130115
topics
373108

Cuộc chiến của các bác sĩ Italy là lời cảnh báo về virus corona

15/03/2020 06:25

Trong chưa đầy ba tuần, virus corona đã khiến các bệnh viện ở miền Bắc Italy quá tải, cảnh báo các quốc gia khác về những gì họ có thể đối mặt nếu không thể làm chậm sự lây lan.

Thị trưởng một thị trấn phàn nàn rằng các bác sĩ đã buộc phải quyết định không điều trị cho người già, để mặc họ chết. Ở thị trấn khác, bệnh nhân viêm phổi do virus corona được gửi về nhà.

Ở nơi khác, một y tá ngã gục với khẩu trang che mặt trong bức ảnh trở thành biểu tượng về sự quá tải của nhân viên y tế.

Theo New York Times, trong vòng chưa đầy ba tuần, virus corona đã làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp miền Bắc Italy.

Cuoc chien cua cac bac si Italy la loi canh bao ve virus corona hinh anh 1 benh_vien_1.jpg
Một đơn vị cấp cứu tạm thời tại bệnh viện Brescia, miền Bắc Italy, ngày 12/3. Ảnh: AP.

Nếu không thể làm chậm sự lây lan của virus và giảm số ca mắc mới, các quốc gia có thể chịu cảnh tương tự vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Trong trường hợp đó, ngay cả các bệnh viện ở các nước phát triển có cơ sở chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới cũng có thể phải áp dụng biện pháp như thời chiến, buộc các bác sĩ và y tá đưa ra quyết định khó khăn về việc ai có thể sống và ai thì không.

Miền Bắc giàu có của Italy đang đối mặt cơn ác mộng đó.

Áp lực chưa từng có kể từ Thế chiến II “Đây là một cuộc chiến”, Massimo Puoti, người đứng đầu khoa y học truyền nhiễm tại bệnh viện Niguarda của Milan, một trong những bệnh viện lớn nhất ở Lombardy, nói với New York Times.

Ông cho biết mục tiêu là hạn chế lây nhiễm, ngăn chặn dịch bệnh và tìm hiểu thêm về bản chất của virus. “Chúng tôi cần thời gian”.

Tuần này, Italy đưa ra các biện pháp hà khắc – hạn chế di chuyển và đóng cửa tất cả cửa hàng ngoại trừ các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa và các dịch vụ thiết yếu khác.

Nhưng họ đã không thể kịp thời ngăn chặn sự tăng vọt của các trường hợp nhiễm bệnh khi chúng gây tổn thương nặng nề cho hệ thống chăm sóc sức khỏe được đánh giá cao.

Cuoc chien cua cac bac si Italy la loi canh bao ve virus corona hinh anh 2 benh_vien_3.jpg
Giường mới được chuyển đến vào tháng trước tại một bệnh viện ở Codogno, gần Lodi ở miền Bắc Italy. Ảnh: AP.

Kinh nghiệm của Italy cho thấy sự cần thiết phải hành động quyết đoán – nhanh chóng và sớm – trước khi số trường hợp tăng đến mức khủng hoảng.

Vào thời điểm đó, có lẽ đã quá muộn để ngăn chặn sự tăng đột biến các trường hợp vượt quá giới hạn của hệ thống y tế.

Khi Italy dường như đã vượt qua ngưỡng đó, các bác sĩ của họ đang thấy mình ở vị trí khác thường hiếm thấy ở các nước châu Âu phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng kể từ Thế chiến Thứ hai.

Các bác sĩ thông thường đột nhiên chuyển sang chế độ thời chiến. Họ phải đối mặt lựa chọn khó khăn khi các ca phẫu thuật bị hủy bỏ, mặt nạ thở trở thành tài nguyên quý hiếm, và các quan chức đề xuất chuyển đổi các cơ sở bỏ không thành khu vực chăm sóc đặc biệt rộng lớn.

Các bệnh viện đang dựng các lều bệnh truyền nhiễm được bao kín. Ở Brescia, bệnh nhân chen chúc vào hành lang.

Cuoc chien cua cac bac si Italy la loi canh bao ve virus corona hinh anh 3 benh_vien_4.jpg
Bệnh viện quân đội cũ Baggio ở Milan đã mở lại một khu vực dành cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: New York Times.

Y tá, bác sĩ kiệt sức “Chúng ta sống trong một hệ thống mà mọi người được đảm bảo sức khỏe và quyền được chữa trị”, Thủ tướng Giuseppe Conte phát biểu hôm 9/3 khi tuyên bố các biện pháp giữ người Italy ở nhà.

“Đó là nền tảng, là trụ cột, là đặc điểm trong hệ thống văn minh của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể để bản thân mất cảnh giác”, ông nói.

Các chuyên gia y tế công cộng của Italy lập luận rằng hệ thống này đang bám trụ dù bị thử thách khắc nghiệt. Hàng nghìn người được xét nghiệm, cấp cứu và chăm sóc đặc biệt miễn phí, giữ nguyên tắc trung tâm của nền dân chủ Italy.

Nhưng cuộc sống thực sự bên trong chiến hào Lombardy đang gây lo ngại.

Bức ảnh y tá Elena Pagliarini gục mặt xuống với khẩu trang che kín trong bệnh viện ở thị trấn phía bắc Cremona sau 10 giờ làm việc trở thành biểu tượng của một hệ thống quá tải.

“Chúng tôi đang kiệt sức, về thể chất và sinh lý”, Francesca Mangiatordi, đồng nghiệp chụp bức ảnh của Pagliarini, nói trên truyền hình Italy hôm 11/3, kêu gọi mọi người tự bảo vệ mình để tránh lây lan virus.

Bác sĩ tại một bệnh viện ở Bergamo tuần này đã đăng trên mạng xã hội thông tin mô tả sự căng thẳng của hệ thống y tế khi số lượng bệnh nhân quá đông.

“Chiến tranh đã bùng nổ theo nghĩa đen và các trận chiến không ngừng diễn ra cả ngày lẫn đêm”, bác sĩ Daniele Macchini viết, gọi tình huống này là “thảm họa dịch tễ học” đã khiến các bác sĩ “bị choáng ngợp”.

Fabiano Di Marco, Trưởng khoa phổi tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, cho biết các bác sĩ “đã vẽ một đường trên sàn nhà để chia tách phần sạch của bệnh viện khỏi phần bẩn”, nơi bất cứ thứ gì họ chạm vào đều bị coi là truyền nhiễm.

Giorgo Gori, Thị trưởng của Bergamo, nói rằng trong một số trường hợp ở Lombardy, vì nguồn lực không đủ đáp ứng dòng bệnh nhân khổng lồ, các bác sĩ “buộc phải quyết định không đặt nội khí quản cho một số bệnh nhân rất cao tuổi”, về cơ bản là để mặc họ chết.

Cận kề “thảm họa y học” thời chiến Hôm 12/3, Flavia Petrini, Chủ tịch Đại học Gây mê, Hồi sức và Chăm sóc đặc biệt của Italy, cho biết nhóm của bà đã ban hành hướng dẫn về những việc cần làm trong thời kỳ giáp ranh với “thảm họa y học” thời chiến.

“Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực y tế nghiêm trọng, nên ưu tiên chăm sóc đặc biệt cho ‘bệnh nhân có cơ hội thành công cao nhất’ và những người ‘có hy vọng sống cao nhất'”, các hướng dẫn cho biết.

“Không ai bị bỏ rơi, nhưng chúng tôi cung cấp các tiêu chí ưu tiên. Những lựa chọn này được thực hiện trong thời gian bình thường, nhưng điều không bình thường là khi bạn phải hỗ trợ 600 người cùng một lúc”, bác sĩ Petrini nói.

Giulio Gallera, quan chức của Lombardy dẫn đầu các phản ứng khẩn cấp, cho biết ông hy vọng các hướng dẫn không bao giờ cần phải được áp dụng.

Ông cũng cho biết khu vực này đang làm việc với cơ quan bảo vệ dân sự của Italy để nghiên cứu khả năng sử dụng không gian triển lãm bị bỏ hoang như phòng chăm sóc đặc biệt với 500 giường.

“Dịch bệnh đã đặt các bệnh viện dưới áp lực chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai”, Massimo Galli, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Sacco của Milan, nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona, cho biết.

Cuoc chien cua cac bac si Italy la loi canh bao ve virus corona hinh anh 4 benh_vien_2.jpg
Policlinico San Matteo ở Pavia. Ảnh: New York Times.

Bác sĩ Galli chỉ ra rằng trong khi các nghị định khẩn cấp của chính phủ tìm cách tăng cường tuyển dụng hàng nghìn bác sĩ và nhân viên y tế – bao gồm cả thực tập sinh trong những năm cuối của trường y – thì phải mất thời gian để đào tạo bác sĩ mới, bao gồm những người được chuyển từ các khoa khác, vốn có ít kinh nghiệm với các bệnh truyền nhiễm. Các bác sĩ cũng rất dễ bị phơi nhiễm.

Bác sĩ Puoti, thuộc bệnh viện Niguarda, cho biết các bác sĩ giữ khoảng cách với nhau trong quán ăn, đeo khẩu trang trong các cuộc họp của nhân viên và tránh tụ tập trong các phòng nhỏ. Tuy nhiên, một số người vẫn bị nhiễm bệnh, tạo nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng hơn.

Carlo Palermo, Chủ tịch hiệp hội đại diện cho các bác sĩ bệnh viện công của Italy, cho biết hệ thống vẫn được duy trì cho đến nay, bất chấp nhiều năm bị cắt giảm ngân sách. Bản chất của hệ thống y tế công cộng cũng giúp ích. Nếu nó là hệ thống y tế dựa trên bảo hiểm, phản ứng sẽ trở nên “manh mún”.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng Italy đi trước khoảng 10 ngày so với các nước châu Âu khác trong việc phát triển ổ dịch.

Các báo cáo về hệ thống quá tải của Italy đã đánh động nước Mỹ, nơi Tổng thống Trump đã cấm các chuyến bay đến từ châu Âu vào tối 11/3.

Romano Prodi, cựu thủ tướng Italy và chủ tịch ủy ban Liên minh châu Âu, cho rằng virus corona đã là một vấn đề của người Mỹ. Ông cho rằng vì sự khác biệt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, “nó có thể nghiêm trọng hơn so với châu Âu”.

Tuyết Mai/NYT

Đọc nhiều