách nhiệm, dần dần không còn sợ nữa.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, trả lời phỏng vấn sau khi quân đội hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Ảnh: Thành Nguyễn

– Bộ quốc phòng đã huy động khoảng 132.000 bộ đội và dân quân tự vệ vào thực hiện nhiệm vụ. Đây là chiến dịch điều lực lượng quân đội lớn nhất kể từ sau chiến tranh. Quyết định này đã được đưa ra như thế nào?

– Sau khi họp với Bộ Chính trị, anh Bảy Nên (Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên) về bàn với Thành ủy nhằm nâng cấp độ chống dịch lên cao hơn. Thành phố có xin ý kiến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và bàn đến phương án siết chặt nghiêm, giao cho quân đội đảm bảo luôn việc ăn uống cho dân. Chúng tôi thảo luận cả ngày hôm đó.

Giai đoạn này, TP HCM đã trải qua hơn một tháng thực hiện Chỉ thị 16. Tôi nói, nếu TP HCM muốn áp dụng biện pháp cao hơn phải đảm bảo 2 yếu tố. Một là chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ thiết yếu đủ cho 10 triệu dân trong một tháng và thứ hai phải đảm bảo được vật tư y tế, thuốc men. Nếu đáp ứng được, thành phố đề xuất bất kỳ biện pháp nào chúng tôi đều nhất trí.

Sau nhiều cân nhắc, Tổ công tác và thành phố thống nhất áp dụng biện pháp mạnh nhất trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Từ ngày 23/8, thành phố bắt đầu siết chặt giãn cách với nguyên tắc “ai ở đâu yên đó”. Quân đội được tăng cường vào để làm công tác an sinh, đảm bảo thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; cùng thành phố tăng thêm năng lực y tế…

– Lực lượng quân đội sau đó đã được bố trí triển khai trên thực tế như thế nào, thưa ông?

– Đứng trước tình thế “bão dịch”, sự quá tải của các bệnh viện, sự gồng mình chịu đựng của nhân dân và hệ thống chính trị thành phố, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã quyết định tăng cường lực lượng chi viện, trong đó có quân đội, để hỗ trợ các tỉnh phía Nam, tập trung cho TP HCM. Đây là một quyết định rất đúng đắn và kịp thời.

Quân đội huy động toàn bộ đợt dịch này là trên 130.000 quân. Riêng lực lượng cho công tác phòng chống dịch ở biên giới khoảng 20.000 quân, còn lại ở TP HCM hơn 100.000. Trong số này, lực lượng tại chỗ của quân đội ở phía Nam từ các Quân khu 5, 7, 9 rất lớn, ngoài Bắc vào khoảng 20.000 chiến sĩ.

Quân số điều động hỗ trợ TP HCM lớn nhưng so quy mô thành phố thì số lượng này như muối bỏ bể. Quân đội phải cùng thành phố đảm bảo an sinh cho trên 10 triệu người. Ngoài ra, anh em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tổ chức chốt kiểm soát, tuần tra; vận chuyển hàng hóa, đi chợ hộ; tổ chức các tổ tiêm, xét nghiệm; các tổ quân y tư vấn, điều trị F0 tại nhà…

Nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với trách nhiệm của người lính, đứng trước sự mất mát to lớn của nhân dân, chúng tôi đã xác định tư tưởng, quyết tâm từng bước vượt qua khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh.

Các chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ đứng chốt kiểm soát, vận chuyển lương thực.

– Tình hình dịch tại TP HCM thời điểm tháng 8 rất căng thẳng, mọi nguồn lực tập trung vào chống dịch. Quân đội nhận quyết định chi viện gấp rút. Việc này gây khó khăn như thế nào trong phối hợp với địa phương?

– Để khỏi bỡ ngỡ, tất cả lực lượng được điều động đến TP HCM trước khi thực hiện nhiệm vụ đều có ít nhất 1-2 ngày tập huấn. Như nhiệm vụ trực tại các chốt giao thông, giữ an ninh trật tự vốn là chuyên môn của kiểm soát quân sự. Lực lượng bộ binh muốn làm việc đó phải được tập huấn cách giữ chốt như thế nào, tuần tra ra sao… Hay các tổ tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm giãn cách, chúng tôi cũng phải đặt ra những câu hỏi, đưa cho bộ đội đọc đi, đọc lại, ghi âm rồi phát loa tới người dân.

Trong việc tổ chức xét nghiệm cũng vậy. Quân đội đã hỗ trợ thành phố lập 500 tổ quân y nhưng vẫn không đủ triển khai test diện rộng, thần tốc. Có thời điểm thành phố xin thêm 5.000 quân để lấy mẫu. Chúng tôi quyết định điều 1.000 người ngoài Bắc vào, còn 4.000 quân sử dụng lực lượng phía Nam từ các trường lục quân, binh chủng. Chúng tôi xin 4.000 kit test để tập huấn, tự test cho mình trong một ngày rồi hôm sau có mặt tại TP HCM làm nhiệm vụ. Nhờ vậy, chỉ sau một hôm, Bộ Quốc phòng có đủ lực lượng theo đề nghị của thành phố.

– Trong chuỗi những công việc đã đảm nhận tại TP HCM, ông thấy phần việc nào mà quân đội dù đã cố gắng nhưng chưa thể lo chu toàn như mong muốn?

– Trong tất cả nhiệm vụ quân đội được giao, nhiệm vụ khó khăn nhất là tổ chốt cứng ở cửa ngõ các tỉnh. Nhiều người dân có ý định vượt trạm liên tục, nếu mình không kiên quyết là bung ngay, thậm chí chốt Long An đã “bung” rồi. Nguy cơ tiếp tục ở chốt Tiền Giang, người dân tập trung mấy nghìn người ở khu vực này. Tôi nhanh chóng chỉ đạo Quân khu 9 tăng cường lực lượng giữ cho bằng được chốt, đưa một khung bệnh viện lên đặt ở đó để sàng lọc. Ai F0 thì giữ lại, âm tính thì cho qua. Từ đó, người dân hiểu mình có thể về nên không vượt chốt nữa.

Trong buổi sáng hôm đó đã giải quyết cho cả nghìn người qua chốt, không đem dịch về các tỉnh miền Tây. Đồng thời, tôi cũng điện cho các tỉnh, trước khi người dân vào địa phương mình, có thể tiếp tục test nếu cần.

Sau khi quyết định việc này xong tôi mới báo cáo Thủ tướng vì tình hình rất cấp bách và Thủ tướng cũng nhất trí với phương án đó.

Khó khăn thứ hai là việc đi chợ hộ cho dân, nhiều bộ đội ban đầu hoàn toàn không biết. Các chiến sĩ trẻ cũng như con mình ở nhà, có khi mình còn phải nấu cho ăn chứ làm gì biết đi chợ. Nhưng với nhiệm vụ được giao, bộ đội cũng phải đi siêu thị mua hàng, đặt hàng cho dân rồi quen, dần thành thục.

Rồi việc xử lý thi hài, tro cốt nạn nhân mất vì Covid-19, ban đầu một số chiến sĩ không dám làm vì còn e dè, sợ sệt. Nhưng chúng tôi động viên tư tưởng, xác định quyết tâm cho các chiến sĩ, dần dần anh em cũng quen vì mình làm với tình cảm nhân dân thì không sợ gì cả.

Đấy là những nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ và bộ đội vẫn làm được, đều hoàn thành tốt.

Các chiến sĩ quân đội bàn giao tro cốt cho gia đình nạn nhân Covid-19

– Ông có thể chia sẻ gì về những thiệt thòi, hy sinh của các chiến sĩ khi mất người thân nhưng không thể về nhà, nhiều người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục nhiệm vụ?

– Sự hy sinh của quân đội chẳng là gì nếu so với sự mất mát, hy sinh của người dân trong đợt dịch này. Tuy nhiên, ở góc độ là người chỉ huy đi kiểm tra, thăm nom, tôi cũng nhìn thấy nhiều hy sinh của anh em. Trong đó, có vài chục y bác sĩ ở lực lượng tuyến đầu là F0. Song, tất cả đều tình nguyện ở lại.

Không chỉ bác sĩ quân y, đội ngũ phục vụ trực tiếp như dân quân, bộ đội tuyến đầu cũng bị nhiễm nhiều, đều tự điều trị. Lúc đầu quân y, quân đội bị F0 âm thầm báo với tổ trưởng thôi, tổ trưởng cũng không báo cho tôi, sau này mới báo cáo. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm của anh em rất tốt.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, rất nhiều anh em có bố mẹ, ông bà mất. Tuy nhiên, trong tình hình đang chống dịch, tất cả đều xác định ở lại, lập bàn thờ tưởng nhớ người thân từ xa.

– Nhìn lại 3 tháng chống dịch, trong vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, theo ông, quyết định nào được đưa ra mang tính sống còn với TP HCM và các tỉnh phía Nam?

– Khi đợt dịch thứ tư mới bùng phát, TP HCM đã quyết liệt chống dịch ngay từ đầu nhưng do biến thể Delta lây lan nhanh… nên sau thời gian không lâu, dịch đã ăn sâu vào ngóc ngách, ngõ hẻm, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ đông người… khiến thành phố trở tay không kịp. Các cơ sở điều trị quá tải, bệnh nhân tử vong ở cả 3 tầng ngày càng nhiều.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo theo 3 trụ cột chính: cách ly nhanh, khoanh vùng hẹp nhất có thể và xét nghiệm thần tốc. Mỗi chiến dịch 2-3 đợt, mỗi đợt 3-4 ngày, nhờ đó đã bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt giảm nguồn lây nhiễm. Về phần điều trị thì phải tích cực, hiệu quả, thành lập nhiều trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến gồm hơn 6.000 giường hồi sức cấp cứu tương đối đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, con người, kể cả oxy.

Thủ tướng đã xác định lấy xã phường làm “pháo đài” và người dân là chiến sĩ, nhờ đó thành phố đã tăng được nguồn lực con người, trang thiết bị y tế ở địa phương. Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các trạm y tế lưu động cho các xã, phường để kịp thời chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, bảo đảm cho người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất các dịch vụ y tế. Việc này đã giúp giảm rõ rệt bệnh nhân chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở điều trị ở các tuyến. Đây là một trong những nội dung mang tính chiến lược tại thời điểm vô cùng khó khăn của TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Để làm tốt các nội dung trên, Chính phủ đã quyết định tăng cường lực lượng, trang bị y tế vào miền Nam với số lượng vô cùng lớn, đủ sức cho miền Nam, đặc biệt là TP HCM chống dịch. Cụ thể, thành phố đã mở các chiến dịch tiêm, test thần tốc, diện rộng, thực hiện nghiêm giãn cách; công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo tốt hơn, không để người dân bị thiếu ăn và điều trị hiệu quả 3 tầng; đặc biệt là F0 tại nhà cùng với tăng độ phủ vaccine.

Đến nay, dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã được kiểm soát. Số ca tử vong và ca mắc mới giảm rõ rệt, đặc biệt số ca tử vong giảm ở mức 2 con số.

Nếu tính trung bình một đợt bùng phát dịch như ở TP HCM, các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền y tế tiên tiến phải tập trung nguồn lực 6-9 tháng mới dập xong đại dịch. Riêng TP HCM, trong vòng 4 tháng, chúng ta đã từng bước làm chủ được tình hình.

Các chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ điều trị F0 tại nhà tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chạy xe máy chở thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, đi kiểm tra thực địa. Ảnh: Duy Thiện

– Theo ông, bài học nào được rút ra để kịch bản khốc liệt như tại TP HCM không lặp lại với các tỉnh thành khác?

– Qua đợt dịch này, có thể rút ra được 7 bài học. Thứ nhất là áp dụng cơ chế 02 của Bộ Chính trị vẫn còn nguyên giá trị, kể cả đối với an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đó là Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, hệ thống chính trị tham mưu, giao cho cơ quan chức năng chỉ huy xử lý. Cụ thể ở đây Chính phủ đã giao 3 bộ Y tế, Quốc phòng và Công an phụ trách và xác định rõ Bộ Y tế là cơ quan quyết định trong chiến dịch này.

Thứ 2, chúng ta phải sớm có dự báo, đánh giá tình hình dịch đặc biệt là đối với biến thể mới. Thứ ba là sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đặc biệt, nơi nào cấp ủy và người chỉ huy hết sức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nơi đó sớm kiểm soát được dịch, nếu không thì ngược lại.

Thứ tư là phát huy được hiệu quả của “4 tại chỗ’, đặc biệt là sức mạnh, sự đồng thuận, đoàn kết của toàn dân là không thể thiếu, cùng với tấm lòng, tình cảm trách nhiệm của các doanh nghiệp trong nước và bà con, kiều bào nước ngoài đã đóng góp rất lớn từ tiền của đến trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch.

Thứ 5 là sự đồng thuận và ý thức chấp hành của nhân dân. Thứ 6, khi có tình huống xảy ra người dân và chính quyền phải chuẩn bị kỹ hơn về hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, vật tư y tế…. Thứ 7 là phải có đủ cơ sở điều trị tại 3 tầng với đầy đủ con người, trang thiết bị, thuốc cộng với vaccine. Theo tôi trong 3 tầng điều trị thì tầng 1 cần tập trung quản lý điều trị tốt và hiệu quả. Vì làm tốt tầng 1 thì không có nhiều F0 lên tầng 2. Mà tầng 2 không nhiều F0 thì tầng 3 lấy đâu nhiều F0.

– Từng có thời gian dài sống tại TP HCM với tư cách là Tư lệnh Quân khu 7 trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, cảm xúc của ông thế nào trong những ngày chỉ huy quân chi viện thành phố và lúc này khi đoàn quân đã hoàn thành nhiệm vụ?

– Nếu làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Quốc phòng ở phía Nam, tôi tin sẽ làm rất tốt nhưng khi được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống dịch ở phía Nam, tôi đã nghĩ sẽ rất khó khăn. Tổ trưởng là thứ trưởng, các thành viên cũng là thứ trưởng nên việc điều hành tổ này như thế nào là rất khó. Chính vì thế, ngay từ đầu tôi cho xây dựng quy chế để xác định rõ hơn về nhiệm vụ, từng bước phối hợp chặt chẽ hơn.

Khi tôi vào đây, TP HCM đã vỡ trận và đang ở giai đoạn đuổi dịch rồi chứ không phải phòng chống dịch nữa. Nhiều đêm tôi không ngủ được, huyết áp lên cao liên tục dù trước đó bình thường.

Tôi hay kiểm tra thực địa cùng với anh Vũ Đức Đam – Phó thủ tướng, trong đó một số lần đi bằng xe máy thăm các F0 điều trị tại nhà xem người dân đủ điều kiện không, y tế chăm sóc thế nào… rồi về góp ý, điều chỉnh.

Gần 3 tháng trời, tôi chưa thấy lãnh đạo nào của thành phố có nụ cười trên môi. Bởi dịch bùng phát kéo dài, phải làm việc gấp nhiều lần bình thường, phải thức đêm, trực chiến kéo dài khiến nhiều người gặp áp lực, mệt mỏi, nhưng tôi vẫn thấy trong đó những ánh mặt rực lửa, đầy quyết tâm chống dịch của các cấp ủy, hệ thống chính trị của TP HCM.

Sau một thời gian dài, đến nay khi Covid-19 đã được kiểm soát không phải riêng tôi mà bất kỳ ai cũng hiện niềm vui trong cả ánh mắt, lời nói, nụ cười.

Dù vậy, tôi vẫn lo vì chiến lược chống dịch bây giờ xác định không còn “zero Covid” nữa mà phải sống chung, thích ứng với nó. Nhưng chính vì sống chung với dịch mà người dân dễ chủ quan, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc 5K, dịch rất dễ quay trở lại.

– Lúc này, khi đất nước chuyển mục tiêu chống dịch sang thích ứng với Covid, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới sẽ như thế nào?

– Tình hình dịch TP HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã từng bước được kiểm soát. Chúng tôi đã thống nhất với các tỉnh để điều chỉnh lực lượng với 3 giai đoạn. Từ ngày 1 đến 15/10, Bộ Quốc phòng cho rút toàn bộ lực lượng bộ binh; từ 15 đến 31/10, rút dần lực lượng y bác sĩ là học viên phía Bắc ở các bệnh viện dã chiến để các em trở về tiếp tục học tập; từ 31/10 đến hết tháng 11, tùy theo tình hình dịch bệnh chúng tôi tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, như các bệnh viện dã chiến của quân đội khi nào hết F0 sẽ giải thể.

Bộ Quốc phòng cũng đang sẵn sàng lực lượng để tăng cường cho Quân khu 5, Quân khu 9 khi cần thiết.

Khai Tâm

Đọc nhiều