Chính quyền quận Bình Thạnh (TP.HCM) tổ chức di dời 546 người dân sống nơi có nguy cơ cao lây nhiễm Coivd-19 trong quận đến sống tạm ở Khách sạn công đoàn Thanh Đa để tránh dịch.
– Chiều nay, anh nấu ăn, em trông con nhé.
– Con hơi ấm đầu đang cáu kỉnh đây.
Chiều muộn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xinh và anh Nguyễn Đình Uyên bàn nhau ai sẽ lo cơm nước cho cả nhà. Trên tay chị Xinh là con gái 6 tháng tuổi, cứ nằng nặc bám mẹ không rời.
Anh Uyên lúi cúi lấy nồi vo gạo, rồi kho trứng với cá hộp. Đây cũng là ít thực phẩm sau cùng, do nhiều ngày chị Xinh không có điều kiện mua sắm.
Cuộc di tản của những người ở “khu ổ chuột”
Đã hơn một tuần, gia đình anh Uyên, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh, rời xóm trọ về nơi ở mới – Khách sạn công đoàn Thanh Đa. Cùng với gia đình anh, hơn 540 cư dân khác tại các xóm trọ, nhà ở lụp xụp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 được chính quyền quận di dời đến đây.
Trước dịch, anh Uyên và vợ hành nghề bán hàng rong. Khi thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, anh không thể duy trì nghề. Cuộc sống lâm cảnh khó khăn, thiếu trước, hụt sau.
Mọi thứ thật sự trở thành cơn ác mộng khi anh nhận thông báo mắc Covid-19 từ cán bộ y tế phường 25. Anh rời khu trọ đến nơi điều trị. Vợ và hai con anh, đứa nhỏ nhất mới hơn 5 tháng tuổi đều là F1 và phải cách ly tại nhà. “Trời thương, tôi khỏe lại sau hơn một tuần điều trị”, anh Uyên xúc động.
Thoát cơn bệnh, người đàn ông này từng có ý định về lại quê nhà ở Thừa Thiên – Huế làm thuê, gửi tiền lên thành phố nuôi vợ con nhưng không thực hiện được vì lệnh giãn cách.
Ở cùng căn phòng rộng khoảng 30 m2 với gia đình anh Uyên còn có 3 gia đình khác, tổng cộng 12 người từng là những F0, F1. Mọi người đều quen biết nhau, cùng sống chung trong một xóm trọ ở hẻm N3 Điện Biên Phủ, phường 25.
Trước dịch, nhiều thành viên trong “đại gia đình” này hành nghề bán hàng rong. Chị Xinh bán bún bò, hủ tiếu. Bà Phan Thị Đí (56 tuổi), chị Thanh bán bún xào, chị Diễm là thợ làm tóc… Mọi người đều mất việc nhiều tháng nay, sống bằng tiền tích lũy hoặc vay mượn.
“Ở đây rộng rãi, mát và yên tĩnh. Ăn ở không tốn gì, lại còn nhận được tiền và thực phẩm, gạo… từ chính quyền nên chúng tôi rất xúc động. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó vì không đủ tiền chi trả cho việc thuê phòng trọ (cũ), mỗi tháng cũng hơn 2 triệu”, bà Đí rớm nước mắt nói.
– Mưa rồi, ba con mình vào phòng nhe
– Nhe nhe
– Nhe…
Anh Phương (27 tuổi) vừa trêu đùa vừa thủ thỉ vào tai con gái. Họ nhanh chóng trở về căn phòng sau một lúc dạo ở ban công ngắm nhìn thành phố lên đèn. Tiếng mưa bắt đầu rơi, gió rít khá mạnh. Cả hai chụm đầu vào xem một video hoạt hình.
Thỉnh thoảng, anh Phương hôn nhẹ vào đầu con gái 20 tháng tuổi, trong lúc cô bé nhoẻn miệng cười.
Cũng như nhiều gia đình khác, cha con anh Phương đến Khách sạn công đoàn Thanh Đa chiều 26/8. Trước đó, anh là F1 vì tiếp xúc với nhiều F0 tại xóm trọ nghèo trong hẻm Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh.
Kể từ khi dịch bùng phát, anh và con gái 20 tháng tuổi bị kẹt lại TP.HCM. Vợ và con trai lớn của anh trong lần về thăm quê nhà ở Quảng Nam, cũng không thể quay lại thành phố vì dịch.
“Tôi từng rất ngao ngán khi thấy vợ quần quật cả ngày chỉ để lo ăn uống, tắm gội, và ru con gái ngủ. Có vài lần vợ vắng nhà, tôi phải làm thay công việc này. Đó thật sự là một nỗi sợ, vì bản thân khá vụng về”, anh kể.
Hơn một tuần chuyển chỗ ở, hai cha con cũng dần thích nghi với những điều mới mẻ. Người đàn ông này cố chăm con khi không có ấm đun nước, bình giữ nhiệt và kể cả khăn tắm cho trẻ nhỏ. Những thứ này anh để quên ở phòng trọ và chưa thể về lấy.
Trước đây, anh Phương làm nghề phụ hồ ở Bình Thạnh. Dịch lan rộng, anh mất việc gần 5 tháng nay.
Thùng sữa nhà hảo tâm cho sắp hết, tã cũng thế. Không còn tiền, sống bằng nguồn viện trợ từ ban quản lý khu ở, anh Phương nói rằng mình và con đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất nơi xứ lạ quê người.
Cuộc di dời chưa từng có
Chủ trương di dời 546 người dân tại các khu nhà trọ, nhà lụp xụp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 được chính quyền quận Bình Thạnh thực hiện khi mỗi ngày quận này ghi nhận hàng trăm F0 trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên quận di dời cư dân tránh dịch quy mô lớn như vậy.
Nơi ở mới của người dân là Khách sạn công đoàn Thanh Đa, thuộc phường 27 của quận. Khách sạn này có hàng trăm phòng rộng, đảm bảo không gian ở cho ít nhất 1.000 người.
Sau vài giờ, tất cả người dân thuộc diện di dời đã đến nơi ở mới. Ban tổ chức bố trí mỗi phòng của Khách sạn công đoàn Thanh Đa ở từ 2-3 người, các loại phòng lớn có thể ở nhiều hơn. Những người trong gia đình, cùng xóm trọ hoặc quen biết, sẽ được ưu tiên ở cùng nhau.
Chuyển nơi ở chỉ vài giờ sau khi nhận thông báo, đa phần người dân chỉ kịp xách gói hành lý nhỏ. Quạt gió, nồi cơm điện cũng là hai thứ thiết yếu được ưu tiên mang theo.
Người dân sẽ ở tạm tại đây trong vòng 22 ngày, được miễn phí hoàn toàn chi phí ăn ở, điện, nước, Internet. Chính quyền quận phối hợp Sở Công thương bố trí các xe chở hàng lưu động đến đây khoảng 2 lần/tuần, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Lực lượng công an, quân sự, y tế, hậu cần, tình nguyện viên thay ca trực 24/24 để nắm tình hình, theo dõi sức khỏe và hỗ trợ người dân khi cần.
Ngày đầu tiên đến ở Khách sạn công đoàn Thanh Đa, mọi người được yêu cầu test Covid-19. Kết quả có một vài trường hợp F0, đã được đưa đi điều trị. Trước đây, những F0 này từng là F1 của các bệnh nhân Covid-19 nơi họ sinh sống.
Với quyết tâm thiết lập vùng xanh an toàn, ban quản lý đẩy mạnh tầm soát F0, thực hiện test nhanh 2 lần/tuần cho người dân. Đối với các trường hợp nghi ngờ, lực lượng y tế sẽ chỉ định test nhanh từng khu ở, từng phòng.
“Khoảng một tuần nay, chúng tôi được yêu cầu lấy mẫu 3 lần. Thật may tất cả đều âm tính. Mọi người cũng không thấy phiền phức, cần làm vậy để đảm bảo an toàn”, chị Nguyễn Thị Nhơn nói.
“Nếu phát hiện có F0, chúng tôi sẽ khẩn trương bố trí cách ly ngay để đảm bảo an toàn cho những người khác. Mọi người được nhắc nhở ai ở phòng nào thì ở yên phòng đó, không tiếp xúc gần với những người khác”, ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Bình Thạnh, phụ trách khu Khách sạn công đoàn Thanh Đa, nói.
“Sắp tới, ban quản lý sẽ tranh thủ nguồn vaccine, thực hiện tiêm chủng cho người dân. Ngoài chăm sóc sức khỏe, chúng tôi tiếp tục gây quỹ hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm và những gói an sinh cho bà con”, ông Cảnh nói.
Phạm Ngôn